Những vụ bê bối nực cười

ANTĐ - Vụ bê bối mới được công khai của cựu Bộ trưởng Nội vụ Jacqui Smith lại khiến dư luận xứ sở sương mù tái đề cập chủ đề lạm dụng chi tiêu của hàng trăm nghị sỹ, thành viên Chính phủ từng gây chấn động dư luận và vẫn đang ảnh hưởng tới uy tín của họ.

Cựu Bộ trưởng Jacqui Smith (nữ Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên của nước Anh, làm việc dưới thời Thủ tướng Gordon Brown) bị cáo buộc đã cử 2 phạm nhân từ một nhà tù ở Redditch đến sơn sửa tư gia. Hơn 2 năm trước (tháng 6-2009), bà Jacqui Smith đã từ chức sau khi thừa nhận dùng ngân quỹ công để trả cho một số nhu cầu trong gia đình như dịch vụ truyền hình chồng ưa thích, trong đó có những bộ phim khiêu dâm.

Trước khi bê bối của bà Jacqui Smith được công bố, Bộ trưởng Tài chính Alistair Darling phải ra đi vì bị tố cáo cố tình tìm cách đòi thanh toán càng nhiều khoản càng tốt cho nhu cầu cá nhân. Cựu Bộ trưởng Phát triển quốc tế Clara Short phải trả lại hơn 8.000 bảng Anh sau khi kê khai toàn bộ số tiền trả góp cho căn hộ thứ hai, thay vì chỉ khai số tiền lãi. Bộ trưởng phụ trách công tác nhà cửa Margaret Backett, cựu lãnh đạo Đảng Tự do Dân chủ Menzies Campbell, Chủ tịch Đảng Bảo thủ Theresa May từng bị khán giả chất vấn về chuyện lạm dụng công quỹ.

Thượng tuần tháng 2-2010, Huân tước Thomas Legg đã yêu cầu 389 nghị sĩ phải trả lại công quỹ tổng cộng số tiền trị giá 1,12 triệu bảng Anh mà họ đã tư túi kể từ năm 2004. Thủ tướng Gordon Brown từng bày tỏ sự giận dữ sau khi biết tin này, nhưng ông cũng có tên trong danh sách 389 nghị sỹ phải trả lại tiền. Ông Gordon Brown bị yêu cầu trả lại 13.000 bảng Anh, tiền thuê người giúp việc.

Tháng 5-2009, ông Gordon Brown bị tố cáo trả cho anh trai Andrew Brown 6.577 bảng Anh tiền thuê quét dọn tư dinh ở Westminster trong 26 tháng. Được biết, chính phủ phải chi 1,16 triệu bảng Anh để làm rõ các khoản chi tiêu của những nghị sĩ kể trên. Theo kết quả điều tra cho thấy, có gần 400 nghị sỹ và cựu nghị sỹ bị yêu cầu phải hoàn trả tổng số tiền trị giá 1,8 triệu USD vì chi sai nguyên tắc tài chính. Những người kể trên đã dùng công quỹ để trả cho các khoản riêng như sửa nhà, mua sắm bàn ghế, làm vườn, kể cả thức ăn cho chó.

Gần 4 tháng trước (20-5), tòa đã phán quyết 16 tháng tù giam đối với cựu Bộ trưởng Môi trường Elliot Morley (làm việc dưới thời Thủ tướng Tony Blair từ 2003 đến 2006) vì bị buộc tội gian dối trong các khoản chi tiêu công quỹ. Ông Elliot Morley trở thành thành viên Chính phủ đầu tiên ở Anh phải ngồi tù với tội danh này. Được biết, ông Elliot Morley đã ký nhiều đề xuất chi sai mục đích để lấy tiền (hơn 30.000 bảng Anh, gần 49.000 USD) thế chấp mua ngôi nhà thứ hai tại thị trấn Winterton, North Lincolnshire trong khoảng thời gian từ tháng 5-2004 đến tháng 11-2007.

Tuy nhiên, ông David Chaytor mới là chính trị gia đầu tiên phải ngồi tù vì tội gian lận công quỹ. Ngày 7-1, cựu nghị sỹ David Chaytor đã bị tòa án Southwark Crown ở London tuyên phạt 18 tháng tù, trở thành ông nghị sỹ đầu tiên bị kết tội vì có liên quan tới vụ bê bối chi tiêu công quỹ. Ông David Chaytor bị cáo buộc bỏ túi 22.650 bảng Anh (khoảng 35.100 USD). Thẩm phán John Saunders tuyên bố, việc bỏ tù ông David Chaytor là biện pháp cần thiết để khôi phục lòng tin của người dân đối với hệ thống nghị viện ở Anh. Trước đó (10-2), Hạ nghị sĩ Eric Illsley bị tòa tuyên phạt 12 tháng tù vì bị cáo buộc 3 tội danh, trong đó có tội khai man tài chính và không trung thực đối với khoản tiền trị giá 22.000 USD. Thủ tướng David Cameron, Chủ tịch Công đảng Ed Miliband và hơn 2.000 người đã kêu gọi ông Eric Illsley từ chức để khỏi bị phạt tù nặng hơn. Ông Eric Illsley bị coi là người lập kỷ lục khi tư túi gần 10.000 USD tiền chênh lệch kể từ năm 2004 đến năm 2008.

Khoảng 1,5 năm trước, tuy bị xử lý nhưng cựu Bộ trưởng Giao thông Stephen Byers, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Geoff Hoon, cựu Bộ trưởng Y tế Patricia Hewitt đều tuyên bố, họ không có tội. Nhưng dư luận lại tin vào những gì được đăng tải trên kênh truyền hình  Channel 4 và tờ Sunday Times số ra ngày 22-3-2010. Theo những thước phim do phóng viên kênh truyền hình Channel 4 và tờ Sunday Times bí mật thực hiện thì những thành viên Chính phủ kể trên đã tiến hành vụ đổi tiền lấy vận động hành lang. Cựu Bộ trưởng Giao thông Stephen Byers đã thẳng thắn đặt giá từ 4.500 USD/ngày đến 7.500 USD/ngày cho những thông tin mà ông sẽ cung cấp cho đối tác, nếu có yêu cầu.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Geoff Hoon và cựu Bộ trưởng Y tế Patricia Hewitt cũng có quan điểm tương tự như ông Stephen Byers. Khi đó, Bộ trưởng Giao thông Lord Adonis và Bộ trưởng Thương mại Lord Mandelson bị cáo buộc đã giúp cựu Bộ trưởng Giao thông Stephen Byers tiến hành các cuộc vận động hành lang. Cố vấn của cựu Thủ tướng Tony Blair, bà Baroness Morgan bị tố cáo là người đã dàn xếp các cuộc gặp gỡ của các cựu bộ trưởng kể trên.