- Thanh tra đột xuất 11 ngân hàng đầu tư trái phiếu, xử phạt một số nhà băng vi phạm
- Khó khăn bủa vây, ngân hàng thận trọng với mục tiêu lợi nhuận
Chỉ tiêu lợi nhuận thấp
Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã công bố kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Trong đó, VIB sẽ là ngân hàng đầu tiên tổ chức vào ngày mai, 15/3.
Còn lại, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần khác đều lên lịch tổ chức ĐHĐCĐ trong tháng 4 tới. Cụ thể, NCB dự kiến vào ngày 8/4; SHB ngày 11/4; Eximbank ngày 14/4; VPBank ngày 18/4 tại Hà Nội.
Tiếp theo là VietinBank, Vietcombank, MSB cùng dự kiến thời gian ĐHĐCĐ là ngày 21/4; BacA Bank ngày 22/4; HDBank và VietBank cùng 26/4; KienlongBank 27/4.
Tiếp theo, ngày 28/4 dự kiến sẽ là ngày tổ chức ĐHĐCĐ của BIDV và OCB... Các ngân hàng còn lại như Techcombank, VietA Bank, SeABank, Saigonbank... dù chưa có kế hoạch cụ thể nhưng cũng dự kiến sẽ tổ chức trong tháng 4 tới. Trong khi đó, SCB, ABBank, DongA Bank, TPBank... đến thời điểm này vẫn chưa công bố kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ.
Theo tài liệu dự kiến lấy ý kiến cổ đông của một vài ngân hàng, có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, đa phần các ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tương đối khiêm tốn so với năm ngoái.
Trong đó, VIB đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay là 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022. Đây là con số khá khiêm tốn so với kết quả đạt được là hơn 32% trong năm ngoái.
Tương tự, NamABank cũng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.400 tỷ đồng, chỉ tăng chưa đầy 6% so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 26% năm ngoái.
Ngoài ra, Vietcombank cũng cho biết Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng tối thiểu 12% (năm 2022 tăng gần 40%). Eximbank dù đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay khá cao so với các ngân hàng khác (34,8%), song thấp hơn nhiều kết quả đạt được năm 2022 (tăng 207%)…
Năm nay dự báo là một năm khó khăn với các ngân hàng |
Hầu hết lãnh đạo các ngân hàng đều nhận định, năm 2023 sẽ là năm rất gian khó. Thực tế cũng cho thấy, tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ tăng 0,77%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sức khỏe các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Trong khi đó, mặc dù đã đa dạng hóa thu nhập từ dịch vụ, song tín dụng hiện nay vẫn là nguồn thu chủ yếu của các nhà băng.
Dù chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm nay, song đối với OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, năm nay, tình hình kinh doanh sẽ khó khăn hơn các năm trước, vì môi trường kinh doanh không thuận lợi, do đó, OCB không dám đặt mục tiêu tăng trưởng cao như năm 2022.
Tương tự, Quyền Tổng giám đốc VietBank, ông Nguyễn Hữu Trung cũng nhận định, năm nay, chính sách tiền tệ và hoạt động kinh doanh ngân hàng gặp nhiều áp lực.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đang gặp vấn đề do đơn đặt hàng giảm rõ rệt vì cầu của thế giới giảm, trong khi chi phí đầu vào chưa giảm tương ứng. Xu hướng này dự báo còn kéo dài đến hết nửa đầu năm 2023. Các điều kiện hoạt động kinh doanh suy giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngành ngân hàng.
Đặc biệt, những nút thắt chưa được tháo gỡ của thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… sẽ tác động đáng kể tới diễn biến của lãi suất và tình hình hoạt động ngân hàng trong năm 2023.
Đánh giá chung về triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay, Chứng khoán VNDirect dự báo con số sẽ chỉ tăng 11% so với mức tăng 34% của năm ngoái. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm nay chỉ đạt khoảng 10% và có sự phân hóa mạnh ở các ngân hàng.
Nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp sẽ “nóng”?
Bên cạnh tín dụng suy giảm, nợ xấu có nguy cơ gia tăng, chất lượng tài sản giảm sút cũng là một thách thức lớn của các ngân hàng năm nay khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang rất khó khăn. Dự kiến đây sẽ là vấn đề sẽ được nhiều cổ đông chất vấn các lãnh đạo ngân hàng trong mùa ĐHĐCĐ năm nay.
Đặc biệt, với những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn thì vấn đề này sẽ càng nóng hơn trong bối cảnh sức khỏe các doanh nghiệp bất động sản đang suy kiệt.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã cho biết thời gian qua, cơ quan này đã thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của 11 tổ chức tín dụng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các ngân hàng có hành vi vi phạm.
Dù không công bố danh tính các ngân hàng bị thanh tra, song nhìn vào báo cáo tài chính năm 2022, có thể thấy nhiều nhà băng đang có tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp khá lớn.
Cụ thể, tính tới cuối 2022, có 17 ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị trái phiếu nắm giữ là 190.000 tỷ đồng, bao gồm: VietinBank, Vietcombank, BIDV, MB, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB, BaoViet Bank, BIDV, HDBank, VietinBank, Bac A Bank, OCB, MSB, NamABank, VIB, KienLongBank, SeABank.
Trong đó, 5 ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất là MB, Techcombank, VPBank, TPBank và SHB. Ba ngân hàng quốc doanh là VietinBank, BIDV, Vietcombank đều có hoạt động đầu tư trái phiếu, song tỷ trọng rất thấp so với tổng dư nợ tín dụng.