Nợ thuế cũng... ưu đãi

ANTD.VN - Bội chi ngân sách hơn 111.000 tỷ đồng trong 8 tháng qua khiến ngành thuế chịu sức ép tăng thu. Tổng cục Thuế đã triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, tăng cường chống thất thu thuế một loạt doanh nghiệp nợ thuế lớn và kéo dài như dịch vụ Uber. Nếu để cơ quan thuế phong tỏa tài sản, doanh nghiệp sẽ hết đường làm ăn. Nhưng vấn đề không chỉ có thế.

Trong hơn nửa đầu năm nay, Tổng cục Thuế đã bội thu với những khoản thuế quản lý tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, ước trên 393.000 tỷ đồng, đạt 48,6% dự toán. Thế nhưng, tổng số tiền nợ đọng thuế trên cả nước vẫn cao “ngất ngưởng” tới 76.000 tỷ đồng. Vì vậy, nhiều chi cục thuế trên toàn quốc cùng vào cuộc quyết liệt tổng rà quét thu hồi nợ thuế.

Theo luật, doanh nghiệp nợ thuế phải thông báo số tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế. Nếu không, toàn bộ hóa đơn mua hàng qua tài khoản đều vô giá trị, không được tính vào chi phí; hóa đơn giá trị gia tăng cũng không được hoàn. Hơn thế, doanh nghiệp còn bị phạt.

Nếu bị cơ quan thuế phong tỏa tài khoản sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín, bộ mặt doanh nghiệp; còn tài khoản bị tê liệt thì không chuyển tiền đi được, tức là “mất mặt”, mất niềm tin với đối tác, khách hàng. Với cách thức cưỡng chế hiện nay, rõ ràng doanh nghiệp không thể “chạy thoát” được. Bởi vì khi doanh nghiệp nợ thuế chây ì, cơ quan thuế có các quyền như gửi thư cưỡng chế, cắt tài khoản.

Mạnh tay nữa là không bán hóa đơn, công bố doanh nghiệp bỏ trốn, đến đây họ chỉ có nước đóng cửa. Chưa hết, nếu nghi ngờ doanh nghiệp gian lận, ngành thuế có quyền chuyển cơ quan điều tra. Thậm chí, trước đây cơ quan thuế còn đòi trao thêm quyền điều tra hình sự doanh nghiệp để chống chuyển giá, chống thất thu thuế.

Những doanh nghiệp làm ăn chân chính đặt câu hỏi: cơ quan thuế kiểm soát chặt chẽ, chi li đến từng doanh nghiệp như vậy mà tính đến tháng 7 vừa qua, số tiền nợ đọng thuế vẫn tới 76.000 tỷ đồng, cao hơn so với cuối năm 2015. Tình trạng chuyển giá, “qua mặt” ngành thuế vẫn diễn ra tại một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, Bộ Tài chính vừa mới “sốt sắng” xin xóa gần 8.000 tỷ đồng tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt do doanh nghiệp đã phá sản, giải thể. Theo quy định, doanh nghiệp muốn giải thể phải thực hiện xong nghĩa vụ thuế. Vậy việc xóa nợ thuế có đảm bảo bình đẳng, sòng phẳng giữa các doanh nghiệp, nhất là trong khi nhiều doanh nghiệp nợ thuế “khủng” dây dưa vẫn chưa bị “sờ gáy”. Không lẽ nợ thuế cũng có ưu đãi, ưu ái?