Những vũ khí nổi bật tại Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2022 diễn ra từ ngày 8/12 đến ngày 10/12 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội đã trưng bày nhiều loại vũ khí uy lực, nổi bật.

Trong khuôn khổ triển lãm, Quân đội nhân dân Việt Nam và các khách mời quân đội quốc tế đã mang tới nhiều loại vũ khí nổi bật, có tính năng kỹ chiến thuật rất tiên tiến, dưới đây là một số chủng loại tiêu biểu.

Tiêm kích Su-30MK2

Biên đội tiêm kích Su-30MK2 thả mồi bẫy nhiệt

Biên đội tiêm kích Su-30MK2 thả mồi bẫy nhiệt

Nổi bật nhất trong số các phương tiện tác chiến là tiêm kích Su-30MK2, khi biên đội máy bay phản lực của Không quân Việt Nam trình diễn điêu luyện trên bầu trời.

Tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam là sản phẩm của tổ hợp Komsomolsk-on-Amur, có khá nhiều khác biệt so với Su-30SM hay Su-30MKI do Irkutsk sản xuất. Cụ thể, máy bay được trang bị tổ hợp ngắm bắn đa nhiệm SUV-VEP bao gồm radar N001 và trạm quang điện tử OLS-30, có phạm vi tìm kiếm mục tiêu trên không khoảng 150 km, phát hiện tàu sân bay và xuồng cao tốc từ cự ly tương ứng 250 km và 70 km.

Radar của Su-30MK2 có thể theo dõi 10 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt 2 mục tiêu (1 xa 1 gần) cùng lúc. Động cơ trang bị cho Su-30MK2 là AL-31F không có kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều như AL-31FP cùng với kết cấu không có cánh mũi khiến khả năng không chiến quần vòng hạn chế hơn Su-30SM khá nhiều. Tuy vậy động cơ này lại có ưu điểm là tuổi thọ cao hơn hẳn, rất thích hợp với một chiếc máy bay chiến đấu đa năng thiên về cường kích đánh biển.

Máy bay vận tải C-295M

Máy bay vận tải hạng nhẹ C-295M của Lữ đoàn 918 - Đơn vị chủ nhà

Máy bay vận tải hạng nhẹ C-295M của Lữ đoàn 918 - Đơn vị chủ nhà

EADS CASA C-295M là máy bay vận tải quân sự chiến thuật hạng nhẹ 2 động cơ cánh quạt do Airbus Military chế tạo. C-295 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 28/11/1997, chính thức ra mắt năm 2001, hiện tại nhà sản xuất đã bán được hơn 100 phi cơ loại này.

So với thế hệ vận tải cơ cũ của Việt Nam là chiếc An-26 thì tải trọng của C-295M cao gần gấp đôi, lên tới 9.250 kg, hoặc có thể mang theo 71 binh sĩ trong khoang, cho dù kích thước giữa chúng là tương đồng.

Máy bay được sản xuất theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu nên các trang thiết bị điện tử, hệ thống điều khiển… đều rất hiện đại. Động cơ cánh quạt 6 lá PW127G của C-295M do Pratt & Whitney Canada sản xuất có độ ồn thấp và hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu cao. Quãng đường cất - hạ cánh yêu cầu của C-295M chỉ là 670 - 320 m.

Tổ hợp phòng không Pechora-2TM

Bệ phóng tên lửa của tổ hợp phòng không Pechora-2TM

Bệ phóng tên lửa của tổ hợp phòng không Pechora-2TM

Dự án cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không Pechora S-125 và tăng hạn sử dụng đạn tên lửa được triển khai thực hiện từ năm 2008 với mục tiêu tăng khả năng bám bắt mục tiêu, giảm thời gian triển khai khí tài, đặc biệt là chống nhiễu phức tạp.

Nhằm đảm bảo khả năng chiến đấu cũng như tính năng kỹ chiến thuật của S-125, Việt Nam đã hợp tác với công ty Tetraedr của Belarus để nâng cấp S-125 Pechora lên chuẩn S-125-2TM (Pechora-2TM).

Gói nâng cấp này chủ yếu tập trung vào cải tiến radar điều khiển hỏa lực, trang bị ăng ten mảng pha, bổ sung phầm mềm lái tự động và bộ vi xử lý mới. Radar nâng cấp cho phép cung cấp kênh dẫn hướng cho 2 tên lửa tấn công mục tiêu cùng lúc. Sau khi nâng cấp, cự ly phát hiện mục tiêu của S-125-2TM tăng lên 100 km (so với 80 km trước đó), độ cao tối đa phát hiện mục tiêu đạt 25 km (so với 18 km phiên bản cũ).

Tên lửa đánh chặn của S-125-2TM có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với vận tốc 900 m/s ở cự ly 35 km (trước hiện đại hóa chỉ chống được mục tiêu bay với vận tốc 700 m/s, cự ly 25 km). Khả năng kháng nhiễu của hệ thống đạt 2.700 W/MHz (vượt trội so với trước khi nâng cấp là 24 W/MHz), thời gian triển khai chiến đấu chỉ mất 20 phút.

Tổ hợp phòng không SPYDER

Xe mang phóng tự hành của tổ hợp phòng không SPYDER

Xe mang phóng tự hành của tổ hợp phòng không SPYDER

SPYDER (Surface-to-air PYthon and DERby) là hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung tiên tiến do Công ty Thiết bị quốc phòng Rafael của Israel nghiên cứu và phát triển. Hệ thống được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu đường không như máy bay, tên lửa hành trình, UAV... trong mọi thời gian và điều kiện thời tiết, SPYDER có khả năng phản ứng rất nhanh trước các mối đe dọa.

Toàn bộ thành phần của hệ thống (từ radar cho tới bệ phóng) đều đặt trên khung gầm xe tải việt dã bánh lốp (với nhiều cấu hình lựa chọn khác nhau), cho độ cơ động rất cao. SPYDER nằm trong xu thế trang bị tên lửa không đối không cho hệ thống phòng không mặt đất và chiến hạm đang rất thịnh hành trên thế giới.

Hệ thống SPYDER hiện có 2 biến thể là tầm ngắn SPYDER-SR và tầm trung SPYDER-MR, sử dụng 2 loại tên lửa đánh chặn Python-5 và Derby cũng do Công ty Rafale chế tạo.

Đối với phiên bản SPYDER-SR, tên lửa được phóng đi từ bệ phóng nghiêng với tầm bắn tối đa 15 km, tối thiểu 1 km, độ cao tấn công mục tiêu từ 20 m đến 9 km. Radar dẫn đường cho hệ thống SPYDER-SR là Elta EL/M 2106 ATAR 3D.

Còn với phiên bản SPYDER-MR, tên lửa được gắn thêm bộ phận khởi tốc ở đuôi và phóng đi từ bệ phóng thẳng đứng với tầm bắn tối đa 35 km và trần bay diệt mục tiêu là 16 km. Ngoài ra hệ thống SPYDER-MR còn được trang bị radar EL/M-2084 có tính năng cao hơn EL/M 2106.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud-B

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud-B của Việt Nam

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud-B của Việt Nam

Scud là loại tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn rất nổi tiếng được Liên Xô phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và xuất khẩu rộng rãi tới nhiều quốc gia đồng minh trên thế giới.

Tên chính thức của loại tên lửa nói trên là R-11 (đây là định danh cho phiên bản đầu tiên), sau đó R-17, R-300 Elbrus là những phiên bản cải tiến được phát triển trong khoảng thời gian sau này.

Thông số cơ bản của tên lửa R-17 (Scud B - phiên bản phổ biến nhất) bao gồm: chiều dài 11,25 m; đường kính 0,88 m; trang bị động cơ nhiên liệu lỏng Isayev RD-21 cho tầm bắn 300 km, vận tốc 1,7 km/s, sai số 300 m.

Trọng lượng phóng của tên lửa Scud-B lên tới 5.900 kg, nó mang theo đầu đạn thông thường nặng 1 tấn hoặc đầu đạn hạt nhân đương lượng nổ 80 kT, tạo ra sức công phá cực kỳ đáng nể, cho dù độ sai lệch là tương đối lớn.

Những phiên bản sau này của tên lửa Scud như Scud-C và Scud-D đã nâng tầm bắn từ 300 km lên thành 500 - 700 km và hạ thấp vòng tròn sai số xuống chỉ còn khoảng dưới 100 m so với trên 300 m của phiên bản đầu. Mặc dù vậy, để làm được điều này thì tên lửa cũng phải chấp nhận rút bớt trọng lượng đầu đạn, tuy nhiên độ chính xác nâng cao đáng kể khiến đây là sự đánh đổi rất đáng giá.

Tổ hợp tên lửa chống hạm 4K44B Redut-M

Xe mang phóng và xe nạp đạn của tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển 4K44B Redut-M

Xe mang phóng và xe nạp đạn của tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển 4K44B Redut-M

4K44B Redut-M chính là một trong những hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển có tầm bắn xa nhất hiện nay của Hải quân Việt Nam. Với tên lửa chống hạm P-35B Shaddock, tổ hợp này đủ khả năng bao quát vùng biển có chiều dài lên tới trên 500 km.

Tên lửa chống hạm P-35B có kích thước rất lớn với chiều dài 10,2 m, đường kính thân gần 1 m, sải cánh 2,6 m, trọng lượng phóng 4,5 tấn, mang theo đầu đạn nặng 800 kg, vận tốc tối đa Mach 1,4 và tầm bắn lên tới 460 km.

P-35B Shaddock sử dụng phương thức dẫn đường quán tính có hiệu chỉnh trong giai đoạn đầu kết hợp với radar chủ động ở giai đoạn cuối. Sau khi phóng, tên lửa cập nhật tham số mục tiêu thông qua máy bay trinh sát hoặc tiêm kích để tăng độ chính xác.

Có thông tin cho biết khi không có máy bay chỉ thị mục tiêu, đạn tên lửa sẽ chuyển sang “chiến thuật bầy sói”. Được phóng loạt từ 2 quả trở lên, một trong số đó bay cao hơn so với các tên lửa khác (4.000 - 7.000 m).

Tên lửa này sẽ chỉ thị mục tiêu cho các tên lửa còn lại để cùng tấn công trong một loạt đạn lớn. P-35B có độ cao hành trình 100 - 400 m, giai đoạn cuối hạ thấp độ cao xuống dưới 100 m và sẽ chui xuống nước cách mục tiêu từ 10 - 20 m rồi phát nổ để gia tăng thiệt hại.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S của Quân đội Việt Nam

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S của Quân đội Việt Nam

Trong năm 2017, truyền thông Nga đăng tải thông tin cho biết Quân đội nhân dân Việt Nam đã ký hợp đồng đặt mua 64 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S trong đó bao gồm cả loại xe tăng chỉ huy T-90SK, đây là phiên bản có chức năng kỹ chiến thuật tương đương biến thể nội địa T-90A và T-90K trong biên chế Quân đội Nga.

Xe tăng T-90S được trang bị pháo nòng trơn 125 mm 2A46-M5 cỡ 125 mm với hệ thống nạp đạn tự động, xe được bao phủ bởi giáp composite độ bền cao đi kèm với giáp phản ứng nổ Kontakt 5 bên ngoài, giúp nó chống lại được cả đạn xuyên động năng lẫn đạn xuyên lõm.

Ngoài ra xe còn có hệ thống phòng vệ Shtora-1 với đèn nhiễu OTShU-1-7 rất nổi bật, khí tài này có tác dụng “đánh lừa” đầu dò của tên lửa chống tăng thế hệ 2. Động cơ V-92S2 của T-90S có công suất 1.000 mã lực, cho tốc độ tối đa 60 km/h.

So với T-90S thì phiên bản xe tăng chỉ huy T-90SK được trang bị thêm nhiều khí tài thông tin liên lạc hơn, bên cạnh đó là bổ sung máy phát điện phụ trợ (APU) để chạy các thiết bị điện tử mà không cần bật động cơ chính.

Pháo tự hành 2S3 Akatsiya

2S3 Akatsiya là một trong những pháo tự hành bánh xích mạnh nhất của Quân đội Việt Nam

2S3 Akatsiya là một trong những pháo tự hành bánh xích mạnh nhất của Quân đội Việt Nam

2S3 Akatsiya là hệ thống pháo tự hành cỡ nòng 152 mm do Liên Xô nghiên cứu chế tạo từ năm 1968 nhằm đối phó với loại M109 Paladin của Mỹ, nó có tính năng kỹ chiến thuật khá tương đương so với đối thủ.

Kết cấu của 2S3 gồm khung gầm dựa trên cơ sở xe mang phóng tự hành 2P24 của tổ hợp tên lửa đất đối không SA-4 Krug, tuy nhiên đã rút bỏ một hàng bánh chịu lực. Khối lượng chiến đấu của 2S3 Akatsiya lên tới 28.000 kg.

Pháo chính của 2S3 là loại D22 cỡ 152,4 mm có chiều dài nòng gấp 27 lần đường kính (L/27) được phát triển dựa trên lựu pháo xe kéo D20, có tầm bắn tối đa 18,5 km với đạn thường hoặc lên tới 24 km khi sử dụng đạn tăng tầm.

Trong trường hợp hạ nòng bắn trực xạ, đạn HEAT-FS 152 mm của 2S3 có thể xuyên qua 250 mm thép đồng nhất (RHA) từ cự ly 3 km. Phiên bản nâng cấp mới nhất của 2S3 với mã định danh 2S3M3 có khả năng bắn cả đạn dẫn đường laser Krasnopol với độ chính xác rất cao.

Tên lửa hành trình chống hạm PJ-10 BrahMos

Tên lửa hành trình chống hạm PJ-10 BrahMos tại khu trưng bày trong nhà

Tên lửa hành trình chống hạm PJ-10 BrahMos tại khu trưng bày trong nhà

Tên lửa hành trình chống hạm siêu âm PJ-10 BrahMos được phát triển dựa trên sự hợp tác nghiên cứu giữa NPO Mashinostroeyenia của Nga và Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO).

Được xây dựng dựa trên nguyên mẫu P-800 Oniks/Yakhont của Nga, tên lửa BrahMos có hình dáng bên ngoài và kích thước khá tương đồng với chiều dài 8,4 m; đường kính thân 0,6 m; trọng lượng phóng 3.000 kg.

Tên lửa BrahMos có thể triển khai từ nhiều nền tảng khác nhau, bên cạnh phiên bản phóng từ tàu mặt nước, tàu ngầm, xe tải thì Ấn Độ còn đang thử nghiệm biến thể phóng từ trên không. Các phiên bản BrahMos-A trang bị cho tiêm kích Su-30MKI (trọng lượng 2.500 kg) và BrahMos-M (BrahMos mini) được đánh giá là những tên lửa không đối hạm uy lực hàng đầu hiện nay.

Với tầm bắn 290 km, vận tốc lớn nhất Mach 3, mang theo đầu đạn bán xuyên giáp trọng lượng 300 kg, tên lửa BrahMos có thể dễ dàng nhấn chìm khu trục hạm 8.000 tấn chỉ bằng 1 phát bắn. Gần đây, Nga và Ấn Độ còn ký kết thêm điều khoản mở rộng tầm bắn của tên lửa BrahMos lên mức tương đương với P-800 Oniks, tức là đạt tới con số 600 km.

Tên lửa chống tăng Spike

"Gia đình" tên lửa chống tăng Spike

"Gia đình" tên lửa chống tăng Spike

Spike là một gia đình tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) do Công ty Rafael Advanced Systems của Israel nghiên cứu phát triển từ cuối thập niên 1980 nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tình hình mới. Spike là ATGM “bắn và quên”, có thể phóng đi từ nhiều nền tảng khác nhau, đầu đạn lõm hai tầng của nó đủ sức đánh bại mọi xe tăng chiến đấu chủ lực tối tân nhất hiện nay.

Tên lửa Spike có nhiều biến thể với tầm bắn khác nhau. Các phiên bản tầm trung (MR), tầm xa (LR), tăng tầm (ER) đều sử dụng phương thức dẫn quang - truyền hình, cho phép tối ưu hiệu quả và tầm bắn; tấn công vào nóc xe tương tự FGM-148 Javelin của Mỹ.

Spike tầm ngắn (SR) là phiên bản mới nhất được thiết kế cho tác chiến đô thị với tầm bắn 50 - 1.500 m, được trang bị đầu dò quang điện/hồng ngoại giúp kháng nhiễu và tăng xác xuất trúng mục tiêu. Bên cạnh đó là tên lửa Spike mini chuyên dùng để chống bộ binh (APGW), tầm bắn 1,3 - 1,5 km, độ chính xác cao đến mức có thể "bắn qua cửa sổ".

Spike ER2 là phiên bản nâng cấp của Spike ER, được lắp đặt hệ thống truyền dữ liệu hai chiều không dây băng tần kép, cho phép lựa chọn phá hủy các mục tiêu từ khoảng cách xa hơn (10 km khi phóng từ mặt đất và mặt nước, 16 km từ trực thăng). Đầu tự dẫn của tên lửa sử dụng cảm biến hồng ngoại độ phân giải cao, cho phép thu nhận hình ảnh mục tiêu trên phạm vi rộng, khí tài theo dõi là loại đa quang phổ, có thể tích hợp cơ sở dữ liệu từ các cảm biến.

Spike NLOS (Non Line Of Sight) là phiên bản tiên tiến nhất của gia đình tên lửa chống tăng Spike, vũ khí này có tầm bắn lên tới 25 km, vượt xa mọi đối thủ đến từ khắp nơi trên thế giới. Điểm độc đáo của Spike NLOS là nó được trang bị hệ thống dẫn đường quang điện tử hai chiều với đường liên kết dữ liệu trong thời gian thực, có thể tấn công và tiêu diệt chính xác đa dạng nhiều loại mục tiêu ở vị trí bị che khuất hoàn toàn.