“Nợ chồng nợ” bảo hiểm

ANTĐ - Cùng với gánh nặng nợ xấu, còn một khoản “nợ chồng nợ”, năm sau luôn cao hơn năm trước là nợ đọng các loại bảo hiểm. Nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) đã ở mức “kỷ lục” khi vượt ngưỡng 15.000 tỷ đồng. Nếu không có những biện pháp khẩn cấp và điều chỉnh chính sách kịp thời, quyền lợi của hàng chục nghìn người lao động sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Tính đến thời điểm này, số nợ đọng BHXH là 10.659 tỷ đồng, doanh nghiệp nợ bảo hiểm thất nghiệp lên tới 552,3 tỷ đồng, riêng phần ngân sách phải đóng cho loại bảo hiểm này còn nợ 252,5 tỷ đồng, chiếm 45,7% tổng số nợ.

Đó là thông tin mới nhất của BHXH Việt Nam. Tại nhiều địa phương, có hàng loạt doanh nghiệp (DN) nợ lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng không chịu trả. Số DN nợ đọng BHXH trên 6 tháng trở lên ngày một tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Vì vậy BHXH các địa phương buộc phải hoàn thiện hồ sơ khởi kiện ra tòa, đòi quyền lợi chính đáng cho người lao dộng. Vì DN không đóng BHXH nên khi người lao động bị ốm đau, bệnh tật hay tai nạn sẽ không được hưởng các chế độ, thậm chí có DN lấy tiền nợ đọng BHXH để chi vào các hoạt động kinh doanh.

Theo thống kê của Ban thu BHXH, trong danh sách “con nợ” BHXH có nhiều công ty, doanh nghiệp lớn, có công ty, DN nợ hàng chục tỷ đồng. Lý giải tình trạng nợ đọng BHXH chồng chất, theo đại diện BHXH Việt Nam, ngoài yếu tố khách quan do sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, quy định xử phạt vi phạm về đóng BH còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, cơ quan BHXH mới chỉ được giao chức năng thanh tra nên tình  trạng nợ đọng kéo dài, chây ì, cố tình không đóng BH thất nghiệp vẫn diễn ra ngày càng phức tạp. Đáng lo ngại nhất, tại nhiều DN, người lao động đã bị trích tiền lương để đóng BH nhưng DN không đóng hoặc không làm thủ tục chốt sổ cho người lao động.

Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định, Luật Bảo hiểm thất nghiệp đã đi vào cuộc sống, song tình trạng “nợ chồng nợ”, nợ năm sau cao hơn năm trước của các DN đã đến mức báo động. Nếu tình trạng nợ đọng BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp… ở mức “kỷ lục” và kéo dài thì người lao động sẽ bị mất quyền lợi, chịu thiệt thòi khi gặp rủi ro. Một lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cảnh báo, hiện có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, hàng chục vạn lao động mất việc làm, đời sống vô cùng khó khăn. Việc DN “đua nhau” nợ đọng BHXH kéo dài càng khiến cuộc sống của người lao động lâm vào tình cảnh bi đát nếu chẳng may bị tai nạn, ốm đau, bệnh nặng. Thống kê của BHXH Việt Nam, tại 63 tỉnh, thành phố đều có DN nợ đọng BHXH. Tới nay, BHXH các địa phương mới chỉ khởi kiện được 1.617 DN, thu hồi hơn 272 tỷ đồng. 

Khó khăn lớn nhất hiện nay là BHXH chỉ có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra mà không được xử phạt. Theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã đến lúc phải coi hành vi nợ đọng, “nợ chồng nợ” BHXH như hành vi nợ thuế kéo dài, tùy mức độ, DN có thể bị xử phạt hành chính đến chịu trách nhiệm hình sự.