Niềm tin vào rau an toàn giảm sút

ANTĐ - Từ năm 2009, Hà Nội đã xây dựng đề án rau an toàn (RAT) cho giai đoạn 2009-2016 với kinh phí hơn 800 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn. Người tiêu dùng mong muốn có sản phẩm an toàn nhưng người sản xuất RAT lại không bán được sản phẩm.

Niềm tin vào rau an toàn giảm sút ảnh 1Rau an toàn ngày càng khó giải quyết đầu ra vì người tiêu dùng thiếu tin tưởng

Không kiểm soát được rau củ tại các chợ đầu mối

Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, hết năm 2013 toàn TP đã đạt được 4.500ha RAT. Sản lượng ước đạt 290.000 tấn/năm, đáp ứng được 30% nhu cầu rau xanh của toàn TP. Ước tính, hết năm 2014, toàn TP sẽ có khoảng 5.000ha RAT. 

Trong khi đó, sản lượng rau tiêu thụ của toàn TP vào khoảng 2.600 tấn/ngày, với diện tích canh tác 12.000ha rau, Hà Nội tự cung ứng được 60% nhu cầu tiêu thụ rau xanh hàng ngày, còn lại 40% được đưa về từ các địa phương lân cận như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình… Về sản lượng quả, TP mới tự cung cấp được 18%, còn lại là nhập từ các tỉnh, thành khác và hoa quả Trung Quốc.

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT nhận định, mỗi ngày có khoảng 400 tấn rau củ từ các tỉnh được tiêu thụ tại 6 chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội. Song, các loại rau củ tiêu thụ tại đây đều không được kiểm soát về ATTP cũng như nguồn gốc, xuất xứ. 

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ RAT trên địa bàn TP là rất lớn, song sản xuất RAT lại khó phát triển. Ông Nguyễn Duy Hồng nhận định, sản xuất RAT trên địa bàn TP chủ yếu manh mún, do hộ cá thể tự chủ là chính, số lượng hộ nông dân sản xuất rau rất lớn (khoảng 180.000 hộ), vì vậy quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các cửa hàng bán RAT như hỗ trợ kinh phí thuê mặt bằng…  nhưng không mang lại hiệu quả. Hiện, có khoảng hơn 60 điểm bán RAT nhưng lượng tiêu thụ trung bình chỉ đạt 50-100kg/ngày. 

950 tỷ đồng xây dựng chuỗi cung ứng RAT

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sản phẩm RAT khó có đầu ra dù nhu cầu tiêu dùng lớn là khúc mắc giữa người sản xuất và người tiêu dùng chưa được giải tỏa. “Do chính sách tiêu thụ còn vướng mắc nên người tiêu dùng không có niềm tin vào sản phẩm an toàn, còn người sản xuất thì không chứng minh được sản phẩm của mình là an toàn, vì vậy không thúc đẩy được sản xuất”, ông Nguyễn Duy Hồng cho biết. Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, phần lớn sản phẩm tiêu thụ trên thị trường Hà Nội chưa có khả năng nhận diện và phân biệt giữa sản phẩm an toàn và không an toàn. Trong khi đó, kênh tiêu thụ chính chủ yếu vẫn qua thương lái, mua bán tự do nên sức lan tỏa và tỷ trọng tiêu thụ RAT rất thấp. 

Để cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô cũng như thúc đẩy sản xuất rau củ an toàn, Bộ NN&PTNT vừa xây dựng Đề án chuỗi cung cấp RAT cho TP Hà Nội giai đoạn 2015-2020 với kinh phí dự kiến 950 tỷ đồng. Mục tiêu đưa ra, đến năm 2020 sẽ đáp ứng được trên 80% nhu cầu tiêu dùng RAT cho toàn TP. Đề án khắc phục những tồn tại hiện nay trong khâu tiêu thụ, với mục tiêu 80% sản lượng RAT của xã viên được tiêu thụ thông qua doanh nghiệp.  Tại các chợ dân sinh, đến năm 2020 các quầy bán RAT sẽ chiếm 90%. Đáng nói, tất cả sản phẩm RAT khi đưa tiêu thụ, bán lẻ phải được dán tem nhận diện “Rau an toàn”, có mã số để tra cứu và truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, tránh tình trạng trà trộn, trá hình như hiện nay, sẽ quy định bắt buộc các cơ sở được cấp Giấy chứng nhận kinh doanh RAT phải bán 100% rau, củ an toàn, truy xuất được nguồn gốc.