Niềm tin tâm linh mù quáng từ những ngôi mộ tiền tỷ

ANTĐ - Lắm tiền, nhiều của, các đại gia ở Miền Đông và TP. Hồ Chí Minh nảy ra ý định xây những lâu đài tiền tỷ cho người chết. Họ tin rằng ở trong lâu đài đó, các âm hồn sẽ phù trợ tốt hơn cho những người trên dương gian. Nhưng đó chỉ là niềm tin một cách mù quáng mà không có cơ sở khoa học…

Niềm tin tâm linh mù quáng từ những ngôi mộ tiền tỷ ảnh 1Những ngôi mộ tiền tỷ như lâu đài trong nghĩa trang

Mời thầy địa lý ngoại về xem long mạch

Nằm ở ấp Trường Thọ, xã Trường Hòa (Hòa Thành, Tây Ninh), trang viên Sơn Trang Tiên Cảnh là nghĩa trang quy tụ hầu hết những ngôi mộ được xây dưới dạng lâu đài tiền tỷ. Những câu chuyện về niềm tin, sự tín ngưỡng được kể ra khiến nhiều người phải giật mình. Một người có phần mộ cha mình được xây như lâu đài trong nghĩa trang bật mí rằng: “Đây là một trong những nghĩa trang giàu có nhất nước đấy. Nếu không có trên 1 tỷ đồng thì đừng có mơ mà được xây mộ trong nghĩa trang này. Với lại tiền ít, xây mộ nhỏ, lâu đài nhỏ thì lép vế lắm với mộ bên cạnh. Mà lép vế như thế người chết quở trách cho thì khó mà gánh được những rủi ro. Tôi đã xây mộ hết 1,2 tỷ mà nhiều đêm còn cứ băn khoăn không biết ngôi mộ như thế đã đủ sang trọng chưa, đã hài lòng người đã khuất chưa. Nếu nhỡ chẳng may làm gì để các cụ phật ý mà không phù hộ cho làm ăn thì khốn nạn. Thế nên ở nghĩa trang này có đại gia, xây lâu đài trên 5 tỷ, họ bảo bỏ ra 5 tỷ để người chết phù hộ cho kiếm ra 10 tỷ, như thế thì lời quá còn gì. Cả những đại gia xứ miệt vườn tận Cà Mau cũng lặn lội lên đây để mua một “phần” trong nghĩa trang “nhà giàu” này đấy”. 

Ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng nghĩa trang cho các đại gia này, ông H còn không thuê thầy địa lý trong nước mà thuê hẳn một ông thầy nước ngoài. Ông H cho rằng: “Theo yêu cầu của nhiều người đăng ký chôn cất trong nghĩa trang này, chủ đầu tư phải thuê thầy ngoại. Nghe nói là một người Tàu, vì người Tàu rất thông thạo và am tường về các quy trình cũng như tác dụng của việc chọn đúng long mạch. Sau khi khấn vái lầm rầm và “ăn nằm” hàng tháng trời để nghiên cứu, ông thầy Tàu phán rằng; đây là nơi xưa kia rồng vàng trên trời từng có lần lượn qua. Đất đai rất thiêng. Hội tụ nhiều nguồn khí linh thiêng của đất trời, sông núi. Cũng theo ông thầy Tàu này thì những nơi có thế đất lưng tựa núi, mặt hướng ra sông và 2 bên phải, trái, có nhiều ấp dân cư, những cánh đồng hay kênh rạch nhỏ đan xen là thế đất vô cùng phát tài, phát lộc, vượng khí muôn đời. Nhiều người chết chôn những vùng đất như thế này con cháu giàu lên nhanh chóng, không bao giờ dính bệnh tật. Với những mảnh đất thế này, các âm hồn còn được an nhiên ở chốn chư Phật”. 

Chẳng biết mấy lời phán của ông thầy Tàu đúng đến đâu nhưng, một đồn mười, mười đồn trăm, lắm kẻ có tiền có của cho rằng khu đất này là khu đất “vượng” để đặt phần mộ của gia đình mình, vì thế các đại gia ở khắp nơi mang tiền của đến đặt cọc để lấy một chỗ trong nghĩa trang này. Nhà có người sắp quy tiên đã đành, ngay cả những gia đình đang yên đang lành cũng đặt mua để giữ chỗ. Nhất là khi đất giành cho người “chết” lại khó kiếm hơn đất giành cho người sống như hiện nay… 

Niềm tin tâm linh mù quáng từ những ngôi mộ tiền tỷ ảnh 2Cổng vào Sơn Trang Tiên Cảnh

“Khu đô thị” hạng sang cho… người chết

Sơn Trang Tiên Cảnh là nơi chôn cất được xây dựng theo kiểu kiến trúc mới, hiện đại, khác hẳn các nghĩa trang truyền thống, với các khu dành cho các tôn giáo khác nhau, nơi thờ tự theo từng tín ngưỡng; được thiết kế với không gian xanh nhiều hoa thơm, cỏ lạ, suối nước, non bộ  với đủ loại mẫu hình thần thánh. Bà Trần Thị Là, một người dân sống ngay cạnh nghĩa trang nhận định: “Nhiều người đến đây họ đều có cảm giác dường như những người xây dựng nghĩa trang này đã bê nguyên hầu hết các điển tích, khung cảnh trong phim “Tây du ký” vào nghĩa trang này. 

Hàng chục bức tượng Phật mạ vàng được đặt ở lối đi chính dẫn vào bên trong nghĩa trang khiến nhiều người ví nghĩa trang này như một khu đô thị hạng sang, dành cho người chết. Chỉ vào ngôi mộ có giá gần 1 tỷ đồng vừa an táng của gia đình mình, chị Nguyễn Thị N bộc bạch: “Sau khi dốc hết tiền tiết kiệm xây ngôi mộ này cho cha tôi, hàng đêm tôi vẫn mơ thấy ông về tâm sự và rất vui vẻ. Trường hợp này trước kia không xảy ra. Có lẽ từ đây ông sẽ về phù hộ cho chúng tôi nhiều hơn. Bởi vốn dĩ lúc sống, ông chỉ thích được một ngày ở nhà lầu, nhưng khi đó còn nghèo chúng tôi chưa xây được nhà lầu. Người sống làm sao thì người chết là vậy”. 

Ông Nguyễn Đức H, một đại gia về đồn điền cao su mới ngoài 70, sức khỏe còn tốt nhưng lùng sục khắp nơi để hỏi mua thiên thạch. Ông cho rằng yểm linh hồn mình ngay khi còn sống bằng thiên thạch thì khi xuống âm phủ sẽ gặp được nhiều chuyện may mắn. Trong lúc nghỉ giải lao trước nghĩa trang của các đại gia này, ông bảo: “Mình giàu có khi sống thì khi chết cũng phải giàu có, để sang bên kia còn được nhiều người nể trọng chứ. Thiên thạch yểm linh hồn là thiêng lắm, không có gì xâm phạm vào huyệt mộ mình được”. Cũng theo ông H, khi chết, linh hồn sẽ bắt đầu sống ở một thế giới khác, vì thế ông luôn ám ảnh về cái chết của mình.

Trên đường đi tìm hiểu những chuyện xung quanh nghĩa trang lâu đài này chúng tôi còn bắt gặp một người đàn ông khác mua được cả tảng gỗ hóa thạch giá hàng tỷ đồng. Người đàn ông này bảo, không tìm được thiên thạch nên mua tảng gỗ hoá thạch này để khi cha chết, để dưới lưng xác chết rồi mời thầy cúng về cúng yểm linh hồn. Vì thiên thạch hoặc gỗ hóa thạch là tinh hoa của vũ trụ, là linh khí ngàn đời tích tụ nên ai có nó yểm vào dưới mộ sẽ phát tài, phát lộc cho cả họ.

Một điều khiến cho nhiều người ngạc nhiên khi đến nghĩa trang tiền tỉ này nữa là ngôi mộ của bà Trần Thị Th, khi sống bà chỉ ở trong một túp lều lụp xụp và làm công việc kham khổ là bán bún gõ. Con cái đều ở xa. Ai cũng tưởng bà nghèo nhưng tất cả tiền của bà dành để mua sẵn một chiếc mộ hơn 2 tỷ để người ta chôn chính mình khi chết. Trước lúc hấp hối bà trăn trối với hàng xóm rằng; cuộc sống chỉ là cõi tạm, nên có khổ chút cũng chẳng sao để tiền xây lâu đài khi chết hưởng thụ cho được vĩnh hằng. 

Chúng tôi đã đem câu chuyện này kể với bà Nguyễn Thị Linh, người có nhiều năm theo tín ngưỡng đạo Phật thì bà lại có cái nhìn khác. Bà bảo: “Thầy địa lý nói là việc của thầy, nhưng nếu bảo tin tuyệt đối thì tôi cũng không tin lắm đâu. Chẳng lẽ cứ xây mộ to thì tổ tiên mới phù hộ cho con cháu hay sao. Nếu chỉ nghĩ thế thì lại hóa ra lệch lạc mất rồi. Báo hiếu cũng ở trong tâm, xuất phát từ sâu xa trong nghĩ suy và sự thành kính của mình mới là điều quan trọng nhất thôi”.

Đúng vậy, báo hiếu là ở trong tâm, đừng quá mê tín dị đoan mà mù quáng tin vào những điều không có thật. Nếu sống ở đời mà không báo hiếu tử tế với cha mẹ, đến khi chết đi mới đổ tiền tỉ vào xây mộ thì cũng chỉ là điều vô nghĩa. Hơn nữa, những người dân cũng cần cảnh giác với các chiêu trò mê tín dị đoan, tung tin để trục lợi.