Ninh Bình: Khai quật khẩn cấp đoạn tường thành ở Trường Yên, thêm những nhận thức về Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sở VHTT Ninh Bình và Viện Khảo cổ học Việt Nam vừa tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khẩn cấp địa điểm khảo cổ tại thôn Tân Hoa, xã Trường Yên huyện Hoa Lư.

Trước đó, vào giữa tháng 12/2024 hộ gia đình ông Nguyễn Tử Quý ở thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư trong quá trình đào móng để xây nhà đã làm lộ ra một đoạn bờ đất đắp, bước đầu đoán định, có khả năng đây là tường thành Hoa Lư.

Ngay khi nhận được thông tin, các cán bộ chuyên môn thuộc Sở Văn hóa và Thể thao đã làm việc với gia đình và các cơ quan chức năng liên quan. Các bên thống nhất cần thực hiện công tác nghiên cứu khảo cổ khẩn cấp mục đích tìm hiểu hình thái di tích ở khu vực này, thu thập tư liệu làm căn cứ đề xuất phương án bảo tồn và nghiên cứu di tích ở giai đoạn tiếp theo.

Vị trí mở hố khai quật (ảnh: Viện Khảo cổ học Việt Nam)
Vị trí mở hố khai quật (ảnh: Viện Khảo cổ học Việt Nam)

Trong thời gian từ ngày 22/12/2024 đến ngày 30/12/2024, Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã mời các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khẩn cấp ở địa điểm khảo cổ tại khu vực thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

Vị trí mở hố khai quật (ảnh: Viện Khảo cổ học Việt Nam)

Vị trí mở hố khai quật (ảnh: Viện Khảo cổ học Việt Nam)

Theo Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật của Viện Khảo cổ học Việt Nam, khu vực khai quật rộng 66m2, nằm ở vị trí tường Đông Bắc của Thành Hoa Lư. Khu vực này hiện là khu dân cư thôn Tân Hoa, nằm phía sau Trường Tiểu học xã Trường Yên. Tường Đông Bắc thành Hoa Lư hiện là một dải đất nổi cao hơn mặt đường dân sinh vài ba mét kéo dài từ núi Cột Cờ đến Phủ Đầu Tường sát với sông Sào Khê đoạn nhìn qua Núi Chợ.

Khu vực khai quật trước kia là nơi xây dựng các công trình phụ (bếp và chuồng lợn) của nhà ông Nguyễn Tử Quý; với một mặt là đường bê tông đi vòng sau Trường Tiểu học Trường Yên qua Nhà văn hóa thôn Tân Hoa, qua Phủ Đầu Tường ra đường Quốc lộ 38B; mặt còn lại là con đường mòn rải đá cấp phối đi vào một số hộ dân ở chân Núi Cột Cờ.

Các lớp đất đắp chân tường thành
Các lớp đất đắp chân tường thành

Các chuyên gia khảo cổ học của Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định, địa tầng di tích ở khu vực khai quật mang đặc trưng của một đoạn tường đất đắp tạo hình con trạch nổi cao, bao gồm gia cố chân tường, thân tường và các lớp đắp bồi gia cố tường thành.

Lớp dưới gia cố chân tường sâu 3,46m so với mặt tường hiện còn (mốc O), là một lớp gỗ mỏng xen lẫn những cọc gỗ cắm sâu xuống nền đất yếu tạo bè móng. Trên mặt móng này được đắp một lớp sét thuần màu xám trắng tạo chân. Lớp đắp chân tường có xu hướng đắp dày hơn ở giữa lõi tường và xoải dần ra phía ngoài.

Các lớp đất đắp chân tường thành
Các lớp đất đắp chân tường thành

Lớp thứ hai chỉ dày khoảng 0,02 - 0,03m, là một dải cành lá cây vụn, do sự biến đổi của thời gian nên có màu nâu đen thẫm, kết cấu tơi bở, vẫn có thể quan sát thớ gỗ, lá. Lớp đắp này có tác dụng chống lún sụt, giảm trơn trượt khi đắp các khối đất sét mới vào tạo tường thành.

Lớp đất đắp thân tường bên trong (Ảnh: Viện Khảo cổ học Việt Nam)
Lớp đất đắp thân tường bên trong (Ảnh: Viện Khảo cổ học Việt Nam)

Lớp thứ ba có hình thang không cân với mặt ngoài khá dốc và mặt trong có độ thoải hơn. Đây là một khối đất sét đắp màu xám khá thuần nhất, đôi chỗ có một vài viên gạch vỡ màu xám. Kích thước khối tường: rộng đáy khoảng 12m, rộng bề mặt 5m, chiều cao còn lại khoảng 2,6m. Qua khảo sát hiện trạng có thể ghi nhận tường thành đã bị san bạt khi người dân địa phương san lấp mặt bằng cư trú trong vài chục năm gần đây.

Lớp thứ tư là lớp đắp bồi chân tường thành phía ngoài, chất liệu sử dụng là đất sét phù sa màu nâu lẫn ít gạch vỡ màu nâu đỏ đặc trưng của thế kỷ X.

Lớp đất đắp thân tường bên trong
Lớp đất đắp thân tường bên trong

Lớp thứ năm là lớp đắp bồi toàn bộ bờ tường thành bên trong, chiều dài lớp đắp hơn 10m, chỗ dày nhất khoảng gần 2m, đoạn đắp từ mái tường thành trong kéo dài qua lớp đắp thứ ba khoảng trên 5m. Cấu trúc lớp đất gồm một lớp gạch vụn màu nâu đỏ đặc trưng của thế kỷ X nằm rải từ trên xuống dưới chân tường, sau đó toàn bộ được đắp đất sét phù sa màu nâu đỏ.

Đoạn giữa chân tường lớp đất thứ ba và lớp này phát hiện một đoạn tường gạch được xếp dựng khá quy chuẩn. Tường gạch nằm kè vào chân tường thành đất hình thang (lớp thứ ba). Cấu tạo gồm một lớp chân móng bằng đá xếp ở dưới, bên trên là tường gạch cao chừng 0,3m, với khoảng từ 6 đến 8 hàng. Do đoạn tường nằm trong lớp đất đắp nên có thể xác định đây là đoạn tường còn nguyên hiện trạng. Gạch màu đỏ, được xây xếp có xu hướng nghiêng vào phía trong. Bức tường gạch cùng với tường đất bên trong và lớp đắp bên ngoài tạo thành một chỉnh thể vững chắc.

Mảnh gạch có chữ Hán

Mảnh gạch có chữ Hán

Do tính chất di tích tường thành nên chủ yếu di vật thu được là những mảnh gạch vỡ vụn được trộn trong các lớp đất đắp thành. Gạch vỡ có hai nhóm: Gạch xám, một số viên có chữ "Giang Tây quân" hoặc "Giang Tây chuyên", niên đại đã được khẳng định thuộc thế kỷ VIII - IX; Gạch đỏ, một vài mảnh có chữ của gạch "Đại Việt quốc quân thành chuyên" mang đặc trưng của thế kỷ X.

Các chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, kết quả của đợt khai quật đã tiếp tục khẳng định về kỹ thuật đắp dựng tường thành Hoa Lư ở thế kỷ X. Chỉ riêng ở Hoa Lư, các cuộc khai quật ở Tường Đông Bắc, Tường Đông vào năm 1969 và thăm dò Tường Dền năm 2018 cùng với cuộc khai quật này cho biết về sự thống nhất trong kỹ thuật đắp thành Hoa Lư. Đến nay đã có thể làm rõ các tường thành nhân tạo ở Hoa Lư đều được đắp trên nền đất trũng, lầy thụt, do vậy đều sử dụng kỹ thuật đắp rải các thanh gỗ kết hợp đóng cọc chống sụt lở. Tường thành được đắp hình con trạch hoặc gần hình thang, trong đó mái ngoài thường được tạo dốc hơn bên trong. Kỹ thuật xây thành kiểu này cũng đã được phát hiện ở La thành Thăng Long (Hà Nội).

Kết quả khai quật lần này cơ bản tương đồng với kết quả cuộc khai quật Tường Đông Bắc năm 1969 thể hiện ở những mô tả về các lớp xây đắp. Với một số phát hiện về tường gạch và những bãi gạch vụn trên thân tường thành Đông Bắc và Tường Đông có thể thấy sự gần gũi với kỹ thuật xây và tạo xương cho tường thành do người Chăm thực hiện ở địa điểm thành Trà Kiệu (Quảng Nam).

Những mảnh gạch có chữ Hán thu được qua đợt khai quật khẩn cấp (ảnh: Viện Khảo cổ học Việt Nam)

Những mảnh gạch có chữ Hán thu được qua đợt khai quật khẩn cấp (ảnh: Viện Khảo cổ học Việt Nam)

Các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ Việt Nam cho biết thêm, đợt khai quật này mặc dù được thực hiện khẩn cấp nhưng kết quả khai quật đã cung cấp thêm những tư liệu mới góp phần nghiên cứu làm rõ về tường thành và quá trình xây dựng tường thành Hoa Lư, đồng thời cũng góp phần đưa đến những nhận thức đầy đủ hơn về Kinh đô Hoa Lư dưới triều Đinh - Tiền Lê ở thế kỷ X.

Tuy nhiên, do tính chất khẩn cấp của cuộc khai quật và giới hạn về thời gian nghiên cứu nên nhiều vấn đề khoa học vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo. Vẫn còn nhiều những vấn đề cần được làm sáng tỏ trong thời gian tới như: Có phải Tường Đông Bắc và các đoạn tường thành nhân tạo khác ở Hoa Lư chỉ được đắp và sử dụng một lần? Cấu trúc và vai trò của các tường thành trong việc nhận diện tổng thể Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X? Vấn đề bảo vệ di tích Tường Đông Bắc, cũng như các di sản khảo cổ hiện diện ở Cố đô Hoa Lư trong bối cảnh phát triển đô thị nóng như hiện nay ở Trường Yên?

Từ kết quả khảo cổ, các nhà khảo cổ học đã đưa ra một số kiến nghị như: Đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình nghiên cứu đưa Tường Đông Bắc và các địa điểm liên quan đến tường thành Hoa Lư vào Quy hoạch di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

Những mảnh gạch có chữ, mang đặc trưng của thế kỷ X (Ảnh: Viện Khảo cổ học Việt Nam)

Những mảnh gạch có chữ, mang đặc trưng của thế kỷ X (Ảnh: Viện Khảo cổ học Việt Nam)

Nghiên cứu xây dựng đề án và chương trình hành động hướng đến nghiên cứu làm rõ quy mô, kỹ thuật, không gian phân bố, cách thức xây dựng Tường Đông Bắc và các tường thành khác của Cố đô Hoa Lư từ đó cung cấp thêm tư liệu nghiên cứu làm rõ diện mạo các vòng thành, cấu trúc tường thành và con đường dẫn vào kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê.

Cùng với đó, cần sớm xử lý giải quyết những yêu cầu chính đáng của người dân trong vùng lõi di sản, giúp người dân thêm yêu di sản, bảo vệ di sản và chung sống cùng di sản hướng đến sự phát triển bền vững.