Nợ xấu - Không thể ngộ nhận hay che đậy

ANTĐ - Một trong những điểm” nóng” của các nền kinh tế trên thế giới hiện nay là tình trạng nợ xấu gia tăng khó kiểm soát, với những hệ lụy kinh tế-xã hội-chính trị đa dạng ngày càng  nặng nề, lan rộng trên mọi quy mô và cấp độ. Vì vậy, việc nhận diện các nguy cơ, giảm bớt các ngộ nhận về nợ xấu trở nên cần thiết.

Khích lệ… quá tay

Nợ (bao gồm cả nợ công và nợ tư) ngày càng trở thành hiện tượng phổ biến và đặc trưng không loại trừ bất kỳ quốc gia và doanh nghiệp nào. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, thì tình trạng một nước, một doanh nghiệp vừa là chủ nợ, lại vừa là con nợ cũng ngày càng dễ gặp. 

Điểm đáng lưu ý và cũng là biểu hiện đậm nét “mặt trái của tấm huy chương” ở chỗ, khi quả bom nợ xấu chưa phát nổ, khi các nguồn nội lực và nguồn thu hạn hẹp, trong khi nhu cầu chi tiêu không ngừng tăng nhanh, thì nợ trở thành kênh lựa chọn hàng đầu để tìm kiếm nguồn vốn tài chính bổ sung cần thiết hỗ trợ cho các hoạt động của quản lý nhà nước và đầu tư doanh nghiệp, với kỳ vọng góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội vĩ mô và vi mô; thậm chí, nhiều khoản vay nợ để đầu tư trung và dài hạn có tính đầu cơ cao này được khích lệ ngầm bởi các cơ quan hữu trách và còn được coi như biểu tượng sự tự do và thịnh vượng mới của kinh tế thị trường và động lực phát triển kinh tế quốc gia, cũng như được coi là bằng chứng của lòng tin thị truờng và thế giới vào quốc gia khi đó. Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự gia tăng quy mô nợ, thì nợ xấu cũng hình thành như là kết quả hội tụ của nhiều nguyên nhân khác nhau, và cũng là thước đo hiệu quả quản lý kinh doanh và quản lý nhà nước trong bối cảnh cụ thể. 

Nếu nợ xấu nằm trong phạm vi cho phép (thường là không quá 3% tổng dư nợ ngân hàng) và khả năng kiểm soát của doanh nghiệp, ngân hàng và chính phủ thì không là chuyện phải bàn. Vấn đề và các hệ lụy của nợ xấu chỉ phát sinh và phát tác khi quy mô nợ xấu tăng vọt (lên tới 17-45% ở nhiều nước châu Á những năm 1998-1999) và các con nợ mất khả năng thanh toán kéo dài, dẫn đến nguy cơ hoặc hiện thực vỡ nợ của cả loạt doanh nghiệp, ngân hàng, thậm chí cả quốc gia. 

 Nợ xấu và các giải pháp xử lý nợ xấu ngày càng trở thành tác nhân và công cụ mạnh mẽ chi phối đời sống chính trị và chính sách quốc gia. Những điều kiệntín dụng ngày càng ngặt nghèo, nhất là mức lãi suất cao và áp lực thắt chặt chi tiêu, sẽ kéo theo những hệ quả khôn lường nhiều mặt… Đặc biệt, từ vấn đề kinh tế thuần tuý, nợ xấu đang có khuynh hướng nâng cấp và “đổi màu” trở thành vấn đề chính trị.

Vòng luẩn quẩn

Lịch sử mỗi quốc gia và toàn thế giới đã, đang và sẽ còn tiếp tục có nhiều minh chứng đắt giá cho nợ xấu với tư cách là “mặt trái của tấm huân chương”. Những cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ và suy giảm kinh tế, cả cấp khu vực những năm cuối 1990 khởi đầu từ Thái Lan và cấp toàn cầu khởi đầu từ Mỹ năm 2008 hiện nay, đều có nguyên nhân trực tiếp từ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản. Còn trước đó, những khoản nợ xấu này lại được tích tụ từ việc mở rộng quá mức những khoản vay dễ dãi để đầu tư có tính đầu cơ cao vào thị trường bất động sản đang thời kỳ bùng nổ bong bóng. 

Đồng thời, thực tế cũng đang cho thấy xu hướng tương tác chuyển hóa và chế định lẫn nhau giữa nợ công và nợ tư. Khi nợ xấu tư nhân gây bất ổn kinh tế và giảm mạnh các nguồn thu trong nước, thì dù muốn hay không, sớm hay muộn, chính phủ đều buộc phải viện đến các gói hỗ trợ và tăng chi tiêu công trị giá nhiều tỷ USD nhằm giải cứu nợ, phong tỏa các nguy cơ, kích cầu và giữ ổn định nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Điều này dẫn đến áp lực tăng nợ công. Đến lượt mình, khi nợ công, nhất là nợ xấu nước ngoài tăng, giảm mức xếp hạng tín nhiệm chính phủ sẽ khiến đổ vỡ lòng tin và giảm cơ hội thị trường, giảm động lực phát triển kinh tế, giảm cơ hội đầu tư và thu nhập của doanh nghiệp, của người lao động, thu hẹp thị truờng…, do đó làm tăng nợ tư nhân, nhất là nợ xấu… 

Các hoạt động đầu cơ và đầu tư đa ngành thái quá, mù quáng, cảm tính, phong trào, cũng như bị chi phối bởi lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ… dễ dẫn đến sự gia tăng đột biến nợ xấu. Các rủi ro đạo đức và sự yếu kém trong quản trị rủi ro của các ngân hàng càng đổ thêm dầu vào đống lửa -nợ xấu, nhất là thông qua những thủ đoạn khai tăng giá trị thế chấp, cho vay tập trung quá mức vào một lĩnh vực và nhóm con nợ, bất chấp các nguyên tắc an toàn tín dụng. Không thể lảng tránh hoặc che đậy mãi, nhưng cũng không thể đối diện với nợ xấu một cách cảm tính, duy ý chí. Thời gian gần đây, thế giới ngày càng thống nhất nhận thức về cần tránh những ngộ nhận, thói vô trách nhiệm và những kẽ hở trong quản lý nợ, nhất là nợ xấu; làm tốt công tác thông tin, dự báo và giám sát, cảnh báo và kiểm soát an toàn nợ, nhất là an toàn cho hệ thống tài chính-ngân hàng; ngăn chặn những hành vi lạm dụng và đầu cơ mù quáng, cảm tính đám đông - nhân tố nhạy cảm của khủng hoảng nợ nói riêng, khủng hoảng kinh tế-tài chính nói chung.

Đặc biệt, thực tiễn thế giới cho thấy: sự nhất quán trong thắt chặt thận trọng và linh hoạt nới lỏng chính sách tài chính - tín dụng; tăng cường giám sát và chủ động các kịch bản an toàn về nợ xấu; đẩy mạnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa và tri thức hóa nền kinh tế; đề cao sự phối hợp hài hòa bàn tay nhà nước pháp quyền và bàn tay thị trường… đã, đang và sẽ vừa là định hướng phát triển tất yếu, vừa là giải pháp ngày càng quan trọng và hiệu quả trong cuộc chiến nhằm kiểm soát nợ xấu và những hệ lụy của nợ xấu ở từng quốc gia và trên phạm vi toàn cầu…