"Nỗ lực tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai"

ANTĐ - Dưới đây là một số nhận định của GS. TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương về tình hình và xu hướng phát triển KT-XH năm 2016.

"Nỗ lực tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai" ảnh 1

Dự báo, năm 2016 kinh tế thế giới sẽ phục hồi tốt hơn dù chậm, cơ bản đã thoát được khỏi tác động tiêu cực của khủng hoảng 2008 và trở lại đà tăng trưởng trong ngắn hạn. Điều này sẽ tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là về thương mại và đầu tư. Trong nước, kinh tế sẽ tiếp tục đà phục hồi. Kế hoạch đặt ra cho năm 2016 là đạt mức tăng trưởng 6,7%, cao hơn năm 2015. Giai đoạn tới đây, nước ta phấn đấu đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, các đột phá chiến lược sẽ được triển khai thực hiện quyết liệt hơn. 

Bên cạnh đó, tình hình thế giới cũng có những tác động bất lợi cho phát triển kinh tế- xã hội của nước ta: Kinh tế Trung Quốc suy giảm và có thể tiếp tục sử dụng chính sách đồng Nhân dân tệ yếu, nhập siêu của nước này khả năng tiếp tục tăng khá cao. Tình hình đó sẽ tác động đến kinh tế của nước ta. Giá nguyên liệu dầu thô và nông sản đang ở mức thấp, khó phục hồi, tiếp tục tác động đến ngành dầu khí và ngành nông nghiệp nước ta. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sẽ tác động đến nền kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam. Ban Kinh tế Trung ương đang có nghiên cứu sâu về những vấn đề này, nhận định rằng tình hình đó tác động không quá lớn đối với Việt Nam. 

Năm 2016 cần phải đặt trong bối cảnh giai đoạn 2016-2020. Theo tôi, năm 2016, hai trọng điểm cần được triển khai là khắc phục lệch pha của hai khu vực trong nền kinh tế đó là khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI; khơi thông phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường. 

Trong năm 2016, chúng ta cần phải tập trung nỗ lực để tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai. Làn sóng đầu tư thứ nhất là khi ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Bây giờ, nước ta có Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi theo những nguyên tắc rất hiện đại, nội dung tiến bộ, độ minh bạch rất cao. Các hiệp định FTA, TPP sẽ tạo thuận lợi trong thương mại và trong đầu tư. Hy vọng sẽ tạo được một làn sóng đầu tư thứ hai ở Việt Nam với tinh thần quốc gia khởi nghiệp. Hiện nay, nước ta mới có hơn 500.000 doanh nghiệp đăng ký, mong muốn cuối nhiệm kỳ tới, đến năm 2020 có 2 triệu doanh nghiệp.

Để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong năm 2016, chúng ta phải tác động theo chiều ngang để tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng: doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhà nước.

Áp đặt kỷ luật thị trường cho tất cả các doanh nghiệp này và phải tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, chúng ta phải tác động theo chiều dọc đến từng loại doanh nghiệp, phải thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia với những chính sách rất cụ thể gắn với việc triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Cùng với đó là phát triển khu vực kinh tế hợp tác, sẽ khắc phục sự lệch pha của nền kinh tế.

Chúng ta phải có chính sách làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên. Làm mạnh doanh nghiệp dân tộc trước hết phải tạo môi trường kinh doanh chung mà doanh nghiệp nào cũng được hưởng, phải ứng xử với nhau theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, lấy hiệu quả và chất lượng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp. Phải xây dựng được một triết lý của văn hóa của doanh nghiệp dân tộc, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ, doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân.

Tinh thần khởi nghiệp quốc gia phải được thổi vào các doanh nghiệp Việt với một tinh thần trách nhiệm cao, niềm tự hào, sự tin tưởng. Phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này theo đúng nguyên tắc của thị trường và thông lệ quốc tế, không phân biệt đối xử. Đồng thời, cần phải có chính sách kết nối được các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để từ đó khắc phục, làm giảm đi sự lệch pha của hai khu vực kinh tế này. 

Trọng điểm thứ hai, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII tới đây là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đồng bộ và đầy đủ theo các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ của nhà nước và thị trường: Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong phân bổ các nguồn lực. Nhà nước tạo dựng môi trường, thể chế, chính sách; việc can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế cũng phải tôn trọng các quy tắc thị trường.

Kiên trì thúc đẩy để có một hệ thống thị trường đồng bộ, quy mô, cơ cấu và thể chế phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế; khơi thông phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường, bao gồm thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường bất động sản và thị trường khoa học công nghệ. Nếu không tập trung giải quyết các vấn đề này, kinh tế chúng ta sẽ chưa thể hết khó khăn trong giai đoạn tới.