Niềm vui trong từng khóe mắt

ANTĐ - Tháng 7 hàng năm đã trở thành nét đẹp của sự đền ơn đáp nghĩa, sự tri ân của thế hệ hôm nay với những người đã ngã xuống, những người đã để lại một phần máu xương của mình tại chiến trường. Với ý nghĩa đó, Đoàn công tác chúng tôi gồm những chiến sĩ Công an Hà Nội đại diện cho Hội phụ nữ Báo An ninh Thủ đô và Bệnh viện CATP Hà Nội đã về với xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội- xã Anh hùng.

Cụ già trên 100 tuổi trước kia là cơ sở cách mạng cũng đến khám bệnh và rất phấn khởi 
vì được quan tâm, hăm sóc tận tình, chu đáo

Nguồn động viên to lớn

Xe của đoàn công tác khám chữa bệnh và tặng quà cho các thân nhân liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng và cơ sở kháng chiến của lực lượng công an về sớm hơn dự kiến nhưng đã thấy đông đảo bà con ngồi chờ sẵn tại  Trạm y tế xã Phú Kim. Dìu mẹ trên vai, một chị hồ hởi: “Suốt đêm qua bà cụ không ngủ, chỉ mong trời sáng để được đi khám bệnh”. Còn một bác thương binh thì phấn khởi: “Biết có đoàn về, chúng tôi mong quá!”. Lại nghe có tiếng nói đùa xen vào: “Chúng tôi chờ mấy cô công an từ gà gáy đấy!”.

Phần lớn những người đến khám bệnh là thân nhân của các liệt sĩ nên các cụ đều đã có tuổi. Nhiều cụ đi không vững, con cái phải dìu, bế, hay cõng đến nơi khám bệnh. Tất cả “bệnh nhân” đều được các bác sĩ y tá có chuyên môn cao siêu âm, điện tim, khám đa khoa, tư vấn sức khỏe rất tận tình, chu đáo. Đích thân Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó giám đốc bệnh viện CATP Hà Nội trực tiếp khám bệnh, siêu âm  cho bà con.

Trong số những người đến khám chữa bệnh, người cao tuổi nhất là cụ Khuất Thị Định, ở thôn Bách Kim, 103 tuổi. Cụ Định có con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Cụ Định được cháu đưa đến Trạm y tế xã từ rất sớm. Sau khi được thăm khám chu đáo cụ Định xúc động lắm, dù tai đã nặng, răng đã rụng, nói không rõ tiếng nhưng cụ bảo: “Lâu lắm rồi mới được khám bệnh cẩn thận như thế này, mà lại gặp được toàn bác sĩ nhẹ nhàng, ân cần đến thế”. 

Thương binh Nguyễn Văn Sơ chia sẻ: “Tôi chỉ mong “bệnh viện” nào cũng như “bệnh viện” này, bác sĩ, y tá nào cũng như ngày hôm nay. Từ khâu ghi tên hướng dẫn cho đến khi khám bệnh, phát thuốc… khâu nào chúng tôi cũng thấy sự tận tình, chu đáo. Thật là hiếm thấy!”. Bác Nguyễn Hữu Mạo, 70 tuổi, thương binh hạng 2/4 bị viên đạn xuyên qua mặt làm vỡ xương gò má, sụp cầu mũi, mất 10 răng hàm trên, khiến khuôn mặt ông hoàn toàn biến dạng. Bác Mạo bày tỏ: “Sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể đã đành, lại được Công an Hà Nội về tận nơi khám bệnh phát quà như thế này là nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn lao đối với tôi. Tôi luôn tự nhủ phải sống cho xứng với câu “tàn nhưng không phế”. 

Đoàn công tác đến tận nhà khám sức khỏe, tặng quà những cụ không đi lại được

Nghĩ suy đọng lại

Trong một buổi sáng, dù thời tiết lúc mưa lúc nắng, nhưng bà con đến khám bệnh rất đông, đoàn công tác gồm 30 người, gồm 18 bác sĩ, y tá, làm việc cật lực  đến 12 giờ trưa  mà mới khám được  80 người. Phần lớn các “bệnh nhân” đều ít đi khám bệnh, nay lại được các bác sĩ khám miễn phí nên ai cũng muốn được tư vấn kỹ càng về sức khỏe, còn các bác sĩ, y tá muốn phục vụ chu đáo cho “bệnh nhân” thế nên thời gian khám bệnh trôi đi rất nhanh. Đoàn công tác dự định nghỉ trưa đến 13h30 thì tiếp tục, nhưng mới 13h đã thấy bà con lục tục kéo đến, thế là các bác sĩ lại làm việc luôn cho tới bệnh nhân cuối cùng.

Không chỉ khám bệnh và tặng quà cho các thương bệnh binh, gia đình chính sách tại điểm khám là trạm xá xã Phú Kim mà đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ kháng chiến, mẹ liệt sĩ… do tuổi cao sức yếu không thể đi lại được, đoàn công tác và lãnh đạo xã Phú Kim đã đến tận nhà thăm hỏi và khám bệnh cho các cụ. Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Vạch ở thôn Thúy Lai, xã Phú Kim, trong số 10 người con thì 3 con của mẹ đã hy sinh. Chúng tôi đến thăm, mẹ xúc động lắm. Năm nay mẹ Vạch đã 94 tuổi, mẹ không nói chuyện được nhiều nhưng chúng tôi  hiểu được nỗi đau 3 lần mất con của mẹ và chúng tôi thấy nỗi buồn trong ánh mắt mẹ.

Thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Vạch

Chuyến đi này là chuyến đi của sự tri ân vì thế hội phụ nữ của 2 đơn vị không chỉ nhận được tấm lòng của các hội viên mà còn nhận được sự chia sẻ của các công ty dược phẩm và những nhà hảo tâm. Công ty cổ phần Liên Danh H &H, Công ty Dược phẩm Sohaco Miền Bắc, Trung tâm mỹ viện Hải Duyên đã hỗ trợ thuốc bổ, thuốc bệnh cùng quà tặng với tổng số tiền lên tới hàng chục triệu đồng. Điều đáng trân trọng là các đồng chí lãnh đạo 2 đơn vị  và các đồng chí nam giới cũng tham gia đầy trách nhiệm với hoạt động đền ơn đáp nghĩa này. Cùng với sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo CAH Thạch Thất, UBND xã Phú Kim, chuyến công tác khám chữa bệnh tình nghĩa cho các gia đình chính sách đã mang lại nhiều ý nghĩa.

Bệnh nhân cuối cùng đến khám bệnh cũng là vừa xẩm tối. Đoàn công tác ra về mang theo nhiều cảm xúc. Chuyến công tác này không chỉ cho chúng tôi được bày tỏ sự biết ơn với những người đã cống hiến cho độc lập tự do của dân tộc mà còn là cơ hội để chúng tôi được gặp gỡ những câu chuyện, những con người đã cống hiến cả tuổi xanh cho Tổ quốc. Cụ Nguyễn Thị Tư – sinh năm 1930 ở xã Hạ Bằng là cơ sở kháng chiến của lực lượng công an. Cụ tham gia hoạt động cách mạng từ năm 17 tuổi, đào hầm nuôi giấu cán bộ, mang cơm nhà nuôi cán bộ trong vùng địch hậu. Lấy chồng năm 1950 nhưng 7 năm sau cụ mới sinh con vì “lúc đó cách mạng đang cần mình, sao mình lại ở nhà?”. Nhiều lần bọn địch truy lùng cụ ráo riết, cụ phải thay đổi tên liên tục, nhưng không hề biết run sợ trước sự lùng sục của kẻ thù. Cụ nói với chúng tôi: “Tôi cứ đi mà không hề nghĩ đến bản thân mình, không hề tiếc tuổi xanh”…

Vâng, những người trẻ bây giờ, ai đã nghĩ được như các cụ khi đó? Ai đã chịu chấp nhận hy sinh lợi ích nhỏ nhoi của mình vì tập thể? Chính vì thế mà chuyến đi này còn có ý nghĩa hơn rất nhiều. Đó là một bài học cho chúng tôi, thế hệ không đi qua cuộc chiến tranh để thấy cần phải sống có trách nhiệm với cuộc sống này – cuộc sống mà thế hệ đi trước phải trả bằng máu xương mới có.