Những vướng mắc cần được tháo gỡ

(ANTĐ) - Nạn đổ trộm đất, phế thải gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường vẫn là “bài toán” chưa có lời giải ở Hà Nội. Thực trạng trên tồn tại lâu nay phần do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn kém, chế tài xử phạt chưa nghiêm… song còn vì Thủ đô đang thiếu các bãi đổ, chôn lấp đất, phế thải.

Đấu tranh với nạn đổ trộm đất, phế thải:

Những vướng mắc cần được tháo gỡ

(ANTĐ) - Nạn đổ trộm đất, phế thải gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường vẫn là “bài toán” chưa có lời giải ở Hà Nội. Thực trạng trên tồn tại lâu nay phần do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn kém, chế tài xử phạt chưa nghiêm… song còn vì Thủ đô đang thiếu các bãi đổ, chôn lấp đất, phế thải.

“Núi” đất thải trên Đại lộ Thăng L ong (ảnh chụp ngày 6-11)
“Núi” đất thải trên Đại lộ Thăng L ong (ảnh chụp ngày 6-11)

Cung… không đủ cầu

Thời gian qua, nạn đổ trộm đất, phế thải đã bớt “nóng” ở nội đô, song hiện khá nhức nhối tại các huyện ngoại thành. Nạn “rác tặc” đang hoạt động mạnh ở các địa bàn như: phường Phú Thượng, Nhật Tân - quận Tây Hồ; gầm cầu Thanh Trì; địa bàn huyện Long Biên, Thạch Thất, Quốc Oai, thậm chí ngay ở Đại lộ Thăng Long... Những ngày qua, ai đi trên tuyến đường cao tốc hiện đại này cũng “choáng ngợp” bởi những dãy “núi” đất, phế thải xây dựng được đổ ngang dọc. “Núi” đất choán nửa phần đường khiến nhiều ô tô qua lại gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vào ban đêm. Tại tuyến đường gom của Đại lộ Thăng Long, do ít người và phương tiện qua lại buổi tối, các xe đổ trộm đất, phế thải ngang nhiên nâng ben trút đất xuống đường.

Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường cho biết: Một thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội hiện có trên 700 công trình xây dựng quy mô lớn (công trình có giấy phép xây dựng cao từ 7 tầng trở lên) và hàng nghìn công trình xây dựng dân sinh. Điều đó cho thấy nhu cầu chôn lấp, đổ đất, phế thải xây dựng ở Thủ đô là vô cùng lớn.

Song thực tế, toàn thành phố hiện mới có 6 bãi đổ đất, chôn lấp đất, phế thải tập trung ở: Vân Trì và Vân Nội - huyện Đông Anh; công viên Yên Sở; Đan Phượng; Hoài Đức… không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điển hình như bãi chôn lấp phế thải xây dựng tại huyện Hoài Đức và Đan Phượng, tổng diện tích tiếp nhận tại bãi đổ này khoảng 190.000m3, công suất tiếp nhận từ 150-200m3/ngày.

Trong khi đó, một dự án có mặt bằng 5.000m2, xây dựng hai tầng hầm sâu 7m, khối lượng bùn, đất thải phát sinh đã là 80.000m3-100.000m3. Tức, chỉ 2 công trình xây dựng quy mô đã lấp đầy bãi đổ ở huyện Hoài Đức và Đan Phượng - đại diện Phòng Cảnh sát môi trường tính toán.

Cán bộ này cho biết thêm: Quá trình kiểm tra đã ghi nhận nhiều chủ đầu tư công trình phải tự tìm điểm đổ đất, phế thải. Họ chủ động tìm kiếm và ký hợp đồng với một đơn vị được cơ quan Nhà nước giao đất, cấp đất xây dựng đang cần san lấp mặt bằng (thường là đất ao, hồ) để đổ đất.

Điều này đã nảy sinh mặt trái: những đơn vị có mặt bằng cần san lấp sẽ ký hợp đồng cùng lúc với nhiều chủ đầu tư công trình xây dựng phát sinh đất, phế thải để thu tiền, mặc cho lượng đất, phế thải vượt quá công suất tiếp nhận. Nạn đổ trộm đất phế thải sẽ bùng phát ở các khu vực xung quanh.

Lực lượng Công an và Thanh tra GTVT phối hợp xử lý một trường hợp vi phạm
Lực lượng Công an và Thanh tra GTVT phối hợp xử lý một trường hợp vi phạm

Chưa thể giải quyết dứt điểm

Việc quản lý, thu gom, vận chuyển đất, phế thải tại các công trình xây dựng lớn hiện được thực hiện khá tốt, bởi theo quy định, chủ đầu tư công trình đều phải có hợp đồng điểm đổ trước khi khởi công. Tuy nhiên, đất, phế thải phát sinh tại công trình xây dựng dân sinh hiện khó quản hơn cả, bởi hầu hết chủ công trình xây dựng không quan tâm đến việc lái xe thuê vận chuyển đổ đất ở đâu.

Hiện, chế tài xử lý hành vi đổ trộm đất, phế thải được quy định tại Nghị định 117/NĐ-CP ngày 31-12-2009 của Chính phủ về: xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ghi rõ: phạt tiền 5 triệu đồng đối với lái xe có hành vi đổ dưới 5m3 đất phế thải không đúng nơi quy định; phạt 8-12 triệu đồng nếu đổ từ 5-20m3; mức cao nhất là 200 triệu đồng khi đổ trên 500m3. Trường hợp chôn lấp trên 100m3 đất, phế thải trái phép, lực lượng chức năng có thể áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện. Chế tài là vậy, tuy nhiên, việc lực lượng chức năng phục kích, bắt giữ các xe đổ trộm phế thải rất khó khăn. Khi bắt quả tang xe trọng tải lớn đổ trộm, các lực lượng cũng chỉ xử phạt hành chính được từ 8-12 triệu đồng.

Nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các địa phương, chắc chắn nạn đổ trộm đất, phế thải sẽ từng bước được đẩy lùi.

Thu Hạnh