Nợ xấu sẽ bớt "xấu"

ANTD.VN - Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành nhiều nội dung quan trọng như thông qua 12 Luật, 12 Nghị quyết, trong đó Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được kỳ vọng tạo ra cơ sở pháp lý đủ mạnh để giải quyết nợ xấu, giúp khơi thông một lượng vốn lớn đang bị “chôn” trong nền kinh tế. Dòng vốn này sẽ giúp giảm lãi suất, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tốt hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vấn đề nợ xấu đã trở thành tâm điểm của kỳ họp Quốc hội. Ngành ngân hàng “nín thở” chờ Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu. Dường như các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với chủ trương không dùng ngân sách để xử lý nhiều khoản nợ xấu phát sinh và tích tụ bấy lâu nay. Điểm mới và có ý nghĩa lớn nhất đối với các ngân hàng mà Nghị quyết này đưa ra, đó là cho phép các tổ chức tín dụng được phân bổ dần số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu lên tới 10 năm.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, đây là cơ chế sống còn sẽ cứu nhiều ngân hàng. Hiện nay, nhiều ngân hàng mỗi năm chỉ lãi vài chục tỷ đồng. Nếu xử lý một khoản nợ xấu, có khi ngân hàng đã lỗ ngay 50 tỷ đồng. Mặc dù nếu kéo dài tình trạng này, nợ xấu sẽ ngày càng xấu thêm, nhưng nếu xử lý nợ, ngân hàng sẽ rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, cơ chế giãn thời gian hoàn nhập khoản lãi dự thu đó trong 10 năm, thay vì bắt buộc phải hạch toán ngay thì ngân hàng sẽ có đủ “can đảm” để xử lý nợ xấu.

Nghị quyết cũng khiến các ngân hàng “thở phào” nhẹ nhõm vì được sự công nhận bước đầu về quyền chủ nợ - vướng mắc lớn nhất của các ngân hàng trong xử lý nợ xấu thời gian qua. Nghị quyết cũng đưa ra nhiều cơ chế hỗ trợ như cho phép bán nợ xấu theo giá thị trường; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của giới chuyên gia, để giúp các ngân hàng đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, rất cần phải công khai nợ xấu. Bởi muốn trị tận gốc “bệnh”, trước tiên phải “bắt mạch” mức độ trầm trọng của “bệnh”. Thực trạng “sức khỏe” của các ngân hàng phải được công bố. Trước hết các ngân hàng phải chủ động xử lý nợ xấu, không thể đổ lỗi hay chờ sự “giải cứu” của bất cứ ai. Có đại biểu Quốc hội đề nghị ngân hàng sớm có báo cáo cụ thể tên của các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu. Điều này là cần thiết để tránh tình trạng nhập nhằng nợ xấu, người và tổ chức gây ra nợ lại vô can.

Nợ xấu nào cũng là nợ xấu, không thể “lái” vấn đề xử lý nợ xấu thành việc bảo vệ quyền lợi tiền gửi của người dân mà lờ đi trách nhiệm của các ngân hàng đã cho vay tắc trách, trái luật. Chỉ có như vậy thì mới hy vọng nợ xấu sẽ bớt “xấu”, không còn làm “đau đầu” cả hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế.