Những vùng đất bị "trời hành" - Kỳ 1

(ANTĐ) - Năm nào cũng vậy, cứ mỗi mùa mưa đến là người dân xã Cổ Dũng huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương lại nháo nhác lên với lũ trẻ. Chị Nguyễn Thị Chuyên tay thoăn thoắt thu đống quần áo trên dây phơi miệng sa sả quát mấy đứa nhỏ vẫn đang tha thẩn chơi ngoài cổng: “Vào ngay, vào ngay, coi chừng “Ông” đánh chết hết cả lũ bây giờ”.

Những vùng đất bị "trời hành" - Kỳ 1

(ANTĐ) - Năm nào cũng vậy, cứ mỗi mùa mưa đến là người dân xã Cổ Dũng huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương lại nháo nhác lên với lũ trẻ. Chị Nguyễn Thị Chuyên tay thoăn thoắt thu đống quần áo trên dây phơi miệng sa sả quát mấy đứa nhỏ vẫn đang tha thẩn chơi ngoài cổng: “Vào ngay, vào ngay, coi chừng “Ông” đánh chết hết cả lũ bây giờ”.

Anh Nguyễn Quý Thư bên di ảnh của vợ là nạn nhân của sét
Anh Nguyễn Quý Thư bên di ảnh của vợ là nạn nhân của sét

Như gà phải cáo,  bọn trẻ răm rắp chạy vào nhà. Đã nhiều năm nay cái từ “Ông” ở nơi đây trở thành một sự ám ảnh đối với người lớn và là một thứ “ba bị” để người ta đe nẹt trẻ con. Ấy là bởi “Ông” chính là những cái chết từ trên trời rơi xuống.

Khi trời nổi giận

Chồng chị Chuyên - ông Nguyễn Quý Chính, nguyên là Bí thư chi bộ, cựu trưởng thôn Bắc, ngửa mặt nhìn lên bầu trời đen kịt, vần vũ những đám mây màu xám nặng trĩu nói như than: “Vào những lúc như thế này, có "các vàng" chúng tôi cũng chẳng dám thò mặt ra đường.

Dù công việc có gấp đến mấy thì cũng phải đợi, thà chậm ít lâu còn hơn là... chết”. Từ nhiều năm nay chuyện bị sét đánh khi mùa mưa tới với những người dân ở đây đã trở thành “chuyện thường ngày ở xã”. Và bên cạnh những vụ tai nạn người bị sét đánh chết, còn vô số những câu chuyện được thêu dệt đến nay vẫn chưa có lời giải.

Cổ Dũng là một xã nhỏ nằm cách cầu Lai Vu khoảng 2km theo hướng đi Hải Phòng. Cả xã chỉ có 3 thôn mang tên Bắc, Đông và Giữa. Tuy thế, nhưng nơi đây lại được mệnh danh là cái rốn của sét. Không hiểu tại sao khoảng hơn chục năm đổ lại, sét cứ “nhè” vào khu vực này mà đánh.

Không có thống kê chính xác, nhưng mỗi mùa mưa đi qua, người dân ở đây phải “nhận” tới hàng chục vụ thiệt hại vì sét. Cũng như bao vùng quê khác, Cổ Dũng nằm trên một địa hình hết sức bằng phẳng.

Những thửa ruộng cũng được người dân canh tác khá lâu đời, nhưng ngạc nhiên là trên khắp những cánh đồng bát ngát của Cổ Dũng gần như không có bóng dáng một cây cổ thụ nào tồn tại. Ông Chính cho biết, trước đây mỗi khi trời đổ mưa bà con nông dân vẫn tìm chỗ trú ngay trên cánh đồng như bao vùng quê khác mà chẳng phải e ngại điều gì.

Thế nhưng bắt đầu từ khoảng những năm 90, khi hàng chục vụ sét đánh liên tiếp xảy ra, có vụ đánh chết người hết sức thương tâm thì người dân bắt đầu hoảng sợ. Lạ một điều, ngay tại các xã lân cận mức độ “thiên lôi nổi giận” cũng ít hơn nơi đây rất nhiều. Và cũng vì thế, người dân chỉ có duy nhất một cách phòng tránh là mỗi khi thấy mây đen từ rất xa thì chẳng ai bảo ai đều nhanh chân đi tìm chỗ trú.

Thời gian gần đây, những vụ tai nạn do sét đánh vào người đã có phần giảm đi, nhưng không vì thế mà mật độ sét giáng xuống Cổ Dũng ít hơn chút nào. Khi không tìm được người, “thiên lôi” lại bắt đầu chọn địa điểm hành sự ngay tại các công trình dân dụng, đó là đánh thẳng vào trong làng.

Không ít gia đình bị sét đánh vào mái nhà hay cây cối trong vườn. Và thế là cho dù đã có nơi trú ẩn an toàn, người dân nơi đây vẫn luôn phải nơm nớp sống trong sự lo âu.

Những nạn nhân

Theo ông Nguyễn Khắc Nghiệp - Chủ tịch UBND xã, nạn nhân đầu tiên của Cổ Dũng được ghi nhận bị tử vong do sét đánh là ông Nguyễn Thế Chốn 50 tuổi. Ông Chốn bị nạn trong hoàn cảnh nào không một ai biết rõ, chỉ hay rằng, sáng sớm khi bà con đi làm đồng thì phát hiện ông nằm trên bờ sông Tường Vu của thôn Bắc toàn thân cháy đen thui.

Ban đầu người dân còn cho rằng ông bị mưu sát. Nhưng kết quả khám nghiệm tử thi chỉ ra không phải như vậy. Các bác sĩ kết luận, nạn nhân bị tử vong từ khoảng 5h chiều hôm trước và một tia sét cực mạnh là nguyên nhân gây ra vụ án thương tâm này.

Ngay ngày hôm sau kết luận này được bà con thôn Bắc đồng tình vì tại hiện trường sau đó hơn 2 sào lúa cùng gần chục cây bạch đàn đã bị chết khô. Điều đó chứng tỏ luồng sét rất mạnh tác động đến cả môi trường xung quanh. Vào thời điểm đó, cái chết của ông Chốn không được coi như một sự cảnh báo vì đây là trường hợp cá biệt...

Sau ông Chốn, thiên lôi bắt đầu làm giàu cho bảng danh sách tử thần của mình bằng tính mạng của chị Nguyễn Thị Tươi, 25 tuổi. Điều trùng hợp là cũng như ông Chốn, chị Tươi bị sét đánh khi về đến khu Quán Cổng chỉ cách làng còn vài trăm mét và thời điểm cũng là khoảng 5h chiều. Kinh khủng hơn, chỉ sau đám ma chị Tươi được một tuần, chị Nguyễn Thị Trúc ở đội 3 không ngờ rằng mình sẽ là nạn nhân tiếp theo.

 Cái chết của người bạn gái mà chị Trúc vừa đi đưa tang cách đó không lâu khiến chị rảo bước nhanh hơn khi thấy cơn mưa đang sầm sập tới. Nhưng có lẽ “thiên lôi” đã đưa chị vào “vòng ngắm” từ lâu nên chỉ vừa kịp qua khu Quán Cổng, “Ông” đã bắt kịp chị ngay tại khu Đồng Chu. Lúc đó cũng là 5h chiều.

Theo lời nhân chứng Nguyễn Thị Thìu kể lại thì chỉ thấy một ánh chớp xanh lè bổ ngay xuống trước mặt và nạn nhân gục ngã tại chỗ. Đến tận giờ này, anh Nguyễn Quý Thư vẫn còn bàng hoàng về cái chết oan nghiệt của vợ: “Chúng tôi cũng không thể hiểu nổi tại sao ở Cổ Dũng lại liên tiếp có những vụ việc kỳ dị liên tiếp xảy ra như vậy. Vấn đề bị tai nạn do sét không phải là ít, nhưng nhiều và trùng lặp về thời gian thì chưa thấy nơi nào giống như thế”.

Chưa dừng lại ở đó, thôn Bắc tiếp tục tăng dần số nạn nhân, đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Độ ở đội 1. Ông Nguyễn Khắc Quyền, hiện là trưởng thôn Bắc kể lại sự việc trong sự kinh hãi: “Lúc đó vẫn là khoảng 5h chiều khi cơn mưa đen kịt sắp ập tới, bà con thôn Bắc lũ lượt kéo nhau chạy về.

Những cái chết liên tiếp kia làm họ thực sự hoảng sợ và ai cũng muốn chạy về nhà thật nhanh. Lúc này chị Độ cùng một người bạn cũng vừa vượt qua khu Quán Cổng đến khu Đồng Bái cũng chỉ còn cách làng độ vài trăm mét. Và lưỡi tầm sét oan nghiệt đã nhanh hơn bước chân của chị. Theo lời người bạn đi cùng, thậm chí họ còn nghe thấy tiếng hét lạc giọng của chị trước khi chết. 

Theo ông Quyền, hầu hết những nạn nhân của bị sét đánh đều giống nhau ở một điểm đó là trên cơ thể phần đầu hoặc cổ xuất hiện những lỗ thủng rất nhỏ bằng đầu đũa. Đây là điểm được coi là nơi sét đánh vào, vết thương này sau đó được phá ra ở phần bụng nhưng với mức độ lớn hơn khoảng bằng miệng chén. Tất cả nạn nhân đều tím đen giống hệt như bị tai nạn do điện giật. Tuy nhiên, phần lớn thời gian bị nạn đều giống nhau đó là vào lúc nhập nhoạng chiều.

Sau thôn Bắc, thần sét bắt đầu đưa lưỡi búa của mình sang thôn Đông rồi thôn Giữa, con số nạn nhân bắt đầu tăng lên. Đối với người dân Cổ Dũng nó thực sự là một nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Chưa có lời giải

Cho dù những con số về thiệt hại về người và tài sản vẫn không ngừng gia tăng, nhưng đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu chính thức nào về hiện tượng tập trung mật độ sét dày đặc tại xã Cổ Dũng. Nhiều người dân ở đây tỏ ra am hiểu khoa học thì cho rằng, việc thiên lôi “cứ nhằm Cổ Dũng mà nện” có thể là do vùng đất này đã bị nhiễm từ trường hoặc bản thân nó có một cấu tạo địa chất đặc biệt và sinh ra một trường điện từ hấp dẫn với mây dông.

 Do đó mỗi khi có mưa thì điện tích được phóng xuống đây liên tiếp. Và những nạn nhân như đã nói ở trên chỉ là nạn nhân tình cờ của hiện tượng này. Nhưng cũng có người lại đưa ra nhận định theo kiểu suy đoán rất “điện lực”: Hay là dưới lòng đất Cổ Dũng có mỏ kim loại quý nên nó trở thành chất dẫn điện mỗi khi có sét. Và cũng bởi thế, thiên lôi mới ưu tiên hạ lưỡi búa xuống vùng này nhiều hơn hẳn các địa bàn lân cận.

Tuy thế, nhưng những người duy tâm độc miệng thì bảo: Ôi giời, có tội thì trời phạt, thế thôi. Chắc là vùng đất ấy “độc” nên mới xảy ra nhiều cơ sự như vậy. Tất cả suy đoán này hiện vẫn nằm trong mớ bòng bong.

Theo ông Nguyễn Khắc Quyền thì hiện tượng ở Cỗ Dũng không thể đổ cho những lý do như vậy bởi nó chỉ gia tăng bắt đầu từ những năm 90 trở lại đây. Cố nhiên là, từ thời các cụ cũng có ghi nhận một vài trường hợp bị tai nạn do sét nhưng không đến mức gây hoang mang và nhiều như hiện tại.

Cũng theo ông Quyền, sét ở Cổ Dũng thường đánh theo vệt dọc theo đê Văn Úc bắt đầu từ địa phận xã Cộng Hòa về đến Cổ Dũng. Có thể do đây là dải đê tương đối cao (8 mét tính từ chân mặt nước) nên đã tạo thành một dải chắn luồng không khí chuyển động mạnh trong mưa dông khiến cho mây dông bay đến đây thì chững lại.

Việc bị giảm tốc độ đột ngột như thế khiến cho các đám mây mang điện tích khác nhau bị va chạm và sinh ra sét đánh thẳng xuống đất dọc theo vệt đê này. Tuy thế nhưng giải thích này vẫn không tỏ ra thuyết phục bởi gần đây, khi không “săn” được người dọc theo vệt đê nọ thì thiên lôi đã “chuyển địa bàn hoạt động” vào trong làng. Điều này chứng tỏ dải đê dù có cao tới 8 mét kia vẫn không phải là nguyên nhân gây ra sét.

Nhận định dựa trên những hiện tượng và vụ việc đã từng xảy ra, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh - Trưởng phòng Vật lý khí quyển, Viện Vật lý địa cầu - Viện Khoa học và công nghệ VN cho biết: Vấn đề sét đánh với mức độ dày ở Cổ Dũng mà người dân cho là huyền bí và khó hiểu cần được khảo sát và nghiên cứu dưới nhiều góc độ địa chất, địa lý và khí quyển...

Cũng không loại trừ khả năng Cổ Dũng là một xác suất lớn về sự thay đổi của khí quyển, khí hậu. Tuy nhiên, để có đánh giá chính xác thì cần phải tiến hành một nghiên cứu cụ thể tại đây trong nhiều năm.

Hồng Tú Cầu

(Còn tiếp)