Nở rộ sân bóng mini, điểm rửa xe ở vị trí đắc địa: Gỡ gạc trên “đất vàng”

ANTĐ - Thời gian gần đây, tại nhiều khu đất nằm ở vị trí đắc địa trên địa bàn Hà Nội, nhiều sân bóng mini, sân tennis hay điểm rửa xe đã đua nhau mọc lên. Thực trạng này khiến không ít người dân mỗi khi đi qua đều cảm thấy xót ruột.

Một sân bóng mini ở quận Cầu Giấy

Không xây được thì cho thuê ?!

Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, ông Trần Khánh – cán bộ hưu trí phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho biết, hiện quanh khu vực nhà ông ở đã có tới 5 sân bóng mini. Vào buổi sáng hay chiều các ngày trong tuần, các sân bóng  lúc nào cũng đông đúc. Điều đáng nói là hầu hết các sân bóng này đều nằm trên đất đã được quy hoạch. Do đó, việc chủ đầu tư cho thuê đất để kinh doanh đã khiến người dân đặt câu hỏi, việc làm này rõ ràng vi phạm Luật Đất đai, sao cá nhân vi phạm vẫn không bị xử lý. Bởi theo quy định, nếu sau 12 tháng được giao đất xây dựng mà các đơn vị không đầu tư dự án thì sẽ bị thu hồi lại giấy phép.

Cũng theo ông Khánh, bên cạnh mặt tích cực là các sân bóng này thỏa mãn được nhu cầu vui chơi giải trí, tập luyện thể dục thể thao cho người dân thì nó còn không ít tồn tại. Do hầu hết là sân bóng tự phát, thậm chí có sân còn nằm sát nhà dân hay cạnh các công trình đang xây dựng nên các yếu tố đảm bảo an toàn cho việc tập luyện thể thao, đi lại của người dân tại khu vực còn chưa được coi trọng. Bên cạnh đó, vấn đề PCCC, an ninh trật tự tại các khu vực có sân bóng cũng bị ảnh hưởng do sự xuất hiện của nhiều người lạ từ nơi khác đến, sau mỗi trận đấu lại tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt say dẫn đến cãi vã, ẩu đả rất phức tạp…

Để có thông tin đầy đủ về sự việc trên, chúng tôi đã khảo sát tại một số tuyến đường như Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám, Phạm Hùng, khu vực Nam Trung Yên, Mễ Trì… và thấy phản ánh của người dân là có cơ sở.  Nhiều khu đất không chỉ được cho thuê làm sân bóng mini mà còn biến thành nơi rửa xe, tập kết, thu mua phế liệu…

Tại một sân bóng mini ở khu vực Nam Trung Yên, trong vai một người đi thuê sân cho cơ quan giao lưu bóng đá vào dịp cuối tuần, chúng tôi được anh L.V.Đ, người được thuê phụ trách sân bóng cho biết, thông thường giá thuê sân từ 300 – 400.000 đồng/trận. Nhưng vào giờ cao điểm (khoảng 16h đến 20h hàng ngày) giá thuê sân có thể cao hơn, từ 1,5-2 lần. Như vậy, chỉ cần làm phép tính đơn giản, mỗi ngày, mỗi chủ sân đã có trong tay tiền triệu, chưa kể đến các khoản thu khác từ dịch vụ trông xe, bán nước, cho thuê quần áo, giày thi đấu, bóng thi đấu…

Cũng theo anh Đ, đất sân bóng được thuê lại từ chủ dự án với mức giá gần 200 triệu đồng/ năm với hợp đồng từ 2 năm trở lên. Sau khi có mặt bằng, chủ sân bóng sẽ thuê một đơn vị thi công sân cỏ nhân tạo. Giá thi công sân dao động từ 400-500.000 đồng/m2. Mặc dù phải bỏ ra chi phí không nhỏ nhưng các chủ sân có thể thu hồi vốn và có lãi trong thời gian ngắn, trong khi đó rủi ro đối với việc kinh doanh sân bóng lại hầu như không có, việc quản lý cũng khá đơn giản. Vì vậy, trong khi các dự án bất động sản đang đình trệ, không thể triển khai thi công, việc chủ đầu tư cho thuê đất dự án để thu lợi nhuận được coi là giải pháp gỡ gạc tình thế?!

Có vi phạm quy định?

Chỉ tính riêng tại các khu vực Trung Hòa, Nam Trung Yên, Mỹ Đình… hiện có hàng chục sân bóng đá, điểm rửa xe ô tô nằm trên đất đã được quy hoạch. Một điều dễ nhận thấy là sự tồn tại và phát triển rầm rộ của loại hình kinh doanh này trên những mảnh đất “vàng” vốn được thu hồi cho mục đích xây dựng chỉ là giải pháp nhất thời nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt của chủ đầu tư, bởi hầu hết các dự án trên đều trong tình trạng chậm tiến độ hoặc bị treo.

Về vấn đề trên, ông Lê Đình Phan, Giám đốc một công ty bất động sản ở quận Thanh Xuân cho rằng, chủ dự án nào sau khi được bàn giao đất cũng muốn triển khai xây dựng ngay, không ai muốn dùng đất đó để chuyển sang các hoạt động khác. Song trong thời điểm hiện tại, do khó khăn về vốn đầu tư nên họ buộc phải tìm cách để khai thác đất sao cho hiệu quả nhất. Không ít đơn vị sau khi tiến hành đầu tư ở những hạng mục cơ bản như san lấp mặt bằng, đổ đất nền thì buộc phải dừng lại vì… hết tiền. Do đó, việc cho thuê đất để làm sân bóng mini, điểm rửa xe cũng chỉ là giải pháp cực chẳng đã.

 Còn theo luật sư Võ Đình Hải – Đoàn Luật sư Hà Nội, khi không thể tiếp tục đầu tư, doanh nghiệp buộc phải dừng lại để chuyển sang làm dịch vụ khác. Việc làm này là vi phạm Luật Đất đai. Theo quy định, cơ quan chức năng có quyền thu hồi lại giấy phép của những đơn vị này, song việc thu hồi cũng không dễ dàng gì bởi số tiền các đơn vị đã bỏ ra đầu tư vào các khu đất này không phải là nhỏ. Hơn nữa, nếu tiến hành thu hồi giấy phép để giao đất cho đơn vị khác thì khả năng đất bị chuyển đổi mục đích vẫn  khá cao do khó khăn chung của thị trường. 

Bên cạnh đó, khi tiến hành các hoạt động kinh doanh trên đất đã được giao, các chủ dự án phải được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Trong trường hợp chủ dự án cố tình làm sai quy định, cho thuê đất một cách tự phát để thu lợi thì họ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi cho thuê đất, doanh nghiệp cũng cần thống nhất với bên thuê về thời hạn thuê một cách rõ ràng, tránh tình trạng khi dự án có thể triển khai được thì lại bị vướng mắc bởi việc lấy lại mặt bằng. 

Nhằm ngăn chặn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hoặc chuyển nhượng đất một cách trái phép, trong thời gian tới, thành phố cần giao cơ quan chức năng kiểm tra tổng thể các dự án đã được bàn giao đất. Đối với chủ đầu tư không có khả năng thực hiện dự án, cơ quan có thẩm quyền cần ra quyết định thu hồi, tránh lãng phí về đất đai…