Đường sắt cao tốc Trung Quốc vướng loạt sự cố kỹ thuật:

"Niêm kiêu hãnh" chất lượng... tồi

ANTĐ - Ngay sau khi vận hành chưa đầy nửa tháng, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải, “niềm kiêu hãnh” của nền công nghệ Trung Quốc, trong 4 ngày đã xảy ra 3 sự cố liên tục. Chuỗi sự cố này đang khiến kẻ cười, người lo.

“Sự cố phục vụ” khó bỏ qua

Ngày 10-7, trục trặc đầu tiên xảy ra với hệ thống đường sắt cao tốc mới khai trương khi bão đi qua làm hỏng thiết bị cung cấp điện tại tỉnh Sơn Đông khiến việc vận hành 19 đoàn tàu bị đình trệ. 2 ngày sau đó, sự cố tiếp tục xảy ra cũng với hệ thống điện, làm 29 đoàn tàu khác bị hoãn và hủy lộ trình. Khi dư luận còn chưa lắng xuống, ngày 13-7, một chuyến tàu “chết cứng” giữa hành trình khi đi qua Thường Châu, Giang Tô khiến hành khách phải chuyển sang tàu khác sau hàng giờ chờ đợi trong điều kiện không ánh sáng và điều hòa nhiệt độ. Ông Vương Dũng Bình, người phát ngôn Bộ Đường sắt Trung Quốc ngay sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi trước công luận về các sự cố kỹ thuật này.

Tàu mới đưa vào sử dụng, đã phát sinh sự cố
Tàu mới đưa vào sử dụng, đã phát sinh sự cố

Tuy nhiên, báo chí nước này lập tức khai thác các chi tiết đáng lưu tâm xung quanh sự việc và bình luận: sự cố kỹ thuật có thể thông cảm, song “sự cố phục vụ” thì khó có thể bỏ qua. Một trong những chi tiết khiến những hành khách đầu tiên của đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải cảm thấy bất mãn, đó là chất lượng phục vụ trên tàu của các tiếp viên. Được biết, việc tuyển chọn tiếp viên tàu cao tốc được tiến hành rất chặt chẽ trong số hơn 3.000 ứng viên, với các tiêu chuẩn bất di bất dịch như tuổi từ 19-22, cao trên 1,65m, ngoại hình đẹp, học vấn trên trung cấp, có chứng chỉ hạng B tiếng phổ thông, chứng chỉ hạng C tiếng Anh...

Ngoài ra, những cô gái trúng tuyển còn phải tuân thủ tiêu chí phục vụ 5S: smile (tươi cười), speed (nhanh nhẹn), standard (tiêu chuẩn hóa), sincere (chân thành) và satisfy (làm khách hài lòng). Sau khóa huấn luyện, số tiếp viên này đều phải nắm vững các kiến thức chủ yếu về tàu cao tốc, đặc điểm địa lý, con người ở tất cả 24 điểm dừng trên suốt hành trình.

Tuy nhiên, khi sự cố liên tiếp xảy ra, trong những tình huống bất ngờ, hành khách đều thấy nhân viên “nhà tàu” túm tụm vào một chỗ, hỏi điều gì cũng ấp úng không biết, như việc máy lạnh ngừng hoạt động hoặc trong toa tàu hết nước. Thậm chí có người còn vô cùng hoảng hốt, sợ hãi khóc lóc, không thể phục vụ nổi.
Một số người phản ánh, hệ thống bán vé của đường sắt cao tốc vẫn chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho việc mua vé sớm. Mặt khác, mặc dù chậm hàng giờ, song đường sắt cao tốc không hề có hình thức bồi thường nào cho hành khách.

Hàng không cả cười

Việc sự cố liên tiếp xảy ra sau khi đường sắt cao tốc được đưa vào hoạt động chưa đầy nửa tháng khiến nhiều hãng hàng không phần nào giải tỏa tâm trạng căng thẳng, bồn chồn suốt thời gian qua. Chính vì vậy, sau khi đưa ra dự đoán xấu nhất, các công ty này phát hiện ra rằng, sự “tấn công” của đường sắt cao tốc đối với ngành hàng không thực ra không lớn như tưởng tượng.

 “Ban đầu, chúng tôi dự báo rằng tình hình không mấy lạc quan, vì đường sắt cao tốc khai thông đúng vào mùa mưa - mùa thường xuyên xảy ra việc lỡ các chuyến bay, nên rõ ràng hàng không đã khó khăn lại càng khó khăn”, ông Vương Mặc, nhân viên kinh doanh một công ty hàng không cho biết. Theo dự báo ban đầu, sẽ có ít nhất 20% hành khách tuyến đường Bắc Kinh-Thượng Hải của công ty chuyển sang đi tàu cao tốc.

Sự lo lắng của ông Vương Mặc không phải là không có căn nguyên. Số liệu của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 7-2010, tỷ lệ khách đi máy bay chuyến Bắc Kinh-Thượng Hải chỉ là 46,5%, trong đó, riêng tháng 7 - khi mùa mưa đạt “đỉnh”, con số này chỉ đạt 32,6%. Từ ngày 30-6 đến 7-7-2011, giá vé Bắc Kinh-Thượng Hải của hầu hết các công ty đã phải chiết khấu 50-60%, khiến giá vé một chiều hạng thấp nhất từ Thượng Hải đến Bắc Kinh chỉ còn 400NDT, ngang bằng với giá vé 410NDT hạng thấp nhất của tàu cao tốc.

Tuy vậy, sau 3 sự cố xảy ra liên tục với đường sắt cao tốc trong 4 ngày, nhiều hành khách lại quay về với hàng không, khiến nhiều công ty hàng không phấn khởi điều chỉnh nâng mức giá lên. Vào thời điểm hiện tại, nếu mua vé Bắc Kinh-Thượng Hải bay trong ngày hoặc đặt trước 1 ngày, mức chiết khấu chỉ còn 20%, so với mức chiết khấu tới 60% khi đặt vé sớm 1 ngày vào thời điểm cách đây 1 tuần thì quả là “một trời một vực”.