Niềm đam mê quái dị: Uống xăng thay nước ngọt

ANTĐ - Xăng là nhiên liệu không thể thiếu cho các loại động cơ. Mặc dù được cảnh báo là vô cùng độc hại, tuy nhiên, một số người lại có sở thích quái đản: uống xăng ngon lành như tu một chai nước ngọt, “say hít” như một loại tân dược bổ.

Xăng là “ma túy”

Không khó để tìm thấy hình ảnh những cậu bé gầy gò tay cầm chai xăng thỉnh thoảng lại đưa lên mũi hít ở Thủ đô Luanda (Angola). Xăng là loại “ma túy” ưa dùng của trẻ em ở quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu châu Phi này. Việc mua xăng quá dễ dàng, với một chai có dung tích 500 ml được bán với giá 100 kwanza (gần 20.000 đồng) khiến tình trạng nghiện ngập gia tăng chóng mặt, có những con nghiện chưa tới 10 tuổi. Theo ước tính của Hiệp hội Chống lạm dụng ma túy Angola, khoảng 15% con nghiện ma túy vị thành niên lạm dụng xăng trước khi tìm đến cocaine và các loại ma túy khác.

Mới đây, cô gái người Mỹ tên Shannon đã xuất hiện trên kênh truyền hình TLC trong chương trình “Đam mê quái dị của tôi” và khiến khán giả đi hết từ ngạc nhiên này đến hoảng hốt khác. Nâng can đựng xăng màu đỏ lên trước máy quay, Shannon từ từ uống cạn can xăng một cách ngon lành. Shannon cho biết: “Khi uống xăng, tôi cảm nhận như từng dòng lửa đang chảy vào cuống họng mình. Lúc đầu, người tôi bị ngứa râm ran và sau đó cuống họng tôi nóng như lửa đốt”. Shannon cũng tự hào “khoe”, mỗi ngày cô uống đến 12 thìa xăng. Cũng theo ước tính của TLC, Shannon đã uống hết khoảng hơn 22 lít xăng trong năm 2012 vừa qua. “Mặc dù biết sở thích này cực độc hại, nhưng uống xăng khiến tôi cảm thấy thoải mái và phấn khích”, cô cho biết mình rất khoái liếm nắp bình hoặc tu trực tiếp từ can.

Còn tại Việt Nam, ở ấp 1, xã Bình Phong Thạnh (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), một cậu bé câm điếc bẩm sinh tên Hồ Văn Thạo từ lâu cũng có thói quen kỳ lạ: nghiện uống xăng. Theo lời kể của người thân và làng xóm, cứ đến tối là Thạo đi ngoài ruộng lấy cắp xăng từ các máy bơm nước của người ta uống. Sự việc này chỉ được phát giác khi lượng xăng bị mất đi nhiều, người dân mới quyết định rình bắt cho được “thủ phạm”. 

42 năm uống 1,5 tấn xăng 

Ông Chen Dejun, 71 tuổi, sống một mình trong một căn lều xập xệ trên một ngọn đồi ở Shuijiang (thuộc quận Nanchuan, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc) cho biết, mỗi tháng ông uống tới 3-3,5 kg xăng, vì tin nó sẽ giúp làm giảm cơn đau trong cơ thể. Ông Chen nói thật khó để tính chính xác lượng xăng mà ông đã nuốt vào người trong suốt cuộc đời, nhưng một tờ báo ở Trùng Khánh đưa tin ông có thể đã tiêu thụ khoảng 1,5 tấn xăng trong 42 năm qua.

Vợ của ông, bà Yuan Huibi, và 3 con trai đã rất nhiều lần cố ngăn thói nghiện của Chen nhưng mỗi lần như vậy chỉ khiến gia đình thêm căng thẳng. 8 năm trước, ông đã chuyển ra căn lều sống một mình. Về việc ông Chen uống xăng suốt 42 năm mà không hề nguy hiểm tới tính mạng, các bác sĩ tại Bệnh viện Honglou ở Trùng Khánh cho biết, đây là một việc mà người bình thường không chịu được, trong khi ông Chen lại có thể uống tới mức nghiện chứng tỏ cơ thể ông có khả năng chịu đựng đặc biệt. 

Cực độc

Do xăng là hóa chất công nghiệp nên các loại dung môi hữu cơ này cũng gây tác hại, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe. Nếu hít xăng trong thời gian ngắn có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây trầm cảm, ức chế hô hấp, tổn hại phổi, hại gan, thận, gây suy tủy xương, rối loạn nhịp tim, thoái hóa não, ảnh hưởng đến dây thần kinh ngoại biên. Nếu hít thường xuyên, lâu dài sẽ bị bệnh ung thư, những tổn thương nội tạng càng lớn.

Cũng như các chất gây nghiện khác, khi đã nghiện dung môi bay hơi, người nghiện sẽ luôn nhớ cảm giác do nó mang lại và phải tiếp tục sử dụng nó. Đến một lúc nào đó sử dụng liều cũ không còn “đã”, họ phải sử dụng liều cao hơn để đạt được cảm giác mong muốn. Dần dần họ trở thành “nô lệ” của chất gây nghiện này. Mẩn đỏ quanh miệng và mắt lờ đờ là những dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận ra người “phê” xăng. 

Cơ quan y tế bang New York đã đưa ra khuyến cáo với những người nghiện xăng: “Nguy cơ phá hủy các cơ quan nội tạng trong cơ thể là quá rõ vì trong xăng có chứa chì (Pb) tác động trực tiếp đến gan, thận và hệ thần kinh trung ương. Vì những lý do đó, sở thích quái dị này được cảnh báo là hết sức độc hại”.

Về chuyên khoa tâm thần thì người ta xếp vào chương F98 - ICD10 (bảng phân loại bệnh quốc tế) về các rối loạn không đồng nhất ở một số mặt, trong đó đề cập đến vấn đề rối loạn ăn uống xảy ra ở người.