Nô lệ trong xã hội hiện đại

(ANTĐ) -Ngày 4-12-2009, cảnh sát Mexico giải cứu thành công 107 người địa phương bị giam cầm trong một khu xưởng đội lốt trung tâm cai nghiện ở thị trấn Iztapalapa miền đông Mexico City và phải làm việc như nô lệ.

Nô lệ trong xã hội hiện đại

Những lao động bị giam cầm

(ANTĐ) -Ngày 4-12-2009, cảnh sát Mexico giải cứu thành công 107 người địa phương bị giam cầm trong một khu xưởng đội lốt trung tâm cai nghiện ở thị trấn Iztapalapa miền đông Mexico City và phải làm việc như nô lệ.

Nhiều nơi trên thế giới vẫn tồn tại tình trạng lao động cưỡng bức
Nhiều nơi trên thế giới vẫn tồn tại tình trạng lao động cưỡng bức

Phần lớn lao động tại “Bệnh viện St Thomas” này đến từ các vùng quê hẻo lánh và không nói được tiếng Tây Ban Nha, bị lừa gạt đưa về với danh nghĩa điều trị, cai nghiện rượu, thậm chí bắt cóc ngay trên phố. Họ bị buộc phải sản xuất đồ gia dụng như găng tay, giá phơi quần áo… mà không nhận được bất cứ đồng thù lao nào.

Theo công tố viên trưởng Mexico City, Miguel Mansehra, các nạn nhân có độ tuổi từ 14-70 phải sống và lao động trong điều kiện vô cùng thấp kém, nhà cửa chật chội, bẩn thỉu, một số còn thường xuyên bị đánh đập tàn nhẫn hay ngược đãi. Hàng ngày, những người này phải làm việc từ 8h đến 24h, chỉ được nghỉ 1 tiếng cho 2 bữa ăn trưa và tối.

Thức ăn họ được cung cấp là chân gà và rau nát, còn tồi tệ hơn thức ăn cho động vật. Nếu có bất cứ sự phản kháng nào, họ sẽ bị đánh đập dã man, hầu như tất cả đều đầy vết thương trên cơ thể, có người còn bị đánh tới mức gãy xương. Sau khi được giải cứu, nhiều người đã được đưa thẳng tới bệnh viện địa phương. 

Vụ việc khiến nhiều người cảm thấy kinh hoàng. Chuyên gia phân tích chính trị Salazar cho biết, theo một kết quả nghiên cứu mới đây, hàng năm có tới hơn 10.000 người Mexico bị các băng nhóm buôn người bắt cóc và bán làm nô lệ. Phần lớn nạn nhân đều đến từ các vùng hẻo lánh, cũng có những người bị bắt khi tìm cách vượt biên sang Mỹ. Người phụ trách khu vực Mexico của Trung tâm Quốc tế học Woodrow Wilson của Mỹ, Andrew Sely cũng chỉ ra rằng nạn bắt cóc là một trong những thách thức lớn mà Mexico cần giải quyết. “Chúng ta đều tập trung đối phó với tội phạm ma túy, nhưng ngoài nó ra vẫn còn rất nhiều thế lực phạm tội nguy hiểm khác”.

13 triệu nô lệ toàn cầu

Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nô lệ trong xã hội hiện đại là những người bị cưỡng ép lao động - phải làm những công việc hay dịch vụ dưới sự đe dọa của hình phạt và người đó không tình nguyện làm (trừ các trường hợp ngoại lệ như quân đội, tù nhân, trường hợp khẩn cấp…). Vụ việc ở Mexico khiến người ta nhớ đến những vụ giải cứu nô lệ gây phẫn nộ trong dư luận thế giới ở Trung Quốc, Bangladesh, thậm chí ở Nga, Đức, Mỹ…, trong đó nạn nhân không chỉ là đàn ông bị ép buộc lao động không công mà còn phụ nữ và các bé gái bị buộc làm nô lệ tình dục.

Ông James Dulagh, một thành viên Tổ chức chống nô lệ quốc tế cho biết, hiện toàn thế giới vẫn có khoảng 13 triệu người bị cưỡng bức lao động trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp chế tạo với những điều kiện ngặt nghèo. Họ phần lớn là người nghèo, thổ dân, không có chỗ dựa về vật chất. Giống như 107 “nô lệ” ở Mexico, họ thường xuyên trở thành mục tiêu bị xâm hại.

Một bản báo cáo do ILO công bố năm 2009 cho thấy, Mỹ Latin và châu Á là 2 khu vực có số lượng người bị cưỡng bức lao động lớn nhất thế giới. Hiện các nước tồn tại tình trạng này với mức độ nghiêm trọng phải kể đến Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Jordan, Argentine, Mỹ.

Trong khi đó, số người bị các tổ chức tội phạm lừa gạt và bán làm nô lệ vẫn đang có xu hướng gia tăng. Với lợi nhuận khổng lồ chỉ xếp sau buôn bán ma túy và vũ khí, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia vẫn đang hoạt động điên cuồng và không ngừng mở rộng phạm vi, khiến người dân trên thế giới, chủ yếu là người nghèo đứng trước những nguy cơ trở thành nô lệ bất cứ lúc nào.

Bảo Trâm

Tổng hợp