Nỗ lực toàn cầu chống dịch Covid-19 chứ không phải thời điểm tranh cãi vô nghĩa

ANTD.VN - Những tranh cãi xung quanh nguồn gốc cũng như tên gọi của virus gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đang khiến thế giới phân tâm, nhất là trong thời điểm cần nỗ lực toàn cầu để đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm chết người này. 

Nỗ lực toàn cầu chống dịch Covid-19 chứ không phải thời điểm tranh cãi vô nghĩa ảnh 1Bệnh viện dã chiến ở Italia được lập để cứu chữa bệnh nhân Covid-19

Những tranh cãi vô nghĩa 

Mới đây, người đứng đầu Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan đã lên tiếng phản đối việc sử dụng từ ngữ “có thể xúc phạm” đến các nhóm sắc tộc nhất định trong dịch Covid-19. Ông Mike Ryan nhấn mạnh: “Một điều thực sự quan trọng là chúng ta cần cẩn thận trong ngôn từ. Chúng ta cần hạn chế việc sử dụng những từ ngữ có thể liên hệ một số cá nhân với virus này. Đây là điều mà tất cả chúng ta đều cần phải tránh”.

WHO buộc phải lên tiếng bởi Mỹ và Trung Quốc đang lao vào cuộc cãi vã xung quanh nguồn gốc SARS-CoV-2, virus gây nên dịch Covid-19, từ đó đổ lỗi trách nhiệm cho nhau trước cơn đại dịch toàn cầu này. Mọi việc bùng phát khi tuần trước, lãnh đạo thiểu số Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy gọi nguyên nhân gây dịch Covid-19 là do “virus Corona Trung Quốc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngay lập tức phản đòn bằng tuyên bố công khai đề cập đến một thuyết âm mưu cho rằng dịch bệnh là do quân đội Mỹ tham gia Hội thao quân sự thế giới được tổ chức tại Vũ Hán, Trung Quốc, hồi tháng 10-2019 mang đến.

Tranh cãi cứ thế leo thang và giờ đây, những người tham gia không còn là những nhân vật cấp thấp mà là Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Về phía Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì cảnh báo Mỹ sẽ không thành công với nỗ lực làm mất uy tín của Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ chống lại bất cứ hành động nào ảnh hưởng đến lợi ích của mình.

Theo hướng dẫn được thống nhất giữa WHO, Tổ chức nông nghiệp, thực phẩm và sức khỏe động vật thế giới, khi đặt tên cho các loại virus, người ta thường tìm những cái tên dễ phát âm, không đề cập đến vị trí địa lý, loài động vật, cá nhân, nhóm người. Thủ phủ Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc là nơi đầu tiên ghi nhận các ca nhiễm virus Corona chủng mới ở người. Chính vì thế, trước khi được đặt tên chính thức, dịch bệnh ở Vũ Hán thường được gọi là dịch “virus viêm phổi Vũ Hán”.

 Nhằm tránh đề cập đến nơi bắt nguồn của virus, có thể tạo nên tâm lý kỳ thị và không đúng với nguyên tắc đặt tên đã thỏa thuận, WHO thống nhất gọi căn bệnh nói trên là bệnh virus Corona 2019 hay Covid-19. Chủng mới của virus Corona trước đây được tạm gọi là 2019-nCoV thì nay chính thức được gọi là SARS-CoV-2. 

Với hơn 10 nghìn ca tử vong trong số 244.517 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới (theo số liệu thống kê của Trung tâm khoa học và kỹ thuật thuộc Đại học Johns Hopkins, Mỹ, tính đến ngày 20-3), trong đó nhiều nhất là ở Italia với 3405 người chết, Covid-19 đang là đại dịch toàn cầu. Đánh bại Covid-19 là cuộc chiến của mọi người và bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ở bất cứ đâu đều là nạn nhân cần được cứu giúp. Trong bối cảnh đó, tranh cãi về tên gọi cũng như nguồn gốc khởi phát của nó không có ý nghĩa gì mà chỉ làm phân tâm nỗ lực chung tay chống dịch trên toàn cầu.

Đoàn kết toàn cầu là đòi hỏi cấp thiết mang tính đạo đức 

Chính vì thế, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã phải lên tiếng kêu gọi thế giới phối hợp ứng phó với đại dịch Covid-19. Ông Antonio Guterres cảnh báo nếu không có sự kiểm soát kịp thời, hàng triệu người có thể tử vong do virus SARS-CoV-2 tại những nước nghèo.

Theo người đứng đầu LHQ, các nước cần ngừng áp dụng chiến lược y tế riêng, thay vào đó cần minh bạch, phối hợp toàn cầu để giúp đỡ những quốc gia chưa chuẩn bị sẵn sàng cho khủng hoảng. Ông Antonio Guterres nêu rõ: “Đoàn kết toàn cầu không chỉ là một đòi hỏi cấp thiết mang tính đạo đức mà còn vì lợi ích của mọi người”. Tổng thư ký LHQ hối thúc chính phủ các nước ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực đa phương do WHO dẫn đầu trong công tác chống dịch bệnh.

Trong phát biểu tại cuộc họp hàng tuần về Covid-19, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường đoàn kết, đồng thời khẳng định đây là cách duy nhất để đánh bại “kẻ thù chung vô hình” của nhân loại. Ông Tedros nhấn mạnh tất cả các nước cần sẵn sàng kiềm chế dịch dù đã ghi nhận ca nhiễm hay chưa. Theo ông, đến nay chỉ một nửa số quốc gia và vùng lãnh thổ bị nhiễm có một hệ thống tham chiếu y tế để điều trị Covid-19. Vì thế, ông nhấn mạnh việc chuẩn bị hệ thống, đặc biệt là hệ thống tham chiếu, sẽ rất quan trọng.

Trong phương cách đối phó với Covid-19, đáng chú ý là sự thay đổi trong cách tiếp cận của Anh. Trước đây, ở Anh có luồng quan điểm ủng hộ việc tạo ra “miễn dịch cộng đồng”. Theo đó sẽ có nhiều người bị nhiễm bệnh, nhưng những người được điều trị khỏi sẽ miễn dịch và tạo nên một bức tường ngăn dịch. Tuy nhiên mới đây, các nhà nghiên cứu Anh đã đi đến kết luận rằng “cách thức hữu hiệu duy nhất” là ngăn chặn dịch. Nước Anh và Thủ tướng Boris Johnson cuối cùng cũng nhận ra điều cần phải làm này. Bắt đầu từ ngày 20-3, Chính phủ Anh quyết định đóng cửa toàn bộ trường học trong nước và xem xét phong tỏa một phần thành phố London để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

Liên quan đến triển vọng kinh tế toàn cầu, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo, một cuộc suy thoái toàn cầu “là điều gần như chắc chắn” và những hành động ứng phó ở cấp quốc gia riêng lẻ hiện nay nhằm chống đại dịch Covid-19 “sẽ không thể đối phó được với quy mô toàn cầu và mức độ phức tạp của cuộc khủng hoảng”. Còn theo tính toán mới nhất của Tổ chức lao động quốc tế của LHQ, dịch Covid-19 sẽ khiến người lao động toàn cầu thiệt hại khoảng 3,4 nghìn tỷ USD tiền thu nhập từ nay đến cuối năm.

Về giải pháp đối phó, Tổng thư ký LHQ cho rằng đây là lúc cần có hành động theo chính sách phối hợp, quyết liệt và sáng tạo từ những nền kinh tế hàng đầu thế giới… để ngăn chặn một cuộc suy thoái toàn cầu mà ông cho rằng có lẽ sẽ ở quy mô kỷ lục. Ông Antonio Guterres kêu gọi các nước cần phải tập trung hỗ trợ những người lao động thu nhập thấp thuộc nhóm dễ tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như phải có giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu phá sản và thất nghiệp.