Nỗ lực “nước rút” tổng kiểm tra, rà soát phòng cháy nhà trọ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đợt tổng kiểm tra, rà soát về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với loại hình “nhà trọ” và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội đang trong giai đoạn “nước rút” khi thời hạn hoàn thành việc kiểm tra, rà soát là trước 15-6. Ghi nhận công tác kiểm tra của hơn 900 tổ công tác cho thấy đang có rất nhiều tồn tại, nguy cơ cháy, nổ đối với loại hình “nhà trọ”, cần phải được xử lý, khắc phục ngay…

Giật mình những nhà trọ “nghẹt thở”

Kiểm tra thực tế tại các cơ sở kinh doanh nhà trọ, nhà cho thuê, tổ công tác Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), CATP Hà Nội nhận thấy nhiều điểm chung về tồn tại PCCC đối với loại hình cơ sở này. Đó là việc “xẻ thịt” ngôi nhà để chia nhỏ thành các phòng trọ cho thuê, dẫn đến thu hẹp cầu thang thoát hiểm hay lối thoát nạn thứ hai. Đáng nói, việc thiếu lối thoát hiểm chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại nặng nề về người trong một số vụ cháy gần đây.

Thang thoát hiểm vừa hẹp, vừa thấp của nhà trọ số 6A, ngõ 20, ngách 14, tổ dân phố số 21, đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Thang thoát hiểm vừa hẹp, vừa thấp của nhà trọ số 6A, ngõ 20, ngách 14, tổ dân phố số 21, đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Đơn cử, tại nhà trọ có địa chỉ số 6A, ngõ 20, ngách 14, tổ dân phố số 21, đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chỉ ra ít nhất 6 nội dung vi phạm về PCCC đối với cơ sở nhà trọ này. Biên bản kiểm tra cho thấy, nhà trọ này cao 7 tầng, có diện tích sàn chỉ khoảng 65m2 nhưng chia đến 4 phòng trọ mỗi tầng.

Đáng báo động là khu vực thang bộ của nhà trọ, bởi để đi lên, xuống ngôi nhà này, duy nhất có 1 thang máy và 1 cầu thang bộ để hở, bé chỉ vừa đủ 1 người đi, rộng có 35cm, thay vì quy định tối thiểu là 1m. Bậc thang rộng chưa đến 15cm và dốc, dễ trơn trượt. Đồng thời dọc cầu thang bộ thoát hiểm, chủ cơ sở chất đầy vật cản là giường tủ… Cơ sở cũng không có lối thoát nạn thứ 2, không có giải pháp ngăn cháy lan…

Lối thoát hiểm của nhà trọ chỉ vừa đủ 1 người lọt qua

Lối thoát hiểm của nhà trọ chỉ vừa đủ 1 người lọt qua

Để kiểm tra độ phản xạ của người thuê trọ tại cơ sở nhà trọ 6A, Cảnh sát PCCC và CNCH đã bấm chuông báo cháy đến 4 lần, mặc dù khách thuê trọ đang ở các phòng trọ rất nhiều nhưng không một ai mở cửa chạy ra để thoát nạn. Tiếp tục đi lên kiểm tra hành lang thoát nạn và các phòng trọ, tổ công tác nhận thấy từ tầng 1 lên tầng 7 đều không có bình chữa cháy. Gõ cửa, hỏi khách trọ thì câu trả lời nhận được là: “Chắc ai đó mang đi rồi!”.

Giải “bài toán” phòng cháy nhà trọ

Theo thống kê hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 32.000 nhà trọ, chung cư mini với hàng trăm nghìn người thuê trọ.

Nhận biết được nguy cơ phát sinh cháy, và thiệt hại cả về người và tài sản do cháy gây ra, trong nhiều năm qua, Công an thành phố Hà Nội đã thành lập hàng trăm tổ công tác, phối hợp với các lực lượng có liên quan, tổ chức rà soát, kiểm tra nhà trọ trên địa bàn, đồng thời hướng dẫn chủ cơ sở thực hiện ngay các giải pháp, biện pháp trước mắtnhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy cũng như thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra. Nhưng ngoài nỗ lực của lực lượng chức năng, trên hết cả là ý thức, nhận thức của người dân và chủ hộ kinh doanh.

Chia sẻ với phóng viên, Thượng tá Phan Anh, Phó Trưởng khoa Phòng cháy, Trường Đại học PCCC nhấn mạnh, hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân thờ ơ với công tác PCCC. “Một số người dân vẫn đang nghĩ cháy sẽ không xảy ra với nhà mình, do vậy nếu chúng ta không can thiệp ngay để thay đổi nhận thức thì hậu quả có thể còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Thậm chí, người dân chỉ quan tâm giải quyết nhu cầu nhà ở mà không biết liệu nó có an toàn hay không”, Thượng tá Phan Anh bày tỏ lo lắng.

Người thuê trọ có thể giám sát, kiến nghị chủ nhà trọ khắc phục tồn tại PCCC để đảm bảo an toàn cho chính mình

Người thuê trọ có thể giám sát, kiến nghị chủ nhà trọ khắc phục tồn tại PCCC để đảm bảo an toàn cho chính mình

Là lực lượng chủ công trong tổng kiểm tra, rà soát PCCC đối với loại hình nhà trọ, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội cho biết, thống kê cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có tới hơn 90% nhà trọ nằm trong ngõ sâu, hẻm sâu, xe chữa cháy không tiếp cận được. Để thoát nạn trong đám cháy, quan trọng nhất là lực lượng chữa cháy tại chỗ nắm vững các kiến thức về PCCC và CNCH. “Việc tiếp cận đám cháy trong ngõ sâu mất khá thời gian, do vậy, để tận dụng được “thời gian vàng”, rất cần sự phát huy của lực lượng chữa cháy tại chỗ. Khi người dân và lực lượng chữa cháy tại chỗ nắm vững được kiến thức PCCC và CNCH, sẽ có thể tự bảo vệ bản thân trong khoảng thời gian đầu xảy cháy, kéo dài sự sống cho đến khi lực lượng đến ứng cứu”, Đại tá Phạm Trung Hiếu chia sẻ.

Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội cũng khuyến cáo nhiều giải pháp trước mắt để giải “bài toán” PCCC nhà trọ. Trong đó, chủ nhà trọ cần thực hiện ngay các giải pháp cấp bách: Có giải pháp mở lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai qua ban công, lô gia; Ngăn cháy lan giữa khu vực để ở và các khu vực có công năng khác (khu vực để xe, khu vực kinh doanh, sản xuất,…); Trang bị hệ thống, phương tiện PCCC&CNCH cho công trình; Tổ chức tập huấn, tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng an toàn về PCCC&CNCH cho lực lượng PCCC tại chỗ và người thuê trọ.

Đặc biệt, để bảo vệ an toàn tính mạng cho mình, người thuê trọ cần phải có kiến thức, kỹ năng thoát nạn, sử dụng các trang thiết bị PCCC&CNCH, từ đó có thể tự đánh giá về an toàn cháy, nổ và đưa ra lựa chọn nhà trọ an toàn về PCCC để thuê. Mặt khác, có thể kiến nghị, giám sát và yêu cầu chủ nhà trọ phải có trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn về PCCC&CNCH, khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC ở nhà trọ nơi mình sinh sống để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho chính bản thân và gia đình khi sinh sống tại đây.

Cả chủ nhà trọ, người thuê trọ cần trang bị kiến thức PCCC và CNCH để "câu giờ", tận dụng "giờ vàng" thoát nạn

Cả chủ nhà trọ, người thuê trọ cần trang bị kiến thức PCCC và CNCH để "câu giờ", tận dụng "giờ vàng" thoát nạn

Người thuê trọ cũng cần có ý thức tự trang bị các phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác thoát nạn, chữa cháy như mặt nạ phòng độc, đèn pin, đèn tích điện, dụng cụ phá dỡ, bình chữa cháy ngay trong phòng trọ mình; Phải có kiến thức cơ bản về an toàn sử dụng điện, an toàn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã...). Các kiến thức này người dân có thể tự học qua sách, báo, hoặc học qua các lớp tập huấn, tuyên truyền trực tiếp của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Thủ đô. Ngoài ra, người thuê trọ cũng cần phải chuẩn bị trước các phương án thoát nạn tại nơi sinh sống để có thể tự cứu bản thân mình và người thân khi có cháy, nổ xảy ra.

Chỉ khi các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn về PCCC được tuân thủ, ý thức, nhận thức hay kỹ năng về PCCC được xuất phát từ chính những chủ cơ sở, chủ hộ gia đình, người thuê trọ và mỗi người dân thì những vụ cháy thương tâm sẽ không còn là thảm họa…