“Nhường” nhau quản lý giá

ANTĐ - Tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Chính phủ, khi bàn về cơ chế quản lý giá thuốc trong dự thảo Luật Dược sửa đổi, Bộ Y tế đề nghị giao quyền quản lý giá thuốc cho Bộ Tài chính bởi Bộ này là cơ quan quản lý giá, có chuyên môn sâu, đảm bảo công khai minh bạch. Nếu để Bộ Y tế vừa quản lý, cấp phép, vừa sử dụng và quản lý giá sẽ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không đảm bảo tính công khai, minh bạch và khách quan.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Y tế muốn “nhường” thẩm quyền quản lý giá thuốc cho Bộ Tài chính. Trên diễn đàn Quốc hội cũng như trong một số hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế đã từng đề xuất ý kiến này và nhấn mạnh Bộ không đùn đẩy trách nhiệm mà muốn khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác thực tế. Sau 8 năm thực thi Luật Dược, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp quản lý giá thuốc, tổ chức đấu thầu, cấp phép; song vẫn tồn tại không ít hạn chế, vướng mắc và bộc lộ yếu kém như không có bộ phận chuyên quản lý giá, phân công chồng chéo, tình trạng giá thuốc trong các nhà thuốc bệnh viện cao hơn giá thị trường cũng như những “lình xình” trong việc đấu thầu giá giữa các bệnh viện… đã gây bức xúc dư luận. Bản thân Bộ trưởng Tài chính đề nghị Bộ Y tế tiếp tục “cầm trịch” quản lý giá thuốc, còn các bộ khác sẽ phối hợp thực hiện.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, suy cho cùng, tất cả vấn đề liên quan đến giá thuốc thì người bệnh đều phải chịu. Do vậy, về nguyên tắc không để Luật Dược sau khi ban hành mà giá thuốc lại tăng lên, phải đặt quyền lợi của người bệnh lên hàng đầu. Về đề xuất giao việc quản lý giá thuốc cho Bộ Tài chính, thoạt nghe rất đúng chức năng, nhưng lật lại vấn đề thì không ổn. Lý do là bởi thuốc có vô số thành phần, chủng loại với hàng vạn loại thuốc ngoại nhập, thuốc nội, Bộ Tài chính có bộ máy, nguồn lực và chuyên môn cũng không thể quản lý xuể. Vì vậy, ý kiến của ba Phó Thủ tướng đều nhất trí rằng, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm quản lý giá thuốc. Cần có cơ chế liên ngành, cần thành lập Hội đồng quản lý giá thuốc, trong đó chủ trì quản lý là Bộ Y tế, các bộ khác có trách nhiệm phối hợp. Khi có trường hợp đặc biệt thì phải áp dụng quy chế liên ngành quyết định, khi liên ngành đồng thuận thì mới được tăng giá. 

Khẳng định giá thuốc có tác động trực tiếp tới mọi người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thành lập Hội đồng hoặc Ủy ban quốc gia quản lý giá thuốc và cũng phải có một đầu mối chịu trách nhiệm. Bộ Y tế đưa ra các mức giá cụ thể, sau đó Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát. Thủ tướng phê bình Bộ Y tế để giá thuốc còn quá cao, làm cho người dân gặp khó khăn. Khi mua thuốc người dân có được mặc cả đâu; thuốc càng đấu thầu giá càng lên cao. Làm sao để kéo giá thuốc xuống, cần quản lý giá từ “gốc” chứ không phải từ “ngọn” như hiện nay.