Nợ xấu và chỉ số tiêu dùng (CPI): Không nên tự trói chặt cả hai tay

ANTĐ - Bày tỏ quan điểm tại hội nghị lấy ý kiến Nhà nước, nhân dân và Mặt trận Tổ quốc về các vấn đề kinh tế - xã hội vừa diễn ra, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia cho biết: “Lạm phát cao có vẻ đang quay trở lại, gây tác động khá lớn tới nền kinh tế do chúng ta tăng phí y tế và giáo dục. Hai nhóm hàng này làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong rổ hàng hóa nói chung”. 
Nợ xấu và chỉ số tiêu dùng (CPI): Không nên tự trói chặt cả hai tay ảnh 1
Thắt chặt tín dụng quá mức sẽ khiến doanh nghiệp điêu đứng, người lao động mất việc làm

Theo ông Nghĩa, để CPI tăng đột biến là do những yếu kém trong việc giám sát và kiểm soát xã hội. “Tuy nhiên, tôi không lo ngại rằng CPI sẽ tăng. Chúng tôi dự đoán CPI sẽ giảm trong tháng 10 và 11 tới đây và lạm phát năm 2012 cao nhất ở mức 7,5% nhưng tín dụng chỉ tăng khoảng 2,16%, kể cả trái phiếu. Đây là bi kịch tiền tệ ít gặp”- ông Nghĩa nói.

Hiện nay, có tình trạng các ngân hàng đang dư thừa tiền nhưng không biết làm thế nào. Có ý kiến cho rằng, đẩy tín dụng ra có thể làm lạm phát tăng lên khiến kinh tế rơi vào thế kẹt theo kiểu “không uống thuốc hạ sốt thì không hạ được sốt, nhưng uống thuốc vào thì huyết áp tăng lên”. Một chuyên gia kinh tế khác cho rằng: “Phải trả một cái giá nhất định để phá băng tín dụng, tạo điều kiện phát triển và chấp nhận lạm phát năm 2013 ở mức khoảng 11%. Một mặt cần tăng đầu tư công và kiểm soát hiệu quả”. 

Đồng tình với quan điểm này, một số chuyên gia kinh tế dự báo, lạm phát năm 2012 sẽ dừng ở mức một con số và không nên thắt chặt tiền tệ quá mức. Tuy nhiên, cần có biện pháp kiểm soát tốt lạm phát năm sau.

Kinh nghiệm từ một số nước từng đối mặt với nợ xấu cho thấy, đây là vấn đề đáng lo ngại của nền kinh tế, vì doanh nghiệp điêu đứng, người lao động không có công ăn việc làm, đời sống giảm sút. “Vào những năm 90 của thế kỷ 20, nợ xấu của Nhật Bản là 2.000 tỷ USD. Lúc đó, Chính phủ Nhật Bản chủ quan cho rằng sẽ xử lý được. Tuy nhiên, con số này đã lên tới 40.000 tỷ USD. Đến khi Chính phủ bàn bạc xử lý thì có lợi ích nhóm, càng không xử lý thì doanh nghiệp càng điêu tàn, càng tan hoang. Có những doanh  nghiệp tồn tại 100 năm cũng phá sản. Chờ được đồng thuận xử lý thì doanh nghiệp đã không thể phục hồi”- một chuyên gia kinh tế cảnh báo.

Các chuyên gia kinh tế kiến nghị, đã thắt chặt tiền tệ thì không nên thắt chặt ngân sách. Không nên trói chặt 2 tay mình lại. “Chúng ta cứ đấu tranh là thắt chặt ngân sách, rồi vì lạm phát thắt chặt tiền tệ. Chúng ta đứng trơ ra giữa nền kinh tế toàn cầu suy thoái”- một chuyên gia kinh tế bày tỏ tâm huyết.

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, việc ổn định kinh tế vĩ mô để hạn chế lạm phát, bắt đầu có những dấu hiệu không bình thường. Do vậy, thắt chặt tín dụng nhưng phải làm sao để không ảnh hưởng đến phát triển.

Ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực cũng cho rằng, nên giảm chi 10% từ hội hè đình đám chuyển sang xây dựng hạ tầng cơ bản. Hiện nay, hoạt động này còn gây lãng phí lớn. Kèm theo đó, đẩy mạnh minh bạch hóa thông tin, từ đó chống tham nhũng, giúp đất nước phát triển.