Nợ xấu nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh dù được cơ cấu nợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù được cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhưng trong quý III/2021, báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận nợ xấu tăng khá mạnh.

Nhiều nhà băng tăng nợ xấu

Đơn cử như Techcombank, tính đến cuối tháng 9, cho vay khách hàng đạt 317.669 tỷ đồng, tuy nhiên nợ xấu có xu hướng tăng so với quý trước đó với mức tăng 41% so với đầu năm, lên 1.829 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng mạnh nhất đến 74%, lên mức trên 727 tỷ đồng, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng trên 23% lên 658,8 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) cũng tăng 23% lên xấp xỉ 443 tỷ đồng. Tính chung, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tại ngân hàng tăng từ 0,47% đầu năm lên 0,57%.

Trong khi đó, Ngân hàng lại giảm trích lập dự phòng rủi ro với gần 589 tỷ đồng trong quý III, giảm đến 43% so với cùng kỳ (1.033,7 tỷ đồng). Tính chung đến hết tháng 9, dự phòng rủi ro tại Techcombank đạt 2.037 tỷ đồng.

Tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác là ACB, nợ xấu cũng có xu hướng tăng mạnh. Tính đến hết tháng 9/2021, dư nợ cho vay của ngân hàng tăng 8%, đạt 336.492 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu của nhà băng này tăng mạnh hơn 50% so với hồi đầu năm, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,6% lên 0,8% sau 9 tháng.

Trong đó, nợ nhóm 3 tăng hơn 200% lên 639 tỷ đồng; nợ nhóm 4 cũng tăng gần 80% lên 724 tỷ đồng; nợ nhóm 5 tăng 20% lên 1.460 tỷ đồng. Trog quý, ngân hàng cũng tăng trích lập dự phòng rủi ro lên tới 820 tỷ đồng, tăng tới 4 lần so với cùng kỳ.

Điều này khiến chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 30%, vì vậy, lợi nhuận còn lại sau thuế chỉ đạt 2.616 tỷ đồng đi ngang so với cùng kỳ. Dù vậy, lũy kế 9 tháng, lợi nhuận nhà băng này vẫn đạt 8.968 tỷ đồng, tăng 40% so cùng kỳ.

Dù được phép cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ nhưng nợ xấu nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh

Dù được phép cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ nhưng nợ xấu nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh

Tại MB, dù tổng nợ xấu giảm nhẹ 2%, về 3.186 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,09% về 0,95%, tuy nhiên một số nhóm nợ lại có xu hướng tăng. Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 889,7 tỷ đồng vào đầu năm lên 1.220,6 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng từ 973,5 tỷ đồng lên 1.112,3 tỷ đồng. Nợ cần chú ý cũng tăng từ mức 2.321,7 tỷ đồng lên gần 3.709 tỷ đồng.

Ngược lại, nợ có khả năng mất vốn tại ngân hàng lại giảm mạnh từ 1.384,5 tỷ đồng xuống 853,4 tỷ đồng. Cùng với đó, MB cũng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro khách hàng thêm 70,4% đạt 7.418 tỷ đồng.

Ở nhóm ngân hàng nhỏ, Vietbank cũng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh. Tính đến 30/9/2021 nợ xấu tại nhà băng này là 1.244 tỷ đồng, tăng 58,5% so với đầu năm. Trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 4,8% lên 46.957 tỷ đồng đã khiến tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tăng đáng kể từ mức 1,75% tại thời điểm đầu năm lên 2,65% vào cuối quý III.

Khó khăn ở phía trước

Trước đó, báo cáo trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh bày tỏ lo ngại về việc nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay của các ngân hàng dự kiến sẽ ở mức cao, từ 7,1% - 7,7%. NHNN đánh giá tác động của dịch Covid-19 sẽ có độ trễ đối với ngành ngân hàng cả sang năm 2022.

“Chúng ta thường ví von ngành ngân hàng là con thuyền còn nền kinh tế là dòng sông. Nước nổi thì thuyền nổi mà nước xuống thì thuyền cũng xuống theo. Khi nền kinh tế phát triển tốt, doanh nghiệp làm ăn tốt thì nợ xấu thấp, khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn thì đương nhiên nợ xấu sẽ tăng”, Phó thống đốc NHNN nói.

Còn theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dù các ngân hàng đang được phép cơ cấu nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 nhưng nguy cơ nợ xấu là luôn luôn tiềm ẩn tăng. Ngay cả những khoản nợ nhóm 1 cũng có thể bị ảnh hưởng, bởi khó khăn của doanh nghiệp luôn tiềm ẩn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì nguy cơ nợ xấu trong tương lại rất cao.

Cùng với đó, lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn khi ngân hàng đang còn những khoản lãi dự thu, là những khoản dù quyết toán rồi nhưng không thu được thì tương lai sẽ phải thoái thu.