Nỗ lực không ngừng của nữ cảnh sát hết mình vì nhiệm vụ

ANTD.VN - Làm dâu trong một gia đình đã khó, làm dâu trong cả một tập thể mỗi người một ý càng khó hơn, nhưng Trung tá Phạm Thị Thu - Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng Hồ sơ, CATP Hà Nội đã tròn 2 vai: người mẹ trong gia đình và “dâu trăm họ” ở đơn vị chị công tác.

Nỗ lực không ngừng của nữ cảnh sát hết mình vì nhiệm vụ ảnh 1Trung tá Phạm Thị Thu (người ngồi) trong một lần tham gia hoạt động từ thiện

Người phụ nữ bận rộn và nhiệt huyết

Cuộc nói chuyện trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ giữa tôi và Trung tá Phạm Thị Thu liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại gọi đến. Chỉ huy, chỉ đạo công việc, cán bộ chiến sỹ hỏi thăm hồ sơ, những công việc con con, tủn mủn nhưng phải tìm hiểu kỹ, nắm vững luật thì mới có thể trả lời đầy đủ cho người đang thắc mắc. 

Tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, Trung tá Phạm Thị Thu khi đó mới chỉ là một nữ Thiếu úy trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết đã được phân công về Đội Tàng thư căn cước can phạm thuộc Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát của CATP Hà Nội. Năm 2003, CATP Hà Nội đang tiến hành số hóa hồ sơ căn cước can phạm cũng là thời điểm chị Thu nhận nhiệm vụ ở đây. Với sức trẻ, lòng nhiệt tình, sự cầu thị ham học hỏi, chị Thu đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc mới và không ngừng tiếp thu những lời chỉ bảo của các đồng nghiệp đi trước.

Trung tá Phạm Thị Thu nhớ lại, vừa về đơn vị, là một cán bộ trẻ nên chị tham gia số hóa hồ sơ. Thời điểm đó, đơn vị của chị đang quản lý khoảng 300.000 hồ sơ, nhiệm vụ của các chiến sỹ là nhập dữ liệu vào máy tính, số hóa tài liệu để phục vụ cho công tác khai thác, quản lý, đấu tranh với các loại tội phạm.

“Nhìn thấy các đồng đội rất nhiệt huyệt với công việc nên tôi là cán bộ trẻ cũng rất hăng say, đi làm cả thứ bảy, chủ nhật và ngày nào cũng muộn mới về nhà. Đến năm 2006, nhờ nỗ lực của cả tập thể Đội Tàng thư căn cước can phạm, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc số hóa” - Trung tá Thu kể lại. 

Để nhập thành công một bộ hồ sơ, cần căn cứ vào dấu vân tay. Một đối tượng phạm pháp hình sự với nhiều tiền án, tiền sự có thể được lưu hồ sơ ở nhiều nơi khác nhau. Do đó, cán bộ lập hồ sơ cần căn cứ vào dấu vân tay để xác nhận đó là một người và nhập dữ liệu vào máy.

Ngày đầu làm công việc này, Trung tá Phạm Thị Thu chưa có “kỹ thuật” về vân tay, chưa biết phân loại để nhìn một lần là nhận luôn được dấu vân. Không ngần ngại, chị đã nhờ các anh chị, cô chú trong đơn vị đào tạo, hướng dẫn. Với phương châm đào tạo tại chỗ, thông qua thực tiễn, dần dần những cán bộ trẻ như chị đã kịp thời nắm bắt được nghiệp vụ. Họ thi đua với nhau, tổ chức những cuộc thi và gần như lần nào Trung tá Phạm Thị Thu cũng đứng ở vị tri cao nhất. 

Sau 7 năm ở Đội Tàng thư căn cước can phạm, Trung tá Phạm Thị Thu được bổ nhiệm Đội phó Đội Tham mưu. Và rồi 2 năm sau đó (2013), do nhu cầu của công tác chuyên môn, chị được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Thông tin tội phạm và tin học. Xét về đặc thù công việc, nhiệm vụ của chị ở đây không khác nhiều so với khi còn ở Đội Tàng thư căn cước can phạm.

Khi chị nhận nhiệm vụ, Trung tâm đang triển khai một dự án nhận dạng vân tay tự động do Cục nghiệp vụ Bộ Công an thí điểm tại Hà Nội. Đây cũng là thời điểm Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an triển khai hệ thống nhận dạng vân tay tự động (VAFIS) đến tất cả công an các tỉnh, thành phố trên toàn quốc... trừ Hà Nội, bởi Hà Nội đang triển khai dự án thí điểm. 

So với dự án thí điểm, VAFIS có rất nhiều tính năng vượt trội hơn hẳn. Và rồi sau đó, dự án thí điểm cũng dừng. Là người đứng đầu Trung tâm, Trung tá Phạm Thị Thu rất trăn trở, làm thế nào để tháo gỡ khó khăn này. Chị báo cáo chỉ huy phòng, tham mưu từng bước gỡ những nút rối. “Thật may mắn, Đại tá Vũ Thị Bích Hạnh khi đó là Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đã rất quyết liệt và hăng say với công việc. Tôi và chị đã nhiều lần trao đổi, báo cáo Cục nghiệp vụ và Giám đốc CATP để Hà Nội cũng được triển khai VAFIS” - Trung tá Phạm Thị Thu chia sẻ.

Hết lòng vì quyền lợi cán bộ chiến sỹ

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Trung tâm và Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đã được đền đáp bằng việc Cục Hồ sơ nghiệp vụ đồng ý cho Hà Nội triển khai hệ thống VAFIS. Chậm hơn toàn quốc 2 năm, số lượng hồ sơ cần nhập liệu cao hơn nhiều tỉnh thành phố, thậm chí gần bằng TP.HCM, nhưng lệnh của Ban Giám đốc CATP là chỉ được phép xong trong vòng 1 năm để có thể nhanh chóng ứng dụng VAFIS trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. 

Lại là những tháng ngày quên đêm, quên sáng. Các cán bộ chiến sỹ (CBCS) của Trung tâm mà đứng đầu là Trung tá Phạm Thị Thu miệt mài lăn lộn với công việc. Là người chỉ huy, không những phân việc cho CBCS làm mà chị còn là người trực tiếp ngồi máy. Theo chị, chỉ khi mình trực tiếp làm, mình mới biết sức mình làm được bao nhiêu, để rồi từ đó giao chỉ tiêu cho phù hợp với mọi người. Những ngày đó, mỗi CBCS được giao chỉ tiêu, ai vượt quá chỉ tiêu sẽ được thưởng, ai làm thêm giờ cũng được thưởng.  “Những phần thưởng có giá trị tinh thần nhiều hơn là vật chất. Nhiều khi số tiền thưởng, tiền làm thêm giờ không đủ để mua cho trẻ con một bữa ăn trưa khi chúng phải theo chân bố mẹ đến nơi làm việc. Số lượng hồ sơ quá lớn, lại thêm áp lực thời gian, nếu không quyết liệt sẽ khó hoàn thành. Nhưng chúng tôi cố gắng tạo một môi trường vui vẻ để CBCS có sự hứng khởi trong công việc” - Trung tá Phạm Thị Thu kể. 

Với sự nhiệt huyết ấy, trong khi công an các tỉnh thành phố có thời gian 3 năm để nhập liệu thì CATP Hà Nội chỉ có hơn 1 năm để hoàn thành. Giờ đây, VAFIS đã góp phần không nhỏ trong những chiến công của lực lượng Công an Thủ đô khi đã cùng các trinh sát, cán bộ Phòng Hồ sơ bắt giữ nhiều đối tượng phạm pháp hình sự, trốn nã. 

Đại tá Vũ Thị Bích Hạnh, nguyên Trưởng phòng Hồ sơ cho hay, cuối năm 2015, nhận thấy Đội Tham mưu, bộ não của đơn vị cần phải có sự thay đổi về bộ mặt bởi đây là nơi kết nối các đội trong đơn vị, các phòng nghiệp vụ CATP và tham mưu cho chỉ huy phòng những kế hoạch công tác. Chỉ huy Phòng đã quyết định điều chuyển Trung tá Phạm Thị Thu về làm Đội trưởng Đội Tham mưu. Giữa ngổn ngang công việc, chị gần như học lại từ đầu. Không còn gắn với nghiệp vụ là công tác cơ bản mà ở đây là tham mưu, báo cáo kế hoạch, thi đua khen thưởng, rồi chế độ chính sách, thậm chí cả xác minh thông tin đối tượng. Những công việc con mọn, có tên, không tên và phải biết “phân phối” sức người đúng nơi, đúng chỗ. Năm 2018, thực hiện mô hình tổ chức mới, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát và Hồ sơ nghiệp vụ an ninh sát nhập, theo đó 2 đội tham mưu cũng về chung một nhà. Những tưởng quân số sẽ tăng gấp đôi, công việc sẽ giãn ra, nhưng do biên chế đội chỉ có số lượng nhất định nên một số cán bộ được tăng cường cho các đơn vị khác. Thấu hiểu sự vất vả của CBCS trong đơn vị, lúc nào chị cũng đặt quyền lợi của CBCS lên hàng đầu, đặc biệt là giải quyết chế độ chính sách. “Mình không giấu dốt, bởi mình không hỏi thì chỉ có thiệt cho cán bộ mình. Thế nên, tôi rất “chăm” hỏi, để áp dụng cho đúng ở đơn vị, không để CBCS có ý kiến” - Trung tá Thu chia sẻ.

“Dâu trăm họ” ở đơn vị, trở về với gia đình, Trung tá Phạm Thị Thu lại gạt hết những ưu tư bên ngoài cánh cửa để chăm sóc cho chồng và 2 cậu con trai sinh đôi. Ít ai biết rằng, chị và chồng đến với nhau chính từ trụ sở đơn vị, khi anh là cán bộ của Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an và chị là cán bộ Phòng Hồ sơ CATP. Gần 20 năm trọn nghĩa vẹn tình với người đồng đội, vượt qua muôn khó khăn vất vả của những người trẻ, giờ đây anh chị có một cuộc sống hạnh phúc khi các con đều là những con ngoan, trò giỏi ở một ngôi trường danh tiếng trên địa bàn Thủ đô... 

Như con ong chăm chỉ, biết cảm thông và chia sẻ với mọi người, từ khi còn là Bí thư Đoàn thanh niên đơn vị và giờ đây, trên cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ, Trung tá Phạm Thị Thu còn tham mưu, nêu kế hoạch tổ chức các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Những hoạt động thiết thực luôn được chỉ huy phòng, Cụm thi đua ủng hộ, càng làm sáng lên vẻ đẹp thân thiện của người “làm dâu trăm họ” ấy... 

Như con ong chăm chỉ, biết cảm thông và chia sẻ với mọi người, từ khi còn là Bí thư Đoàn thanh niên đơn vị và giờ đây, trên cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ, Trung tá Phạm Thị Thu còn tham mưu, nêu kế hoạch tổ chức các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Những hoạt động thiết thực luôn được chỉ huy phòng, Cụm thi đua ủng hộ, càng làm sáng lên vẻ đẹp thân thiện của người “làm dâu trăm họ” ấy...