Niềm vui đến đúng lúc

ANTĐ - Một tấn rưỡi gạo, 4 tạ mỳ cùng hàng trăm chiếc chăn dạ, áo đồng phục, dép nhựa, đã đến đúng lúc các em nhỏ của liên trường xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang bắt đầu khai giảng năm học mới. 

Những món quà từ Thủ đô Hà Nội được chuyển tận tay nhà trường 

Không phải ăn ngô là tốt lắm rồi

Thực tình mà nói, nếu không được nghe câu chuyện của Thượng tá Đặng Thanh Long - Trưởng phòng Phong trào Công an tỉnh Hà Giang thì sẽ chẳng có cái “cơ duyên” để chúng tôi vượt hơn 500 cây số đến với Tát Ngà. Số là trong một lần lên huyện vùng cao Mèo Vạc công tác, Thượng tá Long ghé thăm UBND xã, dọc đường, đập vào mắt anh là một ngôi trường mà ở đó học sinh phải lội bùn vào lớp học. Ngôi trường nằm trên đồi, để lên tới đó, lũ trẻ phải leo qua một con dốc dựng đứng và trơn như đổ mỡ. Nhìn những đứa trẻ bùn đất vấy lên tận cổ ấy, anh ái ngại hỏi thầy hiệu trưởng: “Sao không làm mấy bậc đá để học trò đi cho đỡ khổ?”. Thầy Nguyễn Văn Chiển gãi đầu: “Vừa rồi, huyện hỗ trợ xây mấy lớp học, cộng thêm vận động bà con cùng nhà trường đóng góp cho loại hình bán trú dân nuôi, thế là kiệt lực rồi. Có muốn cố để xây dựng thêm cũng không còn sức nữa. Vả lại, lát cái lối đi từ chân dốc lên đến sân trường cũng khó vì vật liệu trên này đắt lắm. Nhà trường còn cái sân chơi, đang muốn bê tông hóa lấy chỗ cho các em sinh hoạt còn chưa tính đâu ra thì nói chi…”.

Quả thực từ khi có trường đến nay, học sinh trường Tiểu học Tát Ngà vẫn nô đùa trên khoảnh sân đất. Cái sân ấy, mùa khô thì bụi mù mịt, mùa mưa thì cứ nhão nhoẹt bùn và lõng bõng nước. Thế nên, gọi là sân chơi cho có chứ mấy khi nó phát huy tác dụng như đúng cái tên người ta vẫn gọi. Nơi học đã vậy, còn chuyện ăn ở thì khó khăn gấp trăm lần. Học sinh bán trú đa phần là con em đồng bào dân tộc nghèo. Nghèo đến nỗi, để vận động các em đến lớp, nhiều trường hợp nhà trường phải lo luôn cái ăn cho các em, tránh cho chúng phải theo cha mẹ lên nương. Thầy Chiển bảo: “Đồng bào quan niệm, đi học cũng phải ăn, ở nhà cũng phải ăn. Cho con đi học là mất đứt một lao động làm ra hạt ngô rồi. Tốt nhất là ở nhà thôi. Thế nên, nói là bán trú dân nuôi chứ phần lớn trường nuôi là chính. Kinh phí eo hẹp nên bữa ăn của học sinh có được gạo, mắm muối, không phải ăn ngô đã là tốt lắm”.

Tất cả những câu chuyện ấy được Thượng tá Long kể lại với những đồng đội của mình ở 2 Phòng nghiệp vụ an ninh và Báo An ninh Thủ đô - Công an thành phố Hà Nội. Rồi câu chuyện đến tai các thầy Thích Đàm Nhung (chùa Vân Hồ), Thích Đàm Thu (chùa Trung Kính), Thích Đàm Đức (chùa Quan Hoa), Thích Đàm Minh (chùa Bộc). Các thầy lại kể tiếp câu chuyện cho Phật tử. Thế là một chiến dịch quyên góp giúp đỡ các em nhỏ của ngôi trường vùng cao huyện Mèo Vạc được tiến hành.

Niềm vui không nhỏ
Niềm vui đến đúng lúc  ảnh 2
Chuẩn bị bữa ăn bán trú với cơm, lạc rang và canh rau

Rất nhanh chóng một khoản kinh phí bao gồm 80 triệu đồng làm sân chơi và 130 triệu đồng tiền quà, lương thực, thực phẩm được các thầy chuyển ngay cho ngôi trường nghèo ấy. Khỏi phải nói là thầy trò của trường Tiểu học Tát Ngà đã mừng rỡ thế nào khi đón nhận món quà quá đỗi bất ngờ kia. Một kế hoạch chi tiết sửa sang trường lớp được vạch ra và gần như ngay tức khắc vật liệu được mua về đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của các em nhỏ. Và đúng ngày khai giảng, những vị tu hành giàu lòng nhân ái đã cùng những người lính của Công an Hà Nội quay trở lại ngôi trường “cơ duyên” ấy để tiếp tục trao tặng những món quà khác giúp thầy trò liên trường xã Tát Ngà có thêm động lực bước vào năm học. 

Cả một chiếc xe tải của Công an tỉnh Hà Giang lặc lè giúp đoàn công tác xã hội chúng tôi cõng mấy tấn hàng lên tới sân trường vừa đúng lúc tiếng trống khai giảng được cất lên. Đón nhận số tặng phẩm, hàng hóa ấy, thầy Nguyễn Văn Chiển - Hiệu trưởng trường Tiểu học Tát Ngà cứ ngỡ mình nằm mơ, anh nói: “Lần trước, các thầy, các anh giúp chúng tôi hơn 200 triệu đồng là quý lắm rồi. Ai ngờ, lần này chúng tôi lại được đón nhận thêm tấm lòng của nhà chùa cùng những chiến sỹ Công an Hà Nội, thật tình tôi không biết nói thế nào để bày tỏ sự biết ơn đối với đoàn. Có lẽ nghìn lần câu cảm ơn vẫn là quá ít”.

Dẫu biết thầy Chiển nói thực lòng, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy xót xa khi chứng kiến tại buổi khai trường còn quá nhiều em nhỏ học lớp mầm non vẫn phải đi chân đất đến lớp. Cô Nông Thị Lương, Hiệu phó trường Mầm non Tát Ngà dù rất ý tứ khi tổ chức xếp hàng cho học sinh nhưng vẫn không thể giấu được những bộ quần áo nhem nhuốc, xộc xệch của những đứa trẻ mà cha mẹ chúng đã phó thác cho trường từ buổi sáng tinh sương để nai lưng trên những triền núi lởm chởm đá tai mèo kiếm hạt ngô cho bữa tối. Cái đói, cái nghèo vẫn hiển hiện trên những ánh mắt thơ ngây khiến cả đoàn ai cũng ngậm ngùi. Có lẽ vì nghĩ như thế nên ngoài số quà trị giá hơn 80 triệu đồng trao tặng liên trường xã Tát Ngà, hai thầy Thích Đàm Thu, Thích Đàm Nhung quyết định trao tặng thêm cho trường Mầm non Tát Ngà số tiền 45 triệu đồng để các cô giáo có điều kiện xây thêm một khu nhà ăn cho con trẻ.