Nợ khó trả, khó đòi

ANTĐ - Trước mắt, nợ công của nước ta ở ngưỡng an toàn vì cơ cấu nợ công hiện nay chủ yếu là nợ dài hạn, có thời gian ưu đãi và lãi suất thấp. Song những tổ chức tài chính quốc tế không thể cho ta vay mãi với thời gian ân hạn dài, lãi suất thấp. Họ sẽ cho vay với thời gian ngắn hơn và lãi suất cao hơn. Vay trong nước cũng thế, không thể vay dài hạn mà chủ yếu là vay trung hạn. Vay nợ không thể thoải mái như trước. Phải tính tới chuyện trả nợ cũ và trả nợ mới, trong đó nợ mới có lãi suất cao, số tiền chi cho trả nợ sẽ không còn được như vừa qua. Cho nên, ngay từ bây giờ khi nợ công còn trong ngưỡng an toàn thì phải tính toán cho tương lai.

Đó là phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội về tình hình nợ công. Ông nhấn mạnh, Quốc hội luôn đặt ra yêu cầu chi như thế nào phải dựa trên khả năng thu và khả năng trả nợ. Vay như thế nào, trả nợ ra sao và đầu tư như thế nào để có nguồn thu trả nợ, tất cả đều phải tính toán rất kỹ. Đây là chuyện nợ công, còn chuyện nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất, nảy sinh chuỗi nợ  liên hoàn như thế nào? Báo cáo mới đây đưa ra những con số lỗ đáng “giật mình”.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam gần 8.000 tỷ đồng, Tổng công ty Xăng dầu khoảng 1.500 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng hải hơn 600 tỷ đồng. Đằng sau những con số lỗ lớn này còn một thực trạng đáng lo ngại hơn: nợ xấu ngân hàng và chiếm dụng vốn của nhau. Theo Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, hiện các doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 60% tín dụng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đặc biệt, mức nợ đang chiếm tới 70% nợ xấu của các ngân hàng. Nợ xấu toàn ngành cả nước trên 76.000 tỷ đồng và đang có xu hướng tăng. Theo phân tích của giới chuyên gia, khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, việc giải chấp các tài sản đảm bảo cũng không đơn giản.

Vì thế, các định chế tài chính nước ngoài rất ít hoặc không muốn tham gia vào lĩnh vực này do e ngại rủi ro mua tài sản. Thực trạng này không chỉ gây khó khăn cho các ngân hàng mà còn là một dấu hiệu đáng lo ngại cho cả nền kinh tế. Hiện tại, việc mua và xử lý nợ tại Việt Nam chủ yếu dựa vào Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp. Một công ty 100% vốn nhà nước, được Chính phủ giao nhiệm vụ giải quyết nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ thúc đẩy quá trình sắp xếp, chuyển đổi sở hữu. Tuy nhiên, việc xử lý nợ và tài sản thu hồi diễn ra rất chậm và kéo dài. Vướng mắc chủ yếu là hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh của Công ty mua bán nợ chưa đầy đủ, hạn chế và còn nhiều bất cập. Theo đánh giá của nhóm Tư vấn chính sách tài chính, chủ sở hữu còn can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là hoạt động mua bán nợ.

Ngoài nhiệm vụ giải quyết chuyện nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, các vấn đề như xử lý nợ trong nền kinh tế, thúc đẩy hình thành thị trường mua bán, xử lý nợ cũng không mang tính định hướng rõ ràng và không có quy định hướng dẫn cụ thể cho Công ty này. Đề xuất giải pháp cho việc tái cơ cấu nợ, nhiều chuyên gia cho rằng, nợ vào tài sản mà Công ty mua bán nợ có được là một loại hàng hóa kinh doanh, cho nên việc tạo dựng thị trường mua bán nợ là yếu tố không thể thiếu. Theo đó, thị trường mua bán nợ nên có sự tham gia của một số công ty mua bán nợ nhà nước và một số tổ chức kinh tế ngoài nhà nước.

Công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn không thể “làm ngơ” với các khoản nợ xấu ngân hàng trên hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó nguy cơ “mất trắng” là không nhỏ. Không có gì phải quá lo lắng về sự an toàn của nợ công, song khoản nợ khó trả, khó đòi của chính các doanh nghiệp “con đẻ” của nhà nước là cả một “gánh nợ” nặng vai không thể trút cho ai.