Níu giữ "chứng nhân lịch sử" trong biệt thự cổ Hà Nội (bài 5): Sớm giữ lấy tinh hoa, đừng đợi để bảo tồn đại trà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tháng 10.Thăng Long Hà Nội tròn 1010 tuổi. Sự tồn tại của những công trình kiến trúc Pháp trong suốt hơn 100 năm như một dấu ấn sống động kể về một khoảng thời gian vất vả, bi thương nhưng cũng rất hào hùng của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Giá trị đặc biệt của những công trình kiến trúc đó đều đã được khẳng định, nghĩa là sẽ phải - sẽ được bảo tồn để gìn giữ ký ức cho muôn đời sau.

Níu giữ "chứng nhân lịch sử" trong biệt thự cổ Hà Nội (bài 5): Sớm giữ lấy tinh hoa, đừng đợi để bảo tồn đại trà ảnh 1

Biệt thự số 6B Đường Thành mới được trùng tu đúng với nguyên bản đến từng chi tiết. Thời gian để hoàn thiện trong 2 năm và chủ nhân của nó tiết lộ, riêng tiền để tu sửa lên đến hơn 20 tỷ đồng

Cần tinh hoa chứ chưa cần đại trà

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, việc  phân hạng biệt thự nếu đã hợp lý rồi thì rất cần quản lý và thực hiện giải pháp đồng bộ. Tức là, đã đi đến thống nhất bảo tồn giá trị, chính quyền và các cơ quan quản lý đã quan tâm chỉ đạo thì cũng cần đánh giá thực tiễn, đồng thời rà soát lại nguồn lực thực hiện. 

Nêu ví dụ từ Nhật Bản và Italia - những quốc gia đã có nhiều kinh nghiệm trong bảo tồn biệt thự, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, nếu nguồn lực có hạn, không bảo tồn được cả khu phố thì cũng không nhất thiết phải chọn số lượng mà chỉ chọn một vài cái thực sự có giá trị. Vị nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố nhận định, chúng ta đã được chia sẻ kinh nghiệm, hướng phát triển, giải pháp bảo tồn… - tất cả đều có nhưng nguồn lực và giải pháp quyết liệt lại chưa. Nếu nguồn lực còn hạn chế thì nên chăng, học cách làm của các nước như Thụy Điển hay Nhật Bản, cần tinh không cần đại trà.

“Chúng ta có Quỹ di sản đặc biệt phong phú, điều này đã được trong và ngoài nước thừa nhận. Đặc biệt, nếu bảo tồn biệt thự là phải để ở, bên cạnh đó tùy theo từng hạng biệt thự khác nhau mà bảo tồn kiến trúc nhưng cho chuyển đổi chức năng. Ví dụ như trường hợp của Singapore, một số biệt thự sau khi trùng tu xong trở thành nơi bán đồ lưu niệm, như vậy cũng rất hấp dẫn khách du lịch” - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành có liên quan cần xây dựng một khung cơ chế chính sách, tạo điều kiện để giải quyết những tồn tại từ thời bao cấp để xây dựng một Quỹ di sản tuy nhiên, cần rà soát lại căn cứ trên cơ sở nguồn lực thì mới đề ra giải pháp. Tục ngữ cổ gọi là “Liệu cơm gắp mắm” là vì thế!

Níu giữ "chứng nhân lịch sử" trong biệt thự cổ Hà Nội (bài 5): Sớm giữ lấy tinh hoa, đừng đợi để bảo tồn đại trà ảnh 2Biệt thự số 6B Đường Thành mới được trùng tu đúng với nguyên bản đến từng chi tiết. Thời gian để hoàn thiện trong 2 năm và chủ nhân của nó tiết lộ, riêng tiền để tu sửa lên đến hơn 20 tỷ đồng

Nhà nước và nhân dân cùng bảo tồn

Quan điểm của kiến trúc sư Trần Thanh Bình trong việc trùng tu biệt thự Pháp cổ là “Nhà nước và nhân dân cùng làm” bởi lẽ, người dân sống ở biệt thự thì mạnh nhất là hoài niệm, Nhà nước thì mạnh về cơ chế và kinh tế. Chính vì thế, muốn bảo tồn, tôn tạo hệ thống di sản biệt thự Pháp cổ thì nhất định phải tìm được tiếng nói đồng thuận và cùng cố gắng. 

Kinh nghiệm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xưa nay vốn không phải chuyện hiếm. Nhưng đúng là bảo tồn cách nào còn lùng nhùng, nhất là với những biệt thự sở hữu tư nhân và có nhiều chủ. Vì thế, trước tiên, bảo tồn những cái ít chủ, nhất là những biệt thự sở hữu của Nhà nước trước. Dễ làm trước, khó làm sau. Lấy bài học từ bảo tồn phố cổ Hội An, kiến trúc sư Trần Thanh Bình cho biết, muộn còn hơn không, cần xây dựng một Quỹ bảo tồn cũng như một khung chính sách. Và điều này cần phải làm sớm.  

Trong một bài viết được công bố gần đây “Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp phía Nam quận Hoàn Kiếm”, kiến trúc sư Phạm Tuấn Long (Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm) đã cho rằng, thách thức đặt ra đối với nghiên cứu bảo tồn khu phố Pháp chính là chứng minh được hiệu quả của kế hoạch bảo tồn. Cần phải nghiên cứu bài bản theo các bước: Đánh giá hiện trạng khách quan; Lập dự án bảo tồn - đưa ra một định hướng bảo tồn phát triển có tính thực tiễn, tức là có thể duy trì lâu dài trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay và tương lai; Soạn thảo quy chế; Các nguyên tắc chung bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc Pháp…

Các nghiên cứu này còn có thể góp phần tạo dựng một bước khởi đầu thuận lợi để mở rộng ra thành một quy chế quản lý đô thị rộng hơn, mang tính tổng thể hơn trong các khía cạnh: Phạm vi bảo tồn - Không gian công cộng - Công trình xây dựng. 

Níu giữ "chứng nhân lịch sử" trong biệt thự cổ Hà Nội (bài 5): Sớm giữ lấy tinh hoa, đừng đợi để bảo tồn đại trà ảnh 3Cầu thang bằng đồng đúc được làm theo đúng nguyên bản

Biến giá trị lịch sử thành tiền được không?

Câu chuyện bảo tồn phố cổ Hội An bấy lâu nay vẫn luôn được lấy làm hình mẫu cho việc bảo tồn phố cổ Hà Nội và bây giờ, vẫn mô hình ấy hoàn toàn có thể áp dụng có chọn lọc vào tiêu chí bảo tồn biệt thự. 

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh khẳng định, việc bảo tồn biệt thự phải thông qua “đòn bẩy thương mại”. Nếu biết cách để giá trị văn hóa sinh lợi nhuận và người dân thấy được lợi ích sẽ tự động bảo tồn. Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, giá trị bất động sản phụ thuộc vào tốc độ đi, đi càng chậm giá trị bất động sản ở các tuyến đường đó càng cao.  

Lấy ví dụ về ngôi biệt thự anh mới tư vấn thiết kế cải tạo gần đây ở địa chỉ số 6B Đường Thành, anh cho đó là cách hay nhất để vừa giữ được nhà, vừa sinh lợi nhuận. Tân chủ nhân của ngôi biệt thự đó là gia đình chả cá Thăng Long nổi tiếng ở phố Đường Thành từ rất nhiều năm qua. “Có lần đi café với tôi, tôi bảo Huy - con trai út bà Bích Hợp, nhà đẹp lắm, đừng phá đi xây mới” - kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh kể lại - “Rồi gia đình thống nhất bảo tồn, phục chế lại nguyên trạng căn biệt thự. Ở trường hợp này, kiến trúc sư như tôi chỉ làm bà đỡ, không nên sáng tạo. Văn hóa đấy! Cảnh quan đấy! Chỉ cần giữ nguyên mà thôi!”.

Tò mò về câu chuyện tu sửa biệt thự kỹ đến từng chi tiết, tôi tìm gặp anh Trịnh Xuân Huy. Ngôi nhà 6B Đường Thành tuy nằm sâu trong lòng phố nhưng có một ngõ nhỏ thông ra phía mặt đường. Ngôi nhà được thiết kế hai tầng với một khoảng sân rộng phía trước và phía sau. Anh Trịnh Xuân Huy kể, để có thể tu bổ ngôi nhà theo đúng nguyên bản, anh Huy phải thuyết phục bố mẹ và các anh chị em trong gia đình một thời gian đủ lâu, bởi lẽ, chưa tính chuyện cả căn biệt thự, riêng tiền sửa chữa thôi đã là một khoản quá lớn rồi.

Dẫn tôi đi vòng quanh nhà, anh Huy nói về từng bậc cầu thang, từng tay nắm cửa, chiếc quạt trần... Ví như cái lan can cầu thang bằng đồng kia, để làm được phải thuê thợ làm cầu thang bằng gỗ, tỷ lệ 1/1 rồi mới đúc đồng. Toàn bộ lan can từ cầu thang ra đến ngoài ban công tầng 2 là hết hơn 400kg đồng, giá thành khi đó là 1,2 triệu/kg. Anh Huy bảo, mọi thứ đều làm theo đúng như cũ, không sai một chút nào. Ngay cả vết đạn bắn trên hoa sắt ở cửa ra vào cũng giữ nguyên, đó cũng là một dấu ấn lịch sử cho ngôi nhà. 

Níu giữ "chứng nhân lịch sử" trong biệt thự cổ Hà Nội (bài 5): Sớm giữ lấy tinh hoa, đừng đợi để bảo tồn đại trà ảnh 4Song sắt với vết đạn bắn từ thời Pháp thuộc vẫn được chủ nhân giữ lại

Gia đình anh Huy mua ngôi  nhà này từ một gia đình cũng rất nổi tiếng ở Hà Nội - nhắc đến tên giới trí thức đều biết. Năm 2017 mua. Năm 2018 sửa. Năm 2020 mới xong. Bây giờ thì ngôi nhà đặc biệt này được dùng làm nhà hàng để bán chả cá, một món đặc sản của Hà Nội, món ăn từng được các hãng thông tấn lớn hay các website về du lịch nổi tiếng trên thế giới xếp vào diện “không thể không thử khi đến Hà Nội”. 120.000 đồng/ suất chả cá, lại được ngồi trong một căn biệt thự với khuôn viên rộng rãi, với các đường nét kiến trúc tinh tế đến từng chi tiết, hẳn số tiền bỏ ra để thưởng thức văn hóa Hà Nội không phải là quá rẻ ư (?!). 

Hôm tôi đến cũng là lúc nhà anh Huy vừa mở hàng trở lại sau đợt giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, khách đến cũng chưa thể gọi là đông. Anh Trịnh Xuân Huy cười bảo, thôi thế cũng là tạm ổn. Dịch giã, cứ túc tắc thế này là được rồi, chứ bình thường, nhà anh Huy đón khoảng vài trăm khách du lịch châu Âu/ngày, chưa kể khách đoàn khác. Tất nhiên, “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” cứ phải có tiền thì mới dám nghĩ đến chuyện mua biệt thự cổ rồi sửa lại theo nguyên bản, và mở cửa đón khách du lịch như câu chuyện của anh Trịnh Xuân Huy. Nhưng cũng ở Hà Nội thôi, vô cùng nhiều biệt thự đã “bay hơi” để rồi thay vào đó là những tòa nhà cao vời vợi với kiến trúc không mấy thân thiện cảnh quan xung quanh. Nghĩa là không phải cứ có tiền thì người ta sẽ nghĩ tới chuyện bảo tồn di sản.

Nói như kiến trúc sư Trần Thanh Bình, ở biệt thự đã là một thứ xa xỉ, bảo tồn biệt thự cổ để biến nó thành một thứ di sản kiến trúc sống thì lại là thứ xa xỉ gấp đôi. Và những biệt thự được đánh giá là đặc biệt giá trị về kiến trúc và có vai trò như một di sản ký ức của Hà Nội thì đã già nua, cũ kỹ, biến dạng trong suốt cả trăm năm qua. 

Rõ ràng, các biệt thự trong khu phố cũ đã chịu nhiều tác động cả chủ quan lẫn khách quan. Thay đổi. Xuống cấp. Thậm chí có nơi đã bị “xóa sổ” hay “bốc hơi” để thay vào đó là một tòa nhà với kiến trúc hiện đại. Thực tế, việc sở hữu đan xen giữa Nhà nước và tư nhân cộng thêm nguồn kinh phí tu bổ hạn chế, nhận thức bảo tồn của xã hội và chủ sở hữu còn chưa có sự đồng nhất, số lượng các biệt thự nằm trong danh sách cần tu bổ lớn… Câu hỏi, bao giờ thì biệt thự được ưu tiên đầu tư, trùng tu từng biệt thự như kiểu phố cổ Hà Nội đã từng làm hay trùng tu tổng thể cả con đường ngõ phố… 

Tất cả, vẫn còn là câu hỏi mở, chờ các nhà chuyên môn, các nhà bảo tồn và hoạch định chính sách trả lời! 

“Nếu nguồn lực có hạn, không bảo tồn được cả khu phố thì cũng không nhất thiết phải chọn số lượng mà chỉ chọn một vài cái thực sự có giá trị. Vị nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố nhận định, chúng ta đã được chia sẻ kinh nghiệm, hướng phát triển, giải pháp bảo tồn… - tất cả đều có nhưng nguồn lực và giải pháp quyết liệt lại chưa. Nếu nguồn lực còn hạn chế thì nên chăng, học cách làm của các nước như Thụy Điển hay Nhật Bản, cần tinh không cần đại trà”.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội)    

“Việc bảo tồn biệt thự phải thông qua “đòn bẩy thương mại”. Nếu biết cách để giá trị văn hóa sinh lợi nhuận và người dân thấy được lợi ích sẽ tự động bảo tồn. Giá trị bất động sản phụ thuộc vào tốc độ đi, đi càng chậm giá trị bất động sản ở các tuyến đường đó càng cao...”.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh 

“Kinh nghiệm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xưa nay vốn không phải chuyện hiếm. Nhưng đúng là bảo tồn cách nào còn lùng nhùng, nhất là với những biệt thự sở hữu tư nhân và có nhiều chủ. Vì thế, trước tiên, bảo tồn những cái ít chủ, nhất là những biệt thự sở hữu của Nhà nước trước. Dễ làm trước, khó làm sau. Lấy bài học từ bảo tồn phố cổ Hội An, muộn còn hơn không, cần xây dựng một Quỹ bảo tồn cũng như một khung chính sách. Và điều này cần phải làm sớm”.

Kiến trúc sư Trần Thanh Bình 

“Thách thức đặt ra đối với nghiên cứu bảo tồn khu phố Pháp chính là chứng minh được hiệu quả của kế hoạch bảo tồn. Cần phải nghiên cứu bài bản theo các bước: Đánh giá hiện trạng khách quan; Lập dự án bảo tồn - đưa ra một định hướng bảo tồn phát triển có tính thực tiễn, tức là có thể duy trì lâu dài trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay và tương lai; Soạn thảo quy chế; Các nguyên tắc chung bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc Pháp…”.

Kiến trúc sư Phạm Tuấn Long