Niềm vui lớn từ những bức thư khen

ANTĐ - Cách đây chưa lâu, trên đường cùng một đồng nghiệp đi làm, khi dừng đèn đỏ tại ngã tư nút giao thông Hòa Mã - Ngô Thì Nhậm thì người đồng nghiệp cất lời chào một đồng chí Công an phường (CAP) đang đi tuần bằng xe đạp. Nhờ cuộc gặp tình cờ, mà sau tôi được biết đó chính là Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng CAP Ngô Thì Nhậm. đồng chí Trưởng CAP cùng đơn vị nhận được nhiều thư khen từ phía người dân, gần đây là cả thư cảm ơn của tòa soạn Báo Le Courrier du Vietnam khi đã giúp đỡ anh J., thực tập sinh quốc tịch Pháp khi anh ấy bị rơi vào tình cảnh khó khăn càng thôi thúc tôi tìm đến trụ sở CAP Ngô Thì Nhậm để gặp đồng chí chỉ huy đơn vị này. 

Niềm vui lớn từ những bức thư khen  ảnh 1

“NÓI GIÚP TÔI VỀ TẬP THỂ, CẮT BỎ TÔI ĐI”

Đúng như lời người đồng nghiệp đã “cảnh báo” từ trước, gặp Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh không khó, nhưng để anh kể chuyện thì đúng là phải thuyết phục. Người đàn ông ngồi trước mặt tôi chỉn chu từ phong cách đến lời nói, điềm đạm, từ tốn hết mực. Với dáng vẻ thư sinh, nếu không khoác trên mình bộ sắc phục thì chẳng ai có thể nghĩ anh lại là một chiến sĩ CAND.

Trước khi về nhận nhiệm vụ tại CAP Ngô Thì Nhậm, Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác như Đội CSĐT tội phạm về TTXH, CAQ Hai Bà Trưng; Phó rồi Trưởng CAP Quỳnh Lôi; Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự - Phản ứng nhanh, CAQ Hai Bà Trưng.

“Dù công tác ở nhiều vị trí, nhưng trong lòng tôi nghĩ đến nhiều nhất chính là làm Cảnh sát hình sự. Từ ngày đi học tại trường Cảnh sát, rồi có quãng thời gian 10 năm gắn bó với công việc điều tra, dù biết không ngắn mà cũng chẳng quá dài, nhưng như người ta nói văn hoa là “trót yêu” mất rồi. Ngày được điều động về CAP Quỳnh Lôi, một phường trọng điểm về ma túy thời điểm đó, thú thật thời gian đầu tôi bị “mất cân bằng” đến 6 tháng mới ổn định” - Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh tâm sự - “Đến tận bây giờ, cứ ở trên quận hay thành phố xảy ra vụ trọng án nào dù là người đứng ngoài cuộc nhưng máu nghề nghiệp lại nổi lên, lại nghe ngóng, đọc những thông tin đang có về vụ án để tư duy, đánh giá, phân tích…Khi ở cương vị Trưởng CAP mà nhiều khi tôi “quên” mất mình đang ở vị trí ấy, cũng chiến đấu như tất cả các cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, phải cùng với anh em làm tất cả những công việc từ nhỏ đến lớn ở mức độ cố gắng cao nhất. Ngay lúc này đây, tôi chỉ muốn nói về tập thể chứ không phải cá nhân mình. Tôi có thể nói về một đồng nghiệp nào đấy, nhưng để nói về bản thân thì ngại vô cùng. Nói giúp tôi về tập thể, cắt bỏ tôi đi nhé!”. 

Quả thật, ở CAP Ngô Thì Nhậm, từ cấp chỉ huy đến cán bộ chiến sĩ đều nỗ lực phấn đấu trong công tác, nhưng đến cuối năm, đồng chí Trưởng CAP lại thường dành danh hiệu Chiến sĩ thi đua cho mọi người… Hỏi ra thì Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh lại có cái lý riêng của mình thật khó bắt bẻ: “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân! Người chỉ huy phải luôn sát cánh, đề cao công sức của anh em chứ một mình thì không thể làm được gì. Ví dụ một đội bóng đá quy tụ 11 cầu thủ trên sân, trong một trận bóng có người ghi bàn, có người không nhưng không có ai là thừa trong đội bóng đó cả. Thành công có được là công sức của tập thể chứ không chỉ của riêng cầu thủ nào, mà cũng không chỉ của riêng huấn luyện viên. Mình làm chỉ huy thì phải là phần hồn để thổi vào tinh thần hy sinh, cống hiến, tận tâm, tận lực của anh em. Mỗi khi tổng kết, trao thưởng, tôi thích đứng ở phía sau, hoặc ngồi dưới nhìn anh em, đồng đội của mình vinh dự nhận Bằng khen, Giấy khen… Niềm vui lớn nhất của tôi là giúp được đồng đội của mình phấn đấu, phát triển”.

HÀNH TRÌNH THẦM LẶNG VÌ NHÂN DÂN

Đấy là với cán bộ chiến sĩ, đồng đội; còn với nhân dân là nhiều câu chuyện nhỏ xếp đầy nỗi niềm với mọi người. “Đồng chí Giám đốc Công an TP Hà Nội vẫn đang “căng mình” vì nhân dân phục vụ, thì với những cấp ở dưới như chúng tôi càng phải làm tốt, từ những việc nhỏ nhất cho nhân dân”, Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh tâm sự. Ngồi nói chuyện nhưng thay bằng kể thì anh lần lượt đưa tôi xem những lá thư người dân viết tay cảm ơn đồng chí Giám đốc Công an TP, Ban chỉ huy CAQ về những việc làm giúp đỡ nhân dân của CAP Ngô Thì Nhậm.

“Năm ngoái, khi đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Noel, thấy có hai người đèo nhau rồi dừng lại trước trụ sở CAP vẫy tay chào, nói: “Cảm ơn chú Khánh nhé, cháu nó ngoan rồi!”. Mừng quá tôi vội vàng đáp: “Tốt quá rồi chị ạ!”. Chuyện là, sáng sớm một ngày, một chiếc taxi đỗ gấp trước trụ sở CAP, người phụ nữ mở cửa xe lao xuống hốt hoảng: “Anh ơi, cứu con em”. Không kịp nghĩ 1 giây, Thiếu tá Khánh lao tới thì thấy trong xe có một cháu gái chừng 13, 14 tuổi ra sức quẫy đạp, đập phá trong tình trạng thần kinh bị kích động mạnh. Thiếu tá Khánh nhận định, có thể cháu đang trong cơn phê ma túy “đá” nên mới có những biểu hiện như vậy.

Ngay lập tức, anh cùng đồng đội đưa cháu vào trụ sở CAP, chăm sóc sức khỏe, cho ăn uống và yêu cầu cán bộ, chiến sĩ phải nhẹ nhàng quan tâm. Những tháng ngày sau đó là những bài học làm người cháu được học từ Thiếu tá Khánh. Tranh thủ những lúc không phải trực, anh liên tục dành thời gian đến tận nhà cháu để gặp gỡ, động viên, kiên trì nói chuyện. Những bài học về sự tử tế được anh khéo léo lồng ghép như ngợi ca tình mẫu tử, sự vất vả của cha mẹ khi nuôi con với niềm hy vọng đứa con sau này trưởng thành sẽ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Cứ như vậy đằng đẵng, cho đến một lần, khi nghe chú Khánh kể xong một câu chuyện, cháu bé cứ thổn thức khóc, thì anh biết mình đã thành công trong việc cảm hóa một cô bé mới lớn ương bướng, vốn thường xuyên bỏ nhà, làm bạn với đám thanh niên xấu và ma túy “đá”.

“Chuyện có gì đâu, đó là công việc mà bất cứ người cán bộ công an nào cũng phải làm. Đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà là tình người”, Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh tâm sự. Trong bức thư cảm ơn anh, mẹ cháu bé đã viết: “Điều tôi cảm thấy trân trọng nhất đối với anh Khánh là sự giản dị, tôi không thấy ở anh có sự xa cách… Con bé nhà tôi cứ nhắc mãi chú Khánh đã kể cho con nghe nhiều câu chuyện khiến con phải khóc…”.

Còn với suy nghĩ của anh, cháu bé có được ngày hôm nay công của các anh một thì công của mẹ cháu mười. Anh và đồng đội chỉ làm hết trách nhiệm của mình!

 

…Thế rồi lại một mùa rét đến run người lại đến như thời điểm này của một năm về trước, trong khi đang đi tuần tra đêm trên xe cảnh sát, Thiếu tá Khánh cùng đồng đội thấy có người phụ nữ ôm một đứa trẻ ngồi ở vỉa hè trước cửa số nhà 200 phố Huế mà trên đường không còn một bóng người.

Anh kể: “Bước lại gần tôi hỏi: Sao đêm hôm hai mẹ con lại ở ngoài đường thế này? Đứa trẻ rét run, tôi yêu cầu hai mẹ con lên xe về trụ sở phường thì người mẹ sợ, phải “bắt” lên và giải thích rằng không thể để con ở ngoài trời thế này, về phường cho ấm áp rồi nói chuyện sau. Cốc nước ấm cầm trên tay cháu bé uống một hơi hết luôn. Chúng tôi đi mua sữa và cháo cho hai mẹ con ăn rồi đi ngủ. Người mẹ thuật lại chuyện là quê ở Thanh Hóa, do chồng đánh đập nên mang con bỏ nhà đi lên Hà Nội, thuê trọ mất mấy trăm nghìn đồng. Ban ngày đem con đi rửa bát thuê, sau không có tiền nên chủ nhà đuổi, tránh trả tiền nên bỏ đi lang thang. Đêm hôm ấy cháu bé ho cả đêm.

Suy nghĩ trong tôi lúc đó là không thể để hai mẹ con đi về trong tình trạng cháu bé thế này được, trong khả năng của mình, tôi đã nhờ một phòng khám quen biết khám cho cháu, cho thuốc và họ còn biếu một chút tiền; cán bộ chiến sĩ trong phường cũng góp vào được một khoản. Sau khi khi sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra nhân thân, tra cứu, xác minh cả ở quê chúng tôi đã đưa hai mẹ con ra bến xe để về Thanh Hóa. Trước lúc chia tay, tôi có khuyên: “Bỏ nhà đi cũng không được, cuộc sống thế này sống sao nổi, về cho con đỡ khổ”… 

Và mới đây nhất, đêm 27-1, chiếc giường và máy sưởi duy nhất của trụ sở CAP Ngô Thì Nhậm đã được dành cho anh J., đã bị 1 lái xe taxi mời chào, đưa vào một quán bar và chuốc cho uống đến độ chếnh choáng rồi đưa lên xe đi lòng vòng.

Thấy bất an anh J. đã gọi điện về Pháp cầu cứu thì lái xe đưa anh đến phố Ngô Thì Nhậm trong tình trạng không ý thức được bản thân. Báo Le Courrier du Vietnam đã viết thư cảm ơn rằng: “Việc làm của các đồng chí là một nghĩa cử cao quý, tạo nên một hình ảnh đẹp của người Công an Thủ đô và để lại một kỷ niệm sâu sắc đối với khách nước ngoài đến Việt Nam, cũng như đối với chúng tôi, cơ quan tiếp nhận thực tập sinh này”… 

*    *    *

Thiếu tá Nguyễn Hữu Khánh tâm sự, vậy đó, đó là niềm vui và hạnh phúc của người công an cơ sở mỗi khi giúp được một người dân, dù họ có là ai. Anh bảo luôn coi đơn vị như một mái nhà, như vậy là coi nhau như người trong gia đình, tôn trọng nhưng vẫn phải nhắc anh em với người dân phải nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ… - “Tôi đã đi qua rất nhiều đơn vị, nơi đâu dù đã ra đi vẫn là ngôi nhà của mình, để mình không phải hổ thẹn với bất kỳ một đồng đội nào. Đối với nhân dân phải đi dân nhớ, ở dân thương, phải làm việc tận tụy, giúp được người dân việc gì trong khả năng, thẩm quyền của mình là phải hết sức giúp. Nếu có gặp lại nhận được lời cảm ơn từ phía họ đó là hạnh phúc! Đừng ai bắt ngược tay người dân từ đằng trước ra đằng sau, xong bảo họ kiễng lên hỏi “tiền đâu”.

Đừng làm mất đi hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ CAND”. Còn theo quan điểm của Thiếu tá Khánh, với những người phạm tội, có bắt giữ người ta cũng phải khiến người ta tâm phục khẩu phục; làm nghiêm túc, đúng chức năng nhiệm vụ của người công an nhưng cũng nên chân thành chia sẻ và giúp đỡ được người ta cái gì tốt nhất thì nên giúp. Anh vui khi nói với chúng tôi, đã có rất nhiều các bị can, bị cáo sau khi đi chấp hành án đã viết thư về hỏi thăm anh.  

Dù không nói nhưng chúng tôi biết, với các anh, theo năm tháng sẽ là những kỷ niệm đẹp khó quên trong đời về con người, về tình người.