Nỗi ám ảnh của "bà mẹ bỉm sữa" bị trầm cảm sau sinh

ANTD.VN -  “Tôi luôn cảm thấy chán nản, mệt mỏi và u uất. Mặc dù con trai tôi rất ngoan, ai cũng khen trộm vía dễ nuôi nhưng không hiểu sao tôi luôn có cảm giác hoan hỉ nếu làm đau con khiến con khóc. Thậm chí có lúc tôi đã muốn ném thằng bé đi…”.

Đó là tâm sự khiến người nghe sởn gai ốc, song lại hết sức thật lòng của một người mẹ trẻ đang đối mặt với nguy cơ lớn: trầm cảm sau sinh.

Những đêm dài thức trắng cùng tiếng gào khóc con trẻ

Chị Trần Thị Thu H (31 tuổi) trú tại Nam Định, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ câu chuyện trầm cảm sau sinh của mình cách đây gần 3 năm. Đến nay, cuộc sống của chị đã trở lại bình thường, nhưng chị vẫn không hết ám ảnh khoảng thời gian sinh bé Gà.

Chị H chia sẻ: “Mình sinh bé Gà vào giữa tháng 11 âm lịch năm 2015. Chồng đi làm, ông bà nội ngoại thì bận buôn bán. Tháng Tết mà. Bé Gà lại là con đầu nên mình không biết xoay trở thế nào. Ra viện được hai hôm thì bà nội bà ngoại phải về quê nên bàn bạc đưa mẹ con mình về Nam Định nhà nội. Nhà ngoại cách nhà nội hơn 3 cây số nên bà ngoại cũng tiện chăm hơn. Thấy hợp lý nên vợ chồng mình cũng nhất trí luôn”.

Theo lời chị H, tuần đầu sau khi về quê, do chị còn đau nên việc chăm con giao cả cho bà nội, bà ngoại. Nhưng bé Gà khá quấy. Ngày chơi không sao, cứ tối đến cả nhà ngủ thì lại khóc.

“Ban đầu thấy bé Gà khóc, cả nhà hết đốt vía, rồi lại làm lễ đủ thứ mà không ăn thua. Cả đêm phải người nọ người kia truyền tay nhau bế rong, đặt xuống là bé lại khóc. Nội ngoại thay nhau chăm được khoảng 1 tuần liên tục thế thì oải. Mình cũng khỏe hơn, xót con, ngại với nhà chồng nên giành phần bế con. Mẹ mình có sạp bán quần áo ngoài chợ, còn nhà nội thì có cửa hàng tạp hóa cũng khá to nên cuối năm đều bận cả. Việc chăm con chủ yếu mình làm một mình”.

Mất ngủ kéo dài, con quấy khóc, không có người chia sẻ, động viên nên chị H rơi vào trạng thái u uất. “Có đêm mình mặc kệ, vứt con bé ở giường mặc cho nó khóc rồi quay lưng ngủ. Mệt mà. Mọi người cứ tưởng mình được ngủ ngày thì tối trông con là lẽ đương nhiên. Cháu khóc, bà nội cũng chẳng bế ẵm gì mà còn gắt gỏng, cằn nhằn khiến mình càng thêm bực bội. Bà ngoại thì cũng chỉ qua được buổi tối xong về, vì thời điểm đó em dâu mình cũng sinh con, sinh sau mình nửa tháng”.

Chồng làm ở xa, không thể đỡ đần chị H việc chăm con nên chị H bắt đầu rơi vào trạng thái trầm cảm. Chị sụt mất 7 cân, mắt trũng sâu. Nghĩ con chính là nguyên nhân khiến mình vất vả, mệt mỏi nên mỗi lần con quấy khóc chị lại quát mắng và phát vào mông con. Thậm chí có lần, chị H vứt con nằm giường một mình rồi đi ra ngoài, mặc con khóc ngằn ngặt. Rất may hôm đó chồng chị về nghỉ Tết sớm phát hiện ra.

Qua Tết, vợ chồng chị H bàn nhau đón hai mẹ con lên Hà Nội ở cùng và nhờ bà cô họ lên trông. Bé Gà sau cũng không còn quấy đêm nữa nên mọi thứ dần ổn trở lại.

Nhiều bà mẹ sau sinh rơi vào trạng thái trầm cảm (Ảnh: Minh họa)

Trầm cảm vì tưởng mình… vô dụng

Ngược lại với trường hợp chị H, chị Nguyễn Thu T (29 tuổi), trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội lại rơi vào trạng thái trầm cảm chỉ vì nghĩ mình là kẻ vô dụng.

Chị T là trưởng phòng kinh doanh của một công ty nước ngoài. Là người cầu toàn trong công việc và cuộc sống nên chị có thói quen tự lập từ rất sớm. Theo lời kể của chị T thì những việc trong nhà, kể cả việc của đàn ông chị cũng đều tự tay làm.

Trong suốt thời gian mang bầu, chị T thường xuyên lên mạng tìm hiểu các thông tin về cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Chị không cho mọi người mua sắm gì cho con mà một mình đi siêu thị sắm đầy đủ.

Khi con được 39 tuần, chị T bàn với chồng đăng ký mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Mọi người trong nhà nói nhìn chị dễ đẻ thường nhưng chị cũng không nghe ai cả. Sau khi bé N.M chào đời, chị ở lại Hà Nội 10 ngày để vết mổ lành lại, rồi mới về quê nội ở Bắc Ninh.

Chị T kể: “Mẹ chồng mình chăm con chăm cháu khủng khiếp. Sai lầm của mình là đồng ý để bà ngủ cùng. Mình không thích kiểu ôm ấp cháu khi ngủ, sợ con bện hơi. Đêm con ọ ẹ đòi ti mẹ bà cũng dậy xem con có phải thay bỉm không. Cả ngày bà bắt mình nằm một chỗ cho khỏi đau lưng sau này, việc chăm con mình bà lo hết. Có những thứ mình không thích ví dụ như việc bà nhất quyết không đóng bỉm ngày cho cháu, sợ cháu nóng, khó chịu. Tự nhiên mình thấy bực với cả bà”.

Vốn là con người của công việc, nay ngồi một chỗ, lại không được chăm con và được mẹ chồng quá chăm, nên chị T bỗng cảm thấy mình như người vô dụng. Chị hay cáu gắt với mọi người trong nhà, nhất là mẹ và chị chồng. Chỉ hai ngày cuối tuần chồng chị nghỉ về quê với vợ với con là chị vui vẻ.

 “Tôi luôn cảm thấy chán nản, mệt mỏi và u uất. Mặc dù con trai tôi rất ngoan, ai cũng khen trộm vía dễ nuôi nhưng không hiểu sao tôi luôn có cảm giác hoan hỉ nếu làm đau con khiến con khóc. Thậm chí có lúc tôi đã muốn ném thằng bé đi…”.

Tâm sự với chồng mong nhận được sự chia sẻ của chồng, thì chồng chị T cho rằng chị khó tính, muốn kiếm chuyện với nhà chồng. Không ít lần chị T có ý định ôm con tự sát vì cho rằng chồng không còn yêu thương mình nữa. Sau cùng chị quyết định sẽ về nhà mẹ đẻ dù chưa hết 1 tháng ở nhà nội.

Một người em họ của chị T cũng bị trầm cảm sau sinh chỉ vì không biết cách chăm con. Người phụ nữ này sau đó đã phải vào bệnh viện điều trị 3 tháng. Con trai phải ăn sữa ngoài 100% và chỉ được gặp mẹ một tuần một lần.

Vụ việc đau lòng xảy ra tại huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Mẹ đẻ ra tay sát hại con trai 30 ngày tuổi nghi do bị trầm cảm

Hãy chia sẻ với “bà mẹ bỉm sữa”

Theo các chuyên gia, không phải ai sau sinh cũng bị trầm cảm nhưng tỷ lệ này chiếm khoảng 0,15 % phụ nữ sau sinh. Người bị trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử lên đến 41.2%. Chính vì vậy, khi phát hiện người phụ nữ có những biểu hiện bồn chồn, lo lắng, mất ngủ hay cáu gắt hoặc thờ ơ lãnh đạm bất cần thì nên đưa họ đến bác sỹ để khám và tìm hiểu nguyên nhân điều trị càng sớm càng tốt.

Chuyên gia khuyên rằng, gia đình có người mang thai hoặc phụ nữ sinh nở, cần đặc biệt chú trọng việc quan tâm, chia sẻ, động viên, đặc biệt là người chồng. Vì phụ nữ mang thai và sinh đẻ mà không được chồng quan tâm đúng mực, họ sẽ nghĩ mình bị bỏ rơi, dẫn đến tâm trạng bất ổn, u uất, buồn chán, lo lắng. Tình trạng trên kéo dài sẽ dễ khiến phụ nữ rơi vào trạng thái trầm cảm, có thể gây ra hệ lụy khó lường.