Nợ đọng không dễ đòi

ANTD.VN - Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến cuối tháng 11-2016, các doanh nghiệp đang nợ tiền BHXH lên tới 14.000 tỷ đồng. 

Nói một cách công bằng, BHXH hiện là gánh nặng trĩu vai đối với nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh năng suất lao động thấp, tỷ lệ đóng cao, quỹ lương lớn. Vì thế, không hẳn doanh nghiệp nào cũng cố tình chây ì nợ đọng tiền lương, BHXH của người lao động. 

So với các nước trong khối ASEAN, Việt Nam có mức đóng BHXH cao nhất. Mặc dù chưa tính khoản phí công đoàn, ở ta quy định đóng bảo hiểm với tỷ lệ 32,5% mức lương tháng, trong đó doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10,5%. Trong khi đó, Malaysia chỉ đóng BHXH 13%, Indonesia 8%, Philippines 10%. 

BHXH Việt Nam thường nêu lý do Việt Nam đóng cao thì người lao động sẽ được hưởng lương cao khi về hưu. Song, theo ý kiến của một số luật sư, điều này không thuyết phục vì chỉ nhìn vào mục tiêu một cách duy ý chí mà không đánh giá thực trạng và khả năng đóng BHXH của doanh nghiệp.

Tình trạng nợ BHXH ngày càng tăng không đơn giản chỉ là do duy nhất doanh nghiệp, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. Giả sử một công nhân có mức lương 6 triệu đồng/tháng thì hàng tháng doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH hơn 1,3 triệu đồng, người lao động đóng 600.000 đồng.

Số tiền doanh nghiệp thực tế chi ra cho 1 lao động, gồm cả trả lương và đóng BHXH là 7,3 triệu đồng. Rõ ràng đây là gánh nặng rất lớn đè lên vai doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có 100 lao động với mức lương lý tưởng 9 triệu đồng/tháng thì quỹ lương gồm cả đóng BHXH lên tới gần 1 tỷ đồng/tháng.

Càng nhiều người lao động, đương nhiên số tiền đóng BHXH càng cao. Do vậy, để đủ tiền đóng BHXH, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động ở mức thấp nhất, đồng thời người lao động phải nâng cao năng suất. Tuy vậy, năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp hơn Singapore gần 16 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần.

Trước thực trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH, về mặt pháp luật, có xu hướng tăng nặng chế tài, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đơn vị cố tình chiếm đoạt tiền BHXH của người lao động.

Thế nhưng, ý kiến của một chuyên gia cho rằng, nên có những giải pháp tổng thể như giảm tỷ lệ đóng BHXH với doanh nghiệp, linh hoạt giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện. Thậm chí, cho phép thỏa thuận mức đóng, hình thức đóng, tỷ lệ đóng giữa doanh nghiệp và người lao động. 

Tham gia BHXH được hiểu là nghĩa vụ nhưng bản chất là quyền lợi của người lao động. Đã là quyền lợi thì không nên tạo sức ép lớn cho cả doanh nghiệp và người lao động, dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài và không dễ đòi, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lợi sát sườn của hàng triệu người làm công ăn lương.