Nợ nần cờ bạc: Ai vay, người đó trả

ANTD.VN - Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước việc ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng lên mạng xã hội nói về chuyện phải trả nợ thay cho mẹ số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng do người phụ nữ này dính vào cờ bạc. Có thể nói, hiện tượng này đã diễn ra tại nhiều gia đình. Vì cờ bạc, bố mẹ phải trả nợ cho con, chồng phải trả nợ cho vợ… Trước tình trạng đó, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Liệu những người này có nghĩa vụ phải trả nợ thay không? Hành vi đánh bạc sẽ bị xử lý như thế nào?...

Nạn cờ bạc ngày càng bị biến tướng với nhiều hình thức phức tạp

Con không có nghĩa vụ trả nợ thay bố, mẹ

Đối với trách nhiệm của con cái trong trường hợp bố mẹ vay nợ để đánh bạc hoặc phục vụ mục đích khác, theo luật sư Lê Hồng Vân - Công ty TNHH Luật Labor Law, pháp luật quy định, bố mẹ có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và vẫn còn sống thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những khoản nợ do chính họ đi vay.

Con cái không phải trả nợ thay bố, mẹ khi họ còn sống. Con cái chỉ có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ trong trường hợp khi cha, mẹ qua đời, có để lại tài sản và có nợ thì những người con phải trả nợ trong phạm vi di sản đó (di sản để trừ nợ, còn lại mới chia thừa kế) hoặc đồng ý trả nợ thay.

Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định: “Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”.

Nếu trong trường hợp bố mẹ thực hiện việc chuyển giao nghĩa vụ trả nợ cho con theo đúng trình tự quy định trên, thì con mới phải chịu trách nhiệm.

Còn với trường hợp con vay tiền đi đánh bạc, bố - mẹ có phải trả nợ thay không? Về nguyên tắc, người đi vay đã thành niên không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải tự chịu trách nhiệm đối với mọi việc làm của mình. Do vậy, người con đó phải có trách nhiệm thanh toán đối với mọi khoản nợ mình đã vay.

Tuy nhiên, trong trường hợp bố - mẹ bảo lãnh cho con vay, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trả nợ thay con. Điều 361 - BLDS nêu rõ, bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Nếu bố - mẹ là người bảo lãnh con vay tiền thì khi người con đó không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, khi đến thời hạn thì bố - mẹ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay.

Đánh bạc có thể bị phạt tù

Cũng theo BLDS, vay tiền là loại hợp đồng dân sự, theo đó chỉ có người tham gia ký kết hợp đồng mới phải chịu trách nhiệm liên quan đến thỏa thuận của hợp đồng đó. “Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Cũng theo luật sư Hồng Vân, hành vi đánh bạc là hành vi trái pháp luật. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý về tội đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), trừ những trường hợp quy định tại Nghị quyết số 01/2016/NQ - HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại khoản 3 điều 7 - BLHS 2015: “Một người chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, chưa bị kết án về tội đánh bạc, hoặc tội tổ chức đánh bạc, hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc, hoặc tội tổ chức đánh bạc, nhưng đã được xóa án tích mà có hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào, được - thua bằng tiền hay hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc”…

Tệ nạn cờ bạc để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Nó không chỉ là nguyên nhân gây tan nát nhiều gia đình mà còn đẩy nhiều người đến tình trạng khốn cùng, gây mất an ninh trật tự, làm tăng nguy cơ phát sinh nhiều vụ trọng án.

Để phòng chống có hiệu quả tệ nạn này, bên cạnh  nỗ lực của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi cá nhân, gia đình cần nhận thức rõ về tác hại của cờ bạc,  phản ánh kịp thời tới các cơ quan chức năng khi phát hiện những điểm đánh bạc tại địa phương.