Những vụ giáo viên hành xử dị thường, phạt học trò theo kiểu "không thể nghĩ ra"

ANTD.VN - Gần đây, hàng loạt những hình phạt “dị thường” giáo viên dành cho học trò gây nhiều bức xúc trong xã hội. Nhiều người đặt ra câu hỏi: tại sao giáo viên người đứng trên bục giảng – người dạy đạo đức, dạy học sinh làm người lại có thể nghĩ ra những kiểu phạt “không thể nghĩ ra” như bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, bắt học sinh tát bạn cùng lớp, bắt học sinh quỳ… Hành phạt vô lý, phi đạo đức và “quái dị” này đang dần làm mất đi hình ảnh người thầy trong mắt học sinh, trở thành nỗi “ám ảnh” của nhiều học trò.

Như VNE đưa tin, ngày 19-11 tại Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), phát hiện em Hoàng L.N (SN 2007) nói tục nam sinh lớp 6.2 nói tục trong giờ ra chơi và bị Đội Cờ đỏ ghi lại. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977), chủ nhiệm của lớp 6.2, yêu cầu 23 bạn cùng lớp tát vào má em vi phạm, mỗi người 10 cái. Học sinh phản ánh, nếu tát nhẹ thì bị cô giáo phạt ngược lại.

Những vụ giáo viên hành xử dị thường, phạt học trò theo kiểu "không thể nghĩ ra" ảnh 1 

Sau khi “lĩnh” 231 cái tát em N phải nhập viện vì hai má sung và tâm lý hoảng sợ

Sau hôm đó, nam sinh phải vào Bệnh viện đa khoa Dinh Mười (huyện Quảng Ninh) vì hai má sưng, tâm lý hoảng sợ. Theo bác sĩ Lê Văn Hương - Phó Trưởng khoa Ngoại bệnh viện Dinh Mười, cháu N nhập viện vào ngày 20-11, trong tình trạng vùng má bị sưng tím, tổn thương phần mềm phía ngoài, há miệng hạn chế, nhai và ăn bị đau. Hiện tại, cháu N đã được gia đình xin cho ra viện.

Còn trong bản tường trình, cô chủ nhiệm giải thích muốn nam sinh tốt lên nên áp dụng hình phạt. Cô giáo đã nhận ra khuyết điểm, xin lỗi gia đình học sinh. Lớp 6.2 có 27 học sinh, thời điểm cô Phương Thủy kỷ luật nam sinh có 3 em được cho về nhà lấy vở bài tập.

Sự việc trên cô giáo bắt học sinh tát bạn bằng 231 cái tát là không thể chấp nhận được, đây là hành vi phản giáo dục và có dấu hiệu tội hành hạ người khác. Hành vi này không những đi ngược lại những giá trị cao quý của nhà giáo mà còn xâm hại nghiêm trọng đến quyền trẻ em được pháp luật bảo vệ.

Hình phạt “quái dị” – bắt học sinh uống nước dẻ lau bảng

Thời gian qua, hàng loạt các hình phạt “không thể nghĩ ra” của thầy cô dành cho học sinh của mình khiến dư luận xã hội bức xúc. Không chỉ cho học sinh trong lớp tát bạn đến nhập viên mà hình phạt “quái dị” hơn – cho học sinh uống nước giẻ lau bảng cũng khiến nhiều người lo ngại về đạo đức của một số bộ phận thầy cô giáo.

Những vụ giáo viên hành xử dị thường, phạt học trò theo kiểu "không thể nghĩ ra" ảnh 2 

Bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng vì nói chuyện riêng

Theo báo LĐO đưa tin, một giáo viên Trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng đã bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng, sau khi học sinh mắc lỗi nói chuyện riêng trong lớp.

Theo đó, khoảng 18h ngày 3-4, bà Trần Thị Ngọc Bảo nhận được phản ánh của ông Phạm Khắc Thảo (phụ huynh của em P.A – học sinh lớp 3A5 Trường tiểu học An Đồng) về việc cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương cho học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng.

Sau khi tiếp nhận và xác minh thông tin trên là đúng, nhà trường đã yêu cầu cô Nguyễn Thị Minh Hương - giáo viên có hình phạt chưa phù hợp với học sinh - đến xin lỗi em P.A và gia đình, đồng thời đưa học sinh này đi khám sức khỏe.

Ngày 4-4, Ban giám hiệu, Hội đồng sư phạm Trường tiểu học An Đồng đã đưa ra hình thức kỷ luật đối với nữ giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương bằng hình thức cảnh cáo trước toàn trường, không phân công chủ nhiệm lớp 3A5 và thay thế giáo viên chủ nhiệm khác.

Đánh học sinh tím lưng vì không chép bài

Như LĐO đưa tin, ngày 24-10, phụ huynh có con học ở Trường Tiểu học Kỳ Liên (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã bức xúc “tố” cô giáo chủ nhiệm đánh con mình tím lưng trên mạng xã hội.

Những vụ giáo viên hành xử dị thường, phạt học trò theo kiểu "không thể nghĩ ra" ảnh 3 

Học sinh bị cô giáo đánh tím lưng

Theo phụ huynh, khi đón con về, gia đình phát hiện trên lưng và tay con có nhiều vết bầm. Gặng hỏi thì cháu nói bị cô đánh. Thông tin trên nhanh chóng được chia sẻ, rất nhiều phụ huynh bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động của giáo viên.

Ông Hoàng Nhật Tiến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Kỳ Liên - cho biết, vào khoảng 15h chiều 24-10, cô Hồ Thị Hà - giáo viên của trường - đã dùng que đánh học sinh N.Ng.Ng dẫn đến việc cháu bị bầm tím lưng và tay.

Lý do cô Hà đánh học sinh là vì cháu Ng không làm bài tập và tẩy xóa trong vở.

Khẳng định hành vi của cô giáo là vi phạm đạo đức nhà giáo, Trường Tiểu học Kỳ Liên đã thành lập hội đồng kỷ luật để xét kỷ luật cô Hà.

Cô giáo "nghiến răng" tát liên tiếp vào mặt học sinh

Vụ việc xảy ra tại lớp 9.4, trường THCS Nguyễn Văn Bé vào cuối năm 2009 và bị phanh phui trên báo chí vào khoảng tháng 4 -2010. Cô giáo Châu Thị Hồng Đào, giáo viên chủ nhiệm lớp 9.4 đã xử phạt học sinh trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm ngày 28-12-2009 dưới hình thức tát vào má và véo tai học sinh, do nhiều học sinh của lớp không thuộc bài môn Anh văn và bị các lỗi khác nên giáo viên bộ môn ghi vào sổ đầu bài. Vụ việc này được một học sinh trong lớp ghi lại và đăng tải lên diễn đàn của trường. Cô Châu Thị Hồng Đào đã tát học sinh trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm lớp.

Những vụ giáo viên hành xử dị thường, phạt học trò theo kiểu "không thể nghĩ ra" ảnh 4 

Cô Châu Thị Hồng Đào tát học sinh liên tiếp vào má trong giờ sinh hoạt lớp

Sau đó, vào ngày 16-4-2010, trước toàn thể phụ huynh học sinh lớp 9.4, Ban Giám hiệu trường Nguyễn Văn Bé đã công bố xử lý kỷ luật và cắt thi đua của cô Châu Thị Hồng Đào, giáo viên đã có hành vi tát học sinh trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm lớp.

Không ít giáo viên hiện nay vẫn quan niệm khi học sinh mắc lỗi thì chỉ có cách giáo dục duy nhất, hiệu quả nhất là trừng phạt. Có người trừng phạt thân thể (đánh, véo, kéo tai, giật tóc, quỳ...). Người lại trừng phạt về tinh thần (la mắng, hạ nhục học sinh, làm cho xấu hổ...)

Thay vì răn đe, giáo dục học sinh bằng những cái tát, những đòn roi hãy thử dành cho học sinh một lời khen thưởng đúng lúc sẽ là động lực để học sinh phấn đấu, hoặc đôi khi chỉ một lần bị thầy cô trách phạt cũng khiến học trò ghi nhớ suốt đời. Nói thế để thấy môi trường giáo dục mang tính đặc thù, nơi không chỉ dạy tri thức mà còn rèn luyện nhân cách.