Nở rộ dịch vụ sửa xe đạp di động

ANTĐ - Thời gian gần đây, khi những chiếc xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả các loại xe đạp cổ xuất hiện trên những con phố ở Hà Nội thì dịch vụ sửa chữa những loại xe này ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 

Khi xe đạp điện, xe đạp các loại xuất hiện ngày càng nhiều thì dịch vụ 
sửa chữa loại xe này cũng nở rộ

Nắm bắt kịp thời nhu cầu

Trước đây, những cửa hàng sửa chữa xe đạp thường nằm khiêm tốn trên những góc phố nhỏ của Hà Nội, thì nay đã được họ “chuyên nghiệp” hóa bằng hình thức di động. Chỉ cần một chiếc xe máy gắn biển “chuyên sửa chữa xe di động”, kèm theo điện thoại đặt trước đầu xe giống như một chiếc kính trang trí, cùng hộp đồ phụ tùng bố trí ở giỏ xe là một người thợ có thể đến bất cứ đâu, khi khách hàng có nhu cầu.

Ông Vũ Văn Lương, ở quận Tây Hồ, có gần 30 năm theo nghề sửa chữa xe đạp cho biết, trước đây khi  xe đạp còn là phương tiện giao thông chủ yếu, cửa hàng của ông lúc nào cũng đông khách. Cách đây nhiều năm, do chẳng còn ai mặn mà với xe đạp nên ông đã quyết định giải nghệ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xu hướng người dân sử dụng xe đạp quay trở lại, nhiều người đã tìm đến ông nhờ sửa xe khi bị hỏng hóc. Lúc đầu vì nể nên ông Lương nhận lời nhưng sau một thời gian thấy khách hàng liên tục tìm đến mình, ông đã quyết định mở một cửa hàng sửa chữa và khôi phục xe đạp cũ trong con phố nhỏ nằm trên đường Lạc Long Quân.

Để tiện cho khách hàng và tránh cho việc mình phải ngồi cả ngày tại cửa hàng, ông Lương thường mang theo hộp đồ nghề với các loại dụng cụ sửa chữa được đặt ngay trên chiếc xe máy cá nhân để bất cứ khi nào khách hàng cần là ông có mặt ngay. Ông Lương hồ hởi: “Khách hàng giờ khác trước rất nhiều, chỉ cần nhấc điện thoại là mọi dịch vụ sẽ được đáp ứng. Ngoài sửa chữa các loại xe đạp thông thường, tôi còn sửa chữa cả xe đạp điện, xe máy điện. Do sửa chữa có uy tín nên khách hàng thường tìm đến tôi, thậm chí họ còn giới thiệu cho nhiều người khác”.

Không thể phủ nhận xe đạp điện, xe máy điện ngày càng được nhiều người sử dụng, cũng bởi vậy khi gặp vấn đề hỏng hóc nhiều người không biết phải tìm đến đâu, thậm chí làm thế nào để mang đến nơi nhận sửa chữa cũng là cả một vấn đề. Chị Nguyễn Thu Trang- nhân viên ngân hàng cho hay, để tiết kiệm chi phí gần 2 tháng nay chị đã “tậu” một chiếc xe đạp điện để đi làm. Cách đây 1 tuần, đang lưu thông trên đường không may chiếc xe bị thủng săm. Do đang vội, lại không tìm được cửa hàng nhận sửa chữa xe đạp điện nên chị đã phải gửi chiếc xe tại điểm trông giữ xe công cộng rồi đi “xe ôm” đến cơ quan. Sau khi kể về sự cố gặp phải, chị Trang đã được một đồng nghiệp cho số điện thoại của người thợ sửa xe để họ đến tận nơi sửa xe giúp mình. 

Quảng cáo khác xa thực tế

Gọi điện thoại đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, chị Nguyễn Tú Lan, ở phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm phản ánh, sau khi tìm được một địa chỉ chuyên sửa chữa xe đạp được quảng cáo có dịch vụ bảo hành sửa chữa của rất nhiều hệ thống cửa hàng bán xe đạp điện, giá rẻ nhất thị trường Hà Nội, chị đã gọi điện cho họ đến nhà để thay ắc quy và một số linh kiện khác. Tuy vậy, cam kết mang đến dịch vụ uy tín, chất lượng, giá cả phải chăng mà họ quảng cáo khác xa so với thực tế. Chị Lan cho hay, hầu hết phụ tùng được họ thay có giá cao hơn so với các cửa hàng bên ngoài. Chưa kể, sau 1 tuần sử dụng, ắc quy cũng gặp trục trặc. Gọi điện phản ánh thì nhân viên tỏ thái độ kém nhiệt tình.

Bên cạnh những chiếc xe đạp điện, xe máy điện, những chiếc xe đạp hiệu Giant, Trek, Cannondale, Peugeot … đủ kiểu dáng, có giá lên đến hàng chục triệu đồng/chiếc cũng được nhiều người có điều kiện kinh tế sử dụng. Việc hãng sản xuất xe đạp nổi tiếng Peugeot quyết định quay lại thị trường Việt Nam mới đây cho thấy xu hướng đi xe đạp đang trở thành nhu cầu của nhiều người. Tuy vậy, khi những chiếc xe này “dở chứng”, người chơi xe cũng gặp không ít phiền toái.

Mặc dù trên một số diễn đàn xedap.org và xedap.vn, những trao đổi, tư vấn liên tục được cập nhật giúp các thành viên hoàn thiện kỹ năng “chơi xe”. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Thái - thành viên của CLB Xe đạp Hà Nội thì những chiếc xe đạp cổ ở Việt Nam phần lớn được người Pháp sản xuất với rất nhiều loại như Marila, Follis, Sterling, Mercier, Peugeot… Do được thiết kế với nhiều chi tiết khá độc đáo nên để có một chiếc xe ưng ý, người chơi phải mất công sưu tầm và phải chăm sóc cầu kỳ. Đơn cử, một chiếc đèn hậu nhỏ trên xe đạp cổ cũng có giá lên đến bạc triệu. Nếu hỏng hóc thì không phải ai cũng sửa chữa được mà chỉ có những người am hiểu về dòng xe này mới biết rõ cần phải làm thế nào. Có thể thấy lợi ích thiết thực từ việc sử dụng xe đạp là bảo vệ môi trường, rèn luyện sức khỏe, tiết kiệm chi phí song theo ông Thái người sử dụng nên có kiến thức và am hiểu về chiếc xe sử dụng để khắc phục những sự cố khi gặp phải trên đường.