Niềm tin vào tiền đồng

ANTĐ - Với động thái ban hành quy định chống găm giữ ngoại tệ, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là chống đô la hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu chỉ bằng biện pháp hành chính mà thiếu biện pháp kinh tế căn cơ, lâu dài thì khó đạt được kỳ vọng này. Mọi giải pháp đều phải từ việc xây dựng được niềm tin vào tiền đồng, trong khi giá trị của tiền đồng lại phụ thuộc vào thực lực của nền kinh tế.

Trong bối cảnh không gian để điều chỉnh tỷ giá gần như không còn, thì chủ trương giảm lãi suất USD và siết lại quy định về giao dịch ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu nhằm để “kéo dài sức sống” cho tỷ giá ít nhất đến hết năm 2015. Chủ trương này có một số tác động nhất định đến hành vi của người dân và doanh nghiệp. Đối với người nắm giữ ngoại tệ, họ sẽ cân nhắc khả năng chuyển sang tiền đồng, trong khi người có tiền đồng cũng suy tính kỹ khả năng mua USD vào lúc này.

Giả sử Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm, tức là việc găm giữ USD sẽ không có bất cứ khoản lợi nào. Đây chính là mục tiêu kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước, song theo một số chuyên gia, muốn chống đô la hóa thành công lâu dài, không thể chỉ dựa vào biện pháp hành chính mà cần phải chú trọng các giải pháp kinh tế. Không phải ai cũng dễ dàng vay ngoại tệ, nhưng thực tế có nhiều cách lách quy định. Rủi ro sẽ nảy sinh khi các doanh nghiệp vay ngoại tệ, song nguồn thu chủ yếu để trả nợ lại không phải là ngoại tệ. Khi đó, buộc doanh nghiệp phải đi mua lại ngoại tệ để trả nợ.

Chưa kể, các doanh nghiệp xuất khẩu với nguồn vốn thu ngoại tệ có được sẽ tìm cách găm giữ ở các tài khoản nước ngoài thay vì chuyển về nước. Thế nên, về lâu dài, cần coi giải pháp kinh tế, kỹ thuật là chủ đạo. Theo các chuyên gia, trước hết, cần thực hiện các biện pháp vĩ mô để tăng dự trữ USD; từ đó có thể chủ động trong điều hành tỷ giá, tránh tăng tỷ giá quá mạnh gây kích thích tâm lý dự trữ USD; thực hiện đa dạng hóa ngoại tệ, tránh phụ thuộc vào USD; sớm có chủ trương bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu chính đáng như du học, chữa bệnh, đi công tác…

Tiếp đó, phải điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng tránh lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nhất là nguyên liệu đầu vào để hạn chế cầu USD. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng dịch vụ của các tổ chức tín dụng, mở rộng thêm các tiện ích gắn với việc giao dịch bằng tiền VND như dịch vụ thẻ, điểm thanh toán, cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, cần có giải pháp thu hút triệt để ngoại tệ từ các doanh nghiệp, cá nhân, người Việt Nam ở nước ngoài khi mang ngoại tệ vào Việt Nam; khuyến khích tăng tỷ lệ quy đổi sang VND với số lượng USD lớn…