Những vụ tin tặc tấn công mạng sân bay trên thế giới

ANTĐ - Tấn công từ chối dịch vụ, chiếm quyền điều khiển thông tin… là hai trong rất nhiều kiểu tin tặc tấn công mạng sân bay trên thế giới. Trong những trường hợp này, tổn thất tài chính cũng như uy tín đối với sân bay và hãng hàng không là không hề nhỏ, thậm chí dẫn đến những tai nạn cực kỳ nghiêm trọng. 

Các vụ tin tặc gây thiệt hại cho nhiều sân bay. Ảnh minh họa

Hồi tháng 11-2015, các hành khách đến hoặc đi từ sân bay quốc tế Đào Viên của Đài Loan đã bị sốc khi màn hình ti vi trong một số khu vực chờ phát các đoạn video khiêu dâm. Một đối tượng không rõ danh tính đã xâm nhập vào các màn hình của sân bay sử dụng một ứng dụng mang tên SideShow TV thông qua Wifi miễn phí tại sân bay, rồi phát những đoạn video khiêu dâm trên các màn hình lớn. Kể từ đó, sân bay quốc tế Đào Viên đã khắc phục các lỗ hổng an ninh mạng, khiến tin tặc không thể gây ra sự cố tương tự.

Majd Oweida bị truy tố tội xâm nhập hệ thống máy tính tại sân bay Israel

Tòa án quận Beersheba ở miền Nam Israel ngày 23-3-2016 đã truy tố Majd Oweida, 22 tuổi, người Palestine tội đánh cắp thông tin từ máy bay không người lái (UAV) của quân đội Israel và đột nhập hệ thống máy tính tại sân bay quốc tế Ben-Gurion.

Theo bản cáo trạng, Oweida, một hacker trong phong trào Thánh chiến Hồi giáo của Palestine, đã phát triển phần mềm cho phép truy cập vào các hình ảnh mà UAV trinh sát Israel chụp trong thời gian thực.

Để bắt được sóng từ các UAV, anh ta sử dụng thiết bị thông tin liên lạc vệ tinh mua từ Mỹ, theo Shin Bet, cơ quan an ninh nội địa Israel. Bên cạnh đó, Oveydu còn bị cáo buộc đã đột nhập hệ thống máy tính sân bay Ben Gurion ở ngoại ô Thủ đô Tel Aviv để thu thập thông tin hành khách và các chuyến bay dân dụng.

Vụ tấn công mạng của Oveydu đã bị Israel ngăn chặn và anh ta bị bắt giữ hồi tháng 2 vừa qua khi đang trên đường đi gặp một nhóm thanh niên Palestine tham gia chương trình truyền hình thực tế “Arabs Got Talent”.

Cục Hàng không dân dụng Anh mới đây cũng phát cảnh báo an toàn về một mối đe dọa mới đối với hành khách: đó là các hacker chiếm tần số kiểm soát không lưu và đưa ra các chỉ dẫn giả mạo cho phi công.

Số lượng các sự cố trong đó hacker tìm cách đột nhập các tần số được sử dụng bởi các trạm kiểm soát không lưu Anh rồi đưa ra hướng dẫn sai cho các phi công, hoặc phát tín hiệu cầu cứu giả mạo, đang gia tăng đáng báo động.

Rất may, trong tất cả những trường hợp này, phi công đã xác định được rằng các chỉ dẫn cho họ là giả mạo. Nhưng nếu phi công không xác định được như vậy, tính mạng của họ cũng như những hành khách trên máy bay có thể đã bị đe dọa nghiêm trọng.

Để ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra, theo Cục Hàng không dân dụng Anh, các phi công được yêu cầu đọc lại các chỉ dẫn cho nhân viên kiểm soát không lưu, từ đó những nhân viên này có thể phát hiện nếu thông tin đưa ra mâu thuẫn nhau.

Không chỉ tại Anh, ở Mỹ cũng xảy ra một số sự cố tương tự. Hồi tháng 4-2014, phi công điều khiển một chuyến bay của hãng USAir đến gần sân bay quốc gia Reagan ở Washington thì nhận được yêu cầu chuyển hướng hạ cánh...

Sau sự cố, người ta mới nhận ra tần số phi công sử dụng đã bị tin tặc xâm nhập. “Đây là hành động tội phạm có thể dẫn đến một vụ tai nạn nghiêm trọng”, Richard Dawson, Chủ tịch Hiệp hội các nhân viên kiểm soát không lưu Anh nói.

Tuy nhiên, việc điều tra gặp nhiều khó khăn do bọn tin tặc sử dụng các thiết bị di động và khó bị theo dõi. Tại Mỹ, việc can thiệp vào hướng kiểm soát không lưu có thể bị phạt lên đến 5 năm tù.

Báo Mirror cho biết, tháng 6 năm nay, Paul Dixon, 22 tuổi, người Anh, đã bị cáo buộc tấn công website hãng hàng không British Airways, khiến hãng bay phải ngừng hoạt động trong một giờ.

Theo công tố viên Jim Hope, vụ việc đã khiến website British Airways mất khoảng 100.000 bảng doanh thu, và ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng.

Sân bay quốc tế Boryspil (Ukraine) từng bị tấn công mạng ồ ạt

Ngày 18-1-2016, người phát ngôn quân đội Ukraine cho biết, sân bay lớn nhất nước này phải hứng chịu một cuộc tấn công mạng ồ ạt. Theo đó, một mã độc đã được tìm thấy trong hệ thống máy tính của sân bay quốc tế Boryspil.

Báo The Independent cho biết, mỗi năm sân bay này có đến 17 triệu lượt khách và việc hệ thống máy tính bị tấn công có thể khiến mọi chuyện trở nên hỗn loạn vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tháng 6-2015, hơn 1.400 hành khách ở sân bay Chopin, Ba Lan, đã bị trễ chuyến do các máy tính bị hacker chiếm quyền điều khiển. Khi đó, các máy tính của bộ phận mặt đất dùng để lên kế hoạch bay bị chiếm quyền khiến 10 chuyến bay buộc phải hủy và hơn 10 chuyến khác bị trễ. Sự việc được khắc phục sau 5 giờ.

Hồi tháng 11 năm ngoái, website của Sân bay Quốc tế Norwich (Anh) cũng bị tấn công chỉ trong 2-3 phút. Trả lời BBC, hacker có biệt danh His Royal Gingerness (HRG) cho biết, mục đích của anh ta chỉ là chứng minh website này dễ bị xâm nhập. Sau vụ việc trên, đại diện sân bay cho biết đã thực hiện các thay đổi cần thiết để đảm bảo an ninh.

Trong khi đó, tại Ai Cập, mối lo ngại gia tăng sau khi các hacker tìm cách vô hiệu hóa thiết bị điện tử máy bay tại sân bay Cairo.

Theo đó, tin tặc có thể làm gián đoạn hoạt động của thiết bị điện tử được máy bay sử dụng trong quá trình tiếp đất thông qua “thiết bị phá sóng định vị GPS”.

Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một chiếc máy bay của hãng hàng không Egyptair chở 66 hành khách bị rơi khi đang trên hành trình từ Paris tới Cairo hồi tháng 5 vừa qua.

Thiết bị này có thể mua được trên Internet với giá chưa đầy 80 bảng Anh. Chúng dùng để vô hiệu hóa hệ thống điều hướng của các hãng bay, và các phần mềm bản đồ trên điện thoại di động. Năm 2004, thiết bị này được cho là cũng gây ra vấn đề cho hàng loạt sân bay tại Anh như Heathrow, Stansted và Gatwick.