Những vụ ám sát đẩy các nước đến khủng hoảng ngoại giao

ANTD.VN - Ám sát” được định nghĩa là hành động có mưu tính do 1 người hay 1 tổ chức tiến hành nhằm giết chết 1 hoặc nhiều nhân vật có tên tuổi và ảnh hưởng trong chính trường hay xã hội vì những động cơ có tính chất chính trị, lý tưởng, đức tin, quan điểm. Người hay tổ chức chủ mưu thực hiện giết người không ra mặt và hành động giết người cũng thường được thực hiện lén lút hoặc bất ngờ khiến người bị giết không kịp phòng bị hoặc không kịp được bảo vệ. Những tác động của những vụ ám sát liên quan tới các quan hệ chính trị và quốc tế thường rất lớn, gây chấn động trong thời gian dài và những cuộc khủng hoảng trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia, đôi khi còn dẫn đến những hậu quả nghiệm trọng hơn như chiến tranh lạnh và xung đột quân sự.

Vụ án ám sát cựu điệp viên Alexander Litvinenko

Alexander Litvinenko, cựu sĩ quan FSB chuyên về các tội ác có tổ chức đã bỏ trốn sang Anh vào năm 2000 sau khi tiết lộ các thông tin mật về an ninh quốc gia Nga, đã bị trúng độc tử vong ở London (Anh) năm 2006 sau khi uống chén trà nhiễm phóng xạ. Xét nghiệm y khoa cho thấy Litvinenko đã chết do tác động mạnh bởi tia bức xạ alpha thoát ra từ đồng vị phóng xạ polonium 210, một đồng vị phóng xạ do Nga sản xuất nhằm mục đích thương mại nhưng được quản lý theo quy trình rất chặt chẽ vì đây là chất phóng xạ cực độc.

Nằm trên giường bệnh trước khi chết, Litvinenko đã cáo buộc chính phủ Nga sát hại ông nhằm trả thù tội phản quốc.

Vì thế, ngay sau khi Litvinenko qua đời, mọi sự quy kết trách nhiệm đều đổ về phía Nga, cụ thể là một cựu sĩ quan KGB khác, Andrei K. Lugovoi. Ngày 1-11-2006, Lugovoi đã sang Anh và có cuộc gặp riêng với Litvinenko tại khách sạn Thiên Niên Kỷ ở London. Các nhà điều tra Anh cho rằng, Lugovoi đã lén bỏ bột polonium vào thức uống của Litvinenko tại cuộc gặp. Tuy nhiên, Lugovoy không những phủ nhận mà còn tuyên bố nước Anh đang cố quấy nhiễu chính quyền Nga trước các cuộc bầu cử. Anh đòi dẫn độ Lugovoi sang Anh để điều tra, nhưng bị Nga từ chối. Và cũng vì nghi án này mà quan hệ ngoại giao Nga - Anh trở nên xấu đi.

Vụ ám sát Đại sứ Mỹ ở Lybia Christopher Stevens

Trong đêm 11 rạng sáng ngày 12-9-2012, một nhóm vũ trang nặc danh đã tấn công tòa nhà trụ sở Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi, phía Bắc Libya, giết chết 4 người Mỹ bao gồm cả Đại sứ Christopher Stevens, 52 tuổi và 10 nhân viên an ninh người địa phương.  Cuộc điều tra do chính quyền Libya tiến hành, cho thấy cuộc tấn công kéo dài 4 tiếng đồng hồ đã được lên kế hoạch từ trước, với chủ đích báo thù cho vụ máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt Abu Yahya al-Libi, một lãnh đạo cao cấp người Libya trong mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda ở Pakistan 3 tháng trước đó.

Cố Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens

Sau cái chết thương tâm của ngài Đại sứ, Tổng thống Mỹ lúc đó là Barrack Obama đã tuyên bố “không phạm sai lầm, thực thi công lý” và thề sẽ có biện pháp trừng trị những kẻ tấn công vào lãnh sự quán. Ngay sau đó tình báo và quân đội Mỹ đã tổ chức các chiến dịch truy lùng nhằm bắt sống hoặc tiêu diệt các phiến quân tham gia vào vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Libya và sát hại Đại sứ Christopher Stevens cùng 3 người Mỹ, bất chấp việc chính phủ Libyan yêu cầu người nước ngoài không được tham chiến tại đất nước này.

Vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov

Vụ ám sát gần đây nhất chấn động cả thế giới là vụ tay súng 22 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn chết Đại sứ Nga Andrey Karlov, khi ông đang tham gia cuộc triển lãm văn hóa “Nước Nga trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ” tại Ankara, hôm 19-11-2016.

Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov đã thiệt mạng tại chỗ sau khi bị bắn 9 phát súng tại buổi triển lãm.

Ông Andrey Karlov bị tay súng Mevlut Mert Altintas bắn 9 phát từ phía đằng sau. Tên này đã hét lên "Đấng Allah toàn năng", và "trả thù cho Aleppo" sau khi nổ súng. Hắn tự nhận là cảnh sát khi bước vào tòa nhà nơi diễn ra triển lãm. Sau khi bắn ông Karlov anh ta đã yêu cầu mọi người rời khỏi phòng. Altintas bị cảnh sát bắn hạ ngay sau đó.

Trái ngược với những sự chia rẽ sau các vụ ám sát trước đó, sự hi sinh của ông Andrey Karlov đã khiến Moscow và Ankara hợp tác chặt chẽ hơn trong nỗ lực chống khủng bố và xử lý cuộc khủng hoảng Syria sau vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ ám sát cựu điệp viên nhị trùng Sergei Skripal

Ngày 4-3-2018, cựu điệp viên nhị trùng Nga Sergei Skripal, 66 tuổi, và con gái là Yulia, 33 tuổi, đã phải nhập viện trong trình trạng “rất nghiêm trọng”, sau khi bị đầu độc ở Salisbury. Các nhà chức trách tin rằng hai cha con cựu điệp viên này đã trở thành mục tiêu của một âm mưu. Họ được tìm thấy trong tình cảnh ngã gục trên một chiếc ghế gần trung tâm thương mại ở Salisbury. Tình trạng sức khỏe của cha con cựu điệp viên Nga, nay đã là công dân Anh sau khi qua cơn nguy kịch đã dần ổn định.

Cựu điệp viên hai mang của Nga Sergei Skripal và con gái Yulia

Một vụ ám sát nữa liên quan đến điệp viên nhị trùng này đã khiến quan hệ giữa Nga và Anh vốn đã ở mức thấp nay tụt xuống mức đóng băng.

Hơn thế nữa, vụ ám sát bất thành cựu điệp viên của Nga này đã gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng giữa phương Tây và Nga. Bất chấp việc Nga một mực tuyên bố vô can trong vụ việc này, phương Tây và đồng minh đã ra đòn ngoại giao tập thể bằng cách trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga, đóng băng tài sản của giới chức và tài phiệt Nga ở châu Âu.

Động thái này của phương Tây đã khởi đầu cho cuộc chiến ngoại giao với Moscow. Nga sau đó cũng đáp trả bằng việc trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh và đóng cửa Hội đồng Anh. Hành động ăn miếng trả miếng giữa phương Tây và Nga đã đẩy các bên đến lằn ranh của một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi

Ngày 2-10-2018 là lần cuối cùng Jamal Khashoggi – một nhà báo có quan điểm trái chiều với chính quyền Ả Rập Saudi, một nhà bình luận thường xuyên cho tờ Washington Post, được nhìn thấy trước khi đi vào tòa lãnh sự của Ả Rập Saudi tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để lấy một số giấy tờ cần thiết.

Theo kết quả điều tra được Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ và Cơ quan tình báo Mỹ thực hiện, thì ông Khashoggi đã bị "giết chết một cách tàn bạo" trong ngày hôm đó. Ông Khashoggi đã bị khống chế bằng vũ lực sau khi giằng co và đã bị tiêm một lượng lớn thuốc, tới mức quá liều khiến ông tử vong. Thi thể nạn nhân sau đó bị cắt rời thành từng mảnh và trao cho một "cộng sự" người địa phương ở ngoài tòa lãnh sự.

Ông Jamal Khashoggi bị giết chết bên trong trụ sở lãnh sự của Ả-rập Saudi ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Mặc dù là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi với các nghi phạm được cho là làm việc cho cơ quan tình báo Saudi, Bộ ngoại giao và gia đình hoàng gia đã buộc chính quyền của Tổng thống Donald Trump lên tiếng phản đối và đưa ra các biện pháp trừng phạt.

Trước áp lực ngoại giao của Mỹ và nhiều nước trên thế giới, 18 người đã bị bắt giữ tại Ả-rập Saudi, 5 quan chức cao cấp trong chính phủ bị sa thải, trong số các quan chức này có Phó giám đốc Cơ quan tình báo Ahmad Asiri, và ông Saud al-Qahtani, phụ tá cao cấp của Thái tử Mohammed. Tháng 1-2019, 11 cá nhân bị đưa ra tòa xét xử, tuy nhiên danh tính các bị cáo không được công bố.

Ngày 23-12-2019, tòa án tại Ả-rập Saudi đã kết án 5 người với mức án tử hình, bỏ tù 3 người khác, liên quan tới vụ sát hại phóng viên Jamal Khashoggi, như một động thái xoa dịu dư luận thế giới.