Bộ phim điện ảnh “Đảo của dân ngụ cư”:

Nỗi ám ảnh cùng cực về sự cô đơn trong mỗi con người

ANTD.VN -  Trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn mỗi con người là những góc khuất có hình thù như nhau, giống như ốc đảo nhỏ được tạo thành từ những nỗi cô đơn, li ti có, mà mênh mông cũng có.

Đó là những gì người ta có thể cảm nhận được khi xem “Đảo của dân ngụ cư” – bộ phim điện ảnh đầu tay mà NSƯT Hồng Ánh đứng chân ở vai trò đạo diễn. Phim do nhà văn Nguyễn Quang Lập chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến.

 1. Nỗi cô đơn khó gọi tên ấy được dẫn dắt ngay từ cảnh mở đầu phim khi nhân vật Phước – chàng trai trẻ hai mươi tuổi vừa từ bỏ công việc du lịch để tìm ra một ngôi làng ven biển, xin vào làm phụ việc tại một nhà hàng kinh doanh thịt dê. “Người ta nói số phận không phải do trời định. Số phận là do những người chúng ta gặp trong đời tạo ra” – tự sự mở đầu của Phước khi một mình đứng suy tư trên bờ biển, trước những con sóng gầm gào đã mở ra 91 phút phim ám ảnh, u uất và cũng đầy dữ dội.

Những cảnh quay đẹp trong "Đảo của dân ngụ cư"

Những thước phim không hướng câu chuyện vào một nhân vật cụ thể nào, đúng như tên rất mơ hồ và chung chung: “Đảo của dân ngụ cư”. Đảo ở đây có thể hiểu là hòn đảo nhỏ như bối cảnh được miêu tả trong nguyên tác truyện ngắn (mà thật ra khi đưa lên phim đã được đạo diễn Hồng Ánh chuyển thành một thị trấn ven biển), song cũng khiến người ta liên tưởng đến “ốc đảo” nằm sâu bên trong tâm hồn của mỗi con người.

Còn dân ngụ cư được nhắc đến trong phim gồm có: gia đình một ông chủ quán thịt dê người gốc Hoa (gồm ông chồng, bà vợ và một cô con gái bị liệt nửa người); một đầu bếp trẻ người Khmer; một đầu bếp già theo đạo Hồi người gốc Ấn Độ và cuối cùng là một chàng trai trẻ người Việt xin vào làm giúp việc. Từ đầu đến cuối, phim chủ yếu diễn ra ở bối cảnh trong nhà – quán thịt dê với tên gọi rất mĩ miều “Nhà hàng Trăng Đêm”, ngoài ra lác đác một hai ngoại cảnh bên ngoài, trong đó có cảnh biển.

Nỗi ám ảnh cùng cực về sự cô đơn trong mỗi con người ảnh 2Những thước phim được kết thành từ những nỗi cô đơn...

Sự đối lập hiện lên rõ nét trong “Đảo của dân ngụ cư” – giữa một bên là không gian chật chội, tù túng đến ngột ngạt với một bên là sự mênh mông rộng lớn của biển cả; giữa sự ồn ào náo nhiệt vào mỗi tối khi thực khách kéo đến nhà hàng Trăng Đêm để ăn uống, nhậu nhẹt rồi đập phá với một bên là sự tĩnh mịch đến rợn người khi màn đêm buông xuống, cô gái bị liệt đôi chân nằm một mình trong căn phòng tối, chỉ có ánh sáng le lói từ bóng trăng rọi vào, cất tiếng hát nghe khát khao mà cũng đầy ai oán; giữa những bản nhạc xưa phát ra từ đâu đó trong căn nhà với những khoảng không dài vô định...

2. Và rồi 91 phút phim, theo cách rất chậm rãi đã dần dần lý giải đằng sau nỗi cô đơn ấy là gì, là cam chịu hay phản kháng, là bằng lòng với cuộc sống thực tại lững lờ trôi vô định và vô vọng, hay đấu tranh để thỏa mãn khát khao và chạm vào hạnh phúc dù chỉ trong khoảnh khắc.

NSƯT Ngọc Hiệp trong vai người đàn bà cam chịu và thỏa hiệp với cô đơn...

Tất nhiên, mỗi nhân vật có một cách “phản ứng” khác nhau với nỗi cô đơn của chính mình. Đầu bếp già người gốc Ấn Độ chọn cách đọc kinh cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ. Đầu bếp trẻ người gốc Khmer giải phóng nỗi cô đơn bằng thú vui nhục dục. Ông chủ quán người gốc Hoa khỏa lấp sự cô đơn trống trải bằng tiền, trong khi vợ của người đàn ông này tìm đến men rượu để quên đi thực tại bẽ bàng. Người phụ nữ này cũng chính là hiện thân cho sự cam chịu cô đơn đến cùng cực, và việc duy nhất bà có thể làm là giúp Chu - cô con gái của chồng mình – cô gái bất hạnh có đôi chân bị liệt – không rơi vào cảnh bế tắc đến cuối đời như mình.

Dù không nói rõ nhưng xem phim có thể nhận ra, chính người đàn bà bất lực trong việc sinh nở này là người đã sắp đặt và tìm mọi cách để Chu gần gũi với đàn ông, chỉ với một lý do duy nhất: “Cô ấy cần một đứa con”.

Ngọc Thanh Tâm trong vai cô gái trẻ với khao khát vẫy vùng khỏi cuộc sống bó gọn trong đôi chân bại liệt...

Phim không có nhiều nhân vật, mỗi nhân vật lại thu mình trong một “ốc đảo” riêng, không ai bận tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của ai. Ngay cả khi vợ của ông chủ quán muốn giúp cô con riêng của chồng thoát khỏi sự cô đơn bằng việc có bầu, tưởng như giữa hai người phụ nữ có sự đồng cảm lẫn nhau, nhưng hóa ra không phải. Ẩn sâu trong đáy lòng cô gái trẻ, đó dường như chưa phải điều cô kiếm tìm và mong mỏi. Chu muốn được tự do như đám mây vảy cá trên bầu trời mà ngày ngày cô vẫn thấy, muốn được đi biển…và muốn được yêu như bao người bình thường chứ chưa hề mảy may nghĩ đến chuyện có con sẽ giúp mình bớt cô đơn.

Thế mới nói, sự cô đơn của mỗi người không giống nhau, cách giải phóng nỗi cô đơn ấy cũng khác nhau và tất cả làm nên những thước phim đẹp đến nao lòng, hệt như một bản nhạc buồn.

3. Vai Chu – cô gái có đôi chân bị liệt trong “Đảo của dân ngụ cư” lẽ ra sẽ do Hồng Ánh đóng. Những đó là câu chuyện của 11 năm trước, khi chị và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân từng rốt ráo với ý định thực hiện bộ phim này nhưng chưa có kinh phí. Ý định ấy đành phải “treo” lại suốt chục năm mặc dù Hồng Ánh thổ lộ, trong suy nghĩ của chị chưa lúc nào thôi mong muốn biến những trang viết ám ảnh này thành phim. Cho tới năm 2016, khi có đối tác thực sự thích và muốn hợp tác cùng chị để làm bộ phim này.

Vậy là sau cả một thập kỷ dài đằng đẵng, Hồng Ánh mới tìm được lối thoát cho “Đảo của dân ngụ cư”. Dù vậy, chị quả quyết, mọi thứ vẫn thế, duy chỉ có chút thay đổi là chị sẽ không vào vai Chu nữa, thay vào đó là Ngọc Thanh Tâm. Lý do thì bởi nữ nghệ sĩ tự nhận chị không còn trẻ để nhận vai diễn này, vả lại cũng muốn thử sức mình với vai trò mới: làm đạo diễn.

Có lẽ cũng bởi tiết lộ này nên xem phim, nhiều người đã ngầm so sánh Ngọc Thanh Tâm với Hồng Ánh và cho rằng cô gái trẻ diễn xuất chưa “tới”. Song công bằng mà nói, giữa bức tranh đặc màu u ám và ẩn ức của bộ phim này, Ngọc Thanh Tâm đã làm tròn vai diễn của mình, trở thành điểm sáng xuyên suốt toàn bộ phim. Điểm cộng cho vai diễn của cô là nét đẹp mộc mạc và sự tự nhiên trong diễn xuất. Còn điểm trừ ở chỗ, những gì cô thể hiện dường như vẫn chưa chạm tới tận cùng chiều sâu cảm xúc nhân vật – điều mà càng bộc lộ ra ngoài rõ bao nhiêu, càng nhận được sự đồng cảm bấy nhiêu từ khán giả.

Hơn 10 năm “thai nghén”, chuẩn bị và quay trong vòng 13 tháng, ngần ấy con số đủ để thấy Hồng Ánh tâm huyết với bộ phim này đến thế nào và chắc chắn, chị có quyền tự hào về “đứa con tinh thần” đầu tay của mình – một bộ phim đáng xem và đủ để người ta phải ngẫm ngợi.