Nỗ lực tối đa, tận dụng “thời gian vàng” giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thành phố Hà Nội triển khai áp dụng các biện pháp ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ, nhằm nỗ lực tối đa để tận dụng “thời gian vàng” giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố, nhằm khống chế đợt dịch thứ tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh và Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc CATP Hà Nội thị sát kiểm tra công tác phòng dịch tại chốt kiểm soát trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh và Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc CATP Hà Nội thị sát kiểm tra công tác phòng dịch tại chốt kiểm soát trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ

Cần quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa

Tính tới hết ngày 2-8, thành phố Hà Nội đã trải qua 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố, nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp. Toàn thành phố đã ghi nhận tổng cộng 1.344 ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ tư (tính từ ngày 27-4-2021 tới trưa 2-8-2021), trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 820 trường hợp và số mắc đã được cách ly là 524 trường hợp.

Điều đáng nói, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện những ổ dịch, ca bệnh rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Đó là tại ổ dịch liên quan đến Bệnh viện Phổi Hà Nội (quận Hai Bà Trưng), Nhà thuốc Đức Tâm (quận Đống Đa)… và mới nhất là Công ty thực phẩm Thanh Nga (quận Hai Bà Trưng) với hàng chục ca bệnh hay những ca bệnh tại các chợ đầu mối lớn cung cấp hàng hóa cho nhiều chợ dân sinh trên địa bàn rộng khắp thành phố.

Những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 vẫn liên tiếp ghi nhận và gia tăng sau khi thành phố Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ tthị 17 của Chủ tịch UBND thành phố. Theo đó, từ ngày 24-7 vừa qua, tuyệt đại đa số người dân đã đồng tình, ủng hộ các biện pháp chống dịch của thành phố bằng cách tự giác chấp hành nghiêm yêu cầu thực hiện đúng nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định”.

Người dân thành phố Hà Nội những ngày qua đã ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác. Khi ra ngoài trong trường hợp cần thiết, người dân cũng đã thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khi đánh giá sau 8 ngày thực hiện giãn cách xã hội đã nêu rõ, nhờ thực hiện cách ly, kết hợp với khai báo y tế hàng ngày, người dân Hà Nội đã giúp cơ quan y tế tăng cường xét nghiệm sàng lọc, truy vết, bóc tách thành công hàng chục ca F0 trong cộng đồng. Trong đó, cao điểm như ngày 30-7, thành phố đã phát hiện 119 ca mắc mới, bao gồm 69 ca trong cộng đồng.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính quyền thành phố, vẫn còn có địa phương, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm yêu cầu giãn cách; thậm chí còn có hiện tượng cơ quan, đơn vị hiểu sai là đi làm 50%, nghỉ 50%.

Nhấn mạnh những ngày giãn cách còn lại có ý nghĩa rất quan trọng, Chủ tịch UBND thành phố, đồng thời là Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 thành phố Hà Nội yêu cầu kiên quyết không để lãng phí “thời gian vàng” giãn cách xã hội. Cần phải quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa để kiểm soát, dập đợt dịch thứ tư hiện nay trong thời gian sớm nhất có thể.

Mỗi gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố trở thành một pháo đài chống dịch

Nhằm thực hiện nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên hàng đầu của Hà Nội hiện nay, thành phố đã nâng lên một mức mới cao hơn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và trách nhiệm gương mẫu, đi đầu của Thủ đô, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngày 30-7, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19” nhằm cụ thể hóa Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên địa bàn Thủ đô, các quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Chỉ thị 17 xác định 6 nhóm nội dung trọng tâm, trong đó, tập trung tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị, cá nhân cán bộ lãnh đạo; nâng cao hiệu quả chấp hành nguyên tắc giãn cách xã hội của người dân, của cơ quan, đơn vị, tổ chức; quyết tâm tận dụng tối đa “thời gian vàng” giãn cách xã hội để đẩy lùi dịch bệnh. Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ thành phố chỉ rõ: “Biện pháp đúng và trúng, nhưng thực hiện không nghiêm thì cũng làm giảm tác dụng. Nên trọng tâm bây giờ là phải thực hiện thật nghiêm nguyên tắc giãn cách xã hội ở mọi nơi, mọi lúc. Chỉ có như vậy mới có điều kiện để khoanh vùng, bóc tách hết mầm bệnh còn tiềm ẩn ra khỏi cộng đồng. Chỉ có vậy mới có cơ hội chiến thắng Covid-19, trở lại trạng thái bình thường mới sớm nhất”.

Ngay khi có chỉ đạo trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 2456/UBND-KGVX về việc thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố, yêu cầu tất cả cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị chấp hành việc giãn cách xã hội và quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thực sự cần thiết (trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hoá dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật, thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch…) mới đến làm việc trực tiếp tại công sở.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ngày 1-8 ký ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương đánh giá tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn, đặc biệt tại các bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán hàng thiết yếu, khu đông dân cư, các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa; phê duyệt phương án phòng, chống dịch đối với các trụ sở cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn; chủ động quyết định việc thực hiện các biện pháp cao hơn trong thời gian giãn cách xã hội như phong tỏa một khu vực: Khu dân cư, tổ dân phố, cấp phường, xã, thị trấn để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu, các cán bộ, nhân viên bệnh viện trên địa bàn thực hiện “4 tại chỗ”: Làm việc - ăn uống - sinh hoạt, nghỉ ngơi - điều trị tại chỗ; tổ chức làm việc luân phiên 7-14 ngày tại bệnh viện mới đổi ca. Các địa phương tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội, trừ những người được chính quyền cho phép. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình.

Nhấn mạnh yêu cầu cả hệ thống chính trị cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05 của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 17, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đồng thời mong muốn, “mỗi người dân Thủ đô hãy trở thành một chiến sĩ, mỗi gia đình, mỗi thôn, xóm, tổ dân phố trở thành một pháo đài chống dịch”. Người đứng cầu Chính quyền thành phố tin tưởng, làm được như vậy chắc chắn Hà Nội sẽ đẩy lùi và chiến thắng Covid-19.