Niềm tin vào kinh tế

ANTĐ - Nền kinh tế năm 2013 sắp vượt qua chặng đường dài gian nan với nhiều thử thách cam go, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đang lấy đà phục hồi, bước sang năm 2014. Chính phủ đã nỗ lực điều hành quyết liệt, có những giải pháp đúng, năng động, kịp thời nên vừa giữ được kinh tế không chao đảo, biến động, vừa tạo được chuyển biến ở một số lĩnh vực khá rõ nét. Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam, bước phát triển mới của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam không chú trọng đưa ra con số viện trợ mà tập trung đối thoại sâu sắc hơn, thực chất hơn chất lượng phát triển của nền kinh tế.

Trong bối cảnh mới, nguồn vốn không hoàn lại cũng như vốn vay ưu đãi mà các đối tác, tổ chức tài chính quốc tế dành cho nước ta sẽ ít dần, trong khi nguồn vốn vay tín dụng có xu hướng tăng lên. Điều này buộc nước ta phải có những cách thức sử dụng vốn hiệu quả hơn, tằn tiện hơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư, nước ta đã quá quen tay sử dụng vốn hỗ trợ từ phía đối tác, nhất là vốn không hoàn lại. Việc này khiến chúng ta sử dụng đồng vốn quên đi hiệu quả của đồng tiền không rút ra từ ngân sách nhà nước hoặc địa phương.

Theo phân tích của một số chuyên gia, một trong những điểm yếu hiện nay là công tác quy hoạch, đầu tư phát triển, xây dựng cơ bản. Trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số ý kiến đã đề cập điểm yếu trong quy hoạch dẫn đến liên kết vùng yếu và thiếu gắn kết. Từ đó xảy ra tình trạng tỉnh nào cũng “chạy đua” sản xuất thép, xi măng, các khu công nghiệp… tạo nên những hội chứng. Sau hai năm tái cơ cấu đầu tư công, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, về cơ bản vẫn mang tính tình huống, ngắn hạn, chủ yếu xử lý đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Tuy đầu tư giảm từ 39% giai đoạn 2006-2011, xuống còn 30,5% năm 2012, song gần đây lại có xu hướng nới lỏng, phân tán, kém hiệu quả.

Có thể nói, hiện nay 63 tỉnh, thành phố là 63 nền kinh tế khác nhau dẫn đến phân tán nguồn lực, đầu tư theo phong trào sẽ còn tiếp diễn như có thêm hai sân bay cấp tỉnh được bổ sung vào quy hoạch. Hiện phổ biến tâm lý các bộ, ngành, địa phương vẫn mong muốn có các dự án đầu tư do chính mình đề xuất và quản lý. Mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công là giảm đầu tư nhà nước, tăng đầu tư tư nhân. Song, đầu tư tư nhân lại tiếp tục giảm. Tại “Diễn đàn quan hệ đối tác  phát triển” vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đối với khu vực kinh tế nhà nước đến năm 2014-2015 sẽ chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, Việt Nam cần cải thiện độ tin cậy tín dụng, tiếp cận các nguồn tài chính. Quản lý kinh tế và quản lý nhà nước hiệu quả với trách nhiệm giải trình rõ ràng sẽ giúp tăng niềm tin thị trường, đầu tư công để khôi phục niềm tin vào kinh tế.