Nỗ lực cao độ gỡ “thẻ vàng” IUU

ANTD.VN - Những nỗ lực và kết quả tích cực đạt được trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam đã được ghi nhận; hy vọng vấn đề “thẻ vàng” IUU sẽ nhanh chóng được giải quyết - theo lời của tân Đại sứ EU tại Việt Nam.
Cảnh sát biển tuyên truyền phổ biến để ngư dân tuân thủ các quy định nhằm sớm gỡ “thẻ vàng” IUU

Cảnh sát biển tuyên truyền phổ biến để ngư dân tuân thủ các quy định nhằm sớm gỡ “thẻ vàng” IUU

Hành động quyết liệt suốt gần 6 năm

Đại sứ mới của Liên minh châu Âu (EU) Julien Guerrier trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 27-9 khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Việt Nam đã cho biết, gỡ bỏ “thẻ vàng” chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là “một chủ đề quan trọng” đã được thảo luận những năm qua giữa hai bên. Tân Đại sứ Julien Guerrier đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc tích cực xây dựng khuôn khổ pháp lý về IUU. Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier hy vọng, vấn đề “thẻ vàng” IUU sẽ nhanh chóng được giải quyết trong thời gian tới. Đại sứ cho biết, Đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan hành pháp của EU) dự kiến sẽ đến Việt Nam vào tháng 10 tới để đánh giá tình hình liên quan “thẻ vàng” IUU.

Cách đây gần 6 năm, do phát hiện những vi phạm trong hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam, EC vào ngày 23-10-2017 đã áp đặt “thẻ vàng” cảnh cáo vì không tuân thủ IUU. Do bị “thẻ vàng” IUU, 100% hàng thủy hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các quốc gia thành viên EU đều bị kiểm soát, thay vì kiểm tra theo xác suất, và điều này khiến mặt hàng xuất khẩu quan trọng này của Việt Nam mất nhiều thời gian hơn để vào EU và doanh nghiệp nước ta mất nhiều chi phí phát sinh hơn. Điều quan trọng hơn, trong trường hợp không gỡ được “thẻ vàng” IUU còn có thể nâng lên thành “thẻ đỏ” khiến mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam không được tiếp cận một thị trường rất quan trọng như thị trường EU.

Ngay sau khi bị “thẻ vàng” IUU, Việt Nam trong gần 6 năm qua đã có rất nhiều nỗ lực để tháo gỡ “thẻ vàng” IUU thông qua triển khai những khuyến nghị của EC, nhất là những yêu cầu của quốc tế. Chúng ta đã từng bước hoàn thiện khung pháp lý, trong đó quan trọng nhất là ban hành Luật Thủy sản năm 2017 cùng với một loạt Nghị định, Thông tư liên quan. Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên đội tàu cá ngày càng được tích cực đẩy mạnh và đạt tỷ lệ cao, cùng với đó là sự chuyển biến về cơ sở vật chất, truy xuất nguồn gốc thủy sản. Dù vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến EC vẫn chưa thể gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Trong 3 lần thanh tra đã qua, phái đoàn EC khẳng định Việt Nam đã đi đúng hướng và có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn chưa đạt yêu cầu để gỡ “thẻ vàng”.

Có một số nội dung quan trọng mà phái đoàn EC nêu trong quá trình thanh tra. Trong đó, việc quản lý và giám sát đội tàu cá là vấn đề rất lớn. Mặc dù tỷ lệ tàu cá được cấp phép hiện nay đã lên tới 86,7%, tăng 20% so với tháng 9-2022; số tàu cá có chiều dài trên 15m đã lắp thiết bị giám sát hành trình VMS mới đạt tỷ lệ trên 98%… nhưng số còn lại dù ít song là những đối tượng có nguy cơ cao. Hiện tượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn. Nếu không quản lý được đội tàu cá và tàu còn vi phạm thì khó có thể gỡ được “thẻ vàng” IUU. Cùng với đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc, quản lý sản phẩm nhập khẩu và đánh bắt thủy sản trên biển… và hạ tầng nghề cá vẫn là vấn đề lớn.

Qua các lần thanh tra, phái đoàn kiểm tra của EC đã có một số nhận xét và khuyến nghị quan trọng cho từng nhóm vấn đề liên quan đến khai thác IUU tại Việt Nam. Theo đó, về khung pháp lý, EC cho rằng Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU. Tuy nhiên, để tiếp tục siết chặt công tác quản lý, bảo đảm thực hiện các quy định chống khai thác IUU hiệu lực, cần đưa vào quy định đối với tàu nhập khẩu bảo đảm nguồn gốc không vi phạm IUU; cần quy định xử phạt đối với hành vi tàu cá đi ra ngoài ranh giới vùng biển.

Phái đoàn EC nêu rõ, chế tài xử lý của Việt Nam phải đủ nhanh, đủ sức răn đe và hiệu quả, đặc biệt mức phạt phải cao hơn nhiều lần so với lợi ích thu được từ hành vi vi phạm, cân nhắc xem xét quy định truy tố một số hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần… Sau lần thanh tra gần nhất vào tháng 10-2022, phái đoàn EC khuyến nghị Việt Nam thực hiện 4 nhóm vấn đề gồm: khung pháp lý; quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra kiểm soát tàu cá; truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật.

Cơ hội gỡ “thẻ vàng” của EC

Tiếp thu những khuyến nghị của EC, hệ thống chính trị trên cả nước đã cùng vào cuộc, tập trung hoàn thiện và khắc phục các hạn chế chuẩn bị cho đợt kiểm tra lần thứ 4 của phái đoàn EC, dự kiến vào tháng 10-2023. Theo đó, liên quan đến khung pháp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đang hoàn tất các thủ tục theo chỉ đạo, trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ để tổ chức triển khai trên thực tế, khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định IUU.

Việc sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP sẽ cho phép lực lượng cảnh sát biển được xử phạt vi phạm trong khai thác thủy sản. Như vậy, trên biển sẽ có các lực lượng thực thi pháp luật là: ban quản lý cảng cá, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư và thanh tra thủy sản. Cùng với đó là các thiết bị giám sát để lực lượng chức năng có thể “phạt nguội” như trên đường bộ. Điều này sẽ phát huy ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân cũng như công khai minh bạch những hành vi vi phạm mà trước nay chưa xử lý được.

Thực hiện khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ số lượng tàu cá; cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase và ban hành văn bản chỉ đạo địa phương tạm dừng việc chấp thuận đóng mới cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên. Đồng thời, dừng cho phép cải hoán tàu cá có chiều dài dưới 15m lên thành tàu có chiều dài từ 15m trở lên; tổ chức rà soát và xem xét điều chỉnh giảm số hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng sát thực với số tàu cá hiện có của địa phương.

Hệ thống giám sát tàu cá cũng đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan. Đến thời điểm hiện nay, cả nước đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt trên 98%. Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi, quản lý hầu hết là các tàu cá đang nằm bờ, ngưng hoạt động.

Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước hiện được kiểm soát theo chuỗi qua cơ chế xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác đảm bảo thống nhất với hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng, xác nhận tại các cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến. Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài đã được tăng cường, đảm bảo theo quy định.

Đối với việc ngăn chặn, xử lý tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển như Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, các vùng trọng điểm để ngăn chặn, xử lý tàu cá có hành vi vi phạm.

Hy vọng những nỗ lực và kết quả đạt được trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU sẽ được phái đoàn EU ghi nhận, đánh giá tích cực khi sang Việt Nam trong tháng 10 tới. Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, đây là cơ hội để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” IUU trong năm 2023.