Kỳ thú nẻo đường xuân Tây Bắc (2):

Những vòng xòe làm lòng người nghiêng ngả

ANTĐ -“Nơi hoa ban nở thành người con gái Thái”. Nhịp xoè của đồng bào Thái ở Tây Bắc như được hóa thân vào mùa xuân thì phải. Bởi bao giờ cũng thế, mùa xuân đến thì người Thái lại có những đêm xòe dài như vô tận.

Nhịp xòe du xuân

Du xuân qua miền Tây Bắc mà bỏ qua những đêm xòe thì coi như chưa về Tây Bắc. Xòe Thái ở Tây Bắc cũng như hoa trên những vạt núi, cánh rừng. Hoa trên núi từng loại nở theo mùa xuân, hạ, thu, đông. Xòe Thái Tây Bắc cũng vậy, nhịp man điệu thì chỉ có tiết xuân mới tuyệt đẹp. Xòe mùa xuân bao giờ cũng đẹp và nồng say.

Điệu xòe du xuân của những cô gái Thái Mường Sơ, Phong Thổ, Lai Châu

Dương như, người Thái ở Tây Bắc gom tất cả những điều đẹp nhất để dành cho mùa xuân thì phải. Chẳng thế mà cứ mỗi độ xuân sang, người đồng bào Thái ở Điện Biên, Lai Châu, đặc biệt là ở Quỳnh Nhai, Sơn La lại sắm cho mình những bộ váy cóm mới. Khác với miền xuôi, đồng bào Tây Bắc sắm áo mới để du xuân thì ít mà để say với những vòng xòe thì nhiều. Trở lại ven trời Tây Bắc vào dịp xuân đang bung nở trên cành đào. Ta mới thấm được từng giọt tinh hoa về điệu xòe mà người dân chắt lọc dồn cho mùa đẹp nhất.

Điệu xòe hoa ban

Có người hỏi tại sao du xuân Tây Bắc lại dễ bị say. Say là phải, mỗi bước chân qua núi ta lại đắm chìm trong niềm hân hoan trọng khách của người chủ. Say rượu nồng. Say tình và say hơn cả là những cánh tay nắm thật chặt để bung lên vũ điệu xòe nồng mà chỉ có xuân mới sung mãn. Múa xòe ngày xuân. Một nét văn hóa bao đời mà đồng bào Thái ở Tây Bắc níu giữ như một lẽ sống. Người Thái có múa xòe hoa ban, xòe được mùa, xòe gieo hạt, và xòe du xuân... Xòe du xuân thì bao giờ cũng tươi mới như chính những tấm váy áo cóm mà mà người chơi xúng xính theo nhịp lời hát. Chính những điệu xòe làm cho ta vơi đi mùa lam lũ vất vả. Và chính những nhịp xòe làm cho con người trở nên phóng khoáng như cây trên núi. Đã vào vòng xòe rồi thì khó mà buông được. Lúc này, men rượu nồng còn đâu mà chỉ có những nhịp xòe làm cho ta say theo từng điệu múa. Xuân Tây Bắc giản dị mà gần gũi. Thân thương mà nồng cháy. Chứ đâu cần những mâm cỗ đầy mà để níu lòng người phương xa!

Những vòng xòe thì không bao giờ có tuổi, cho dù là tuổi người hay tuổi xòe
bởi nó là nét đẹp tâm hồn của người Tây Bắc

Tây Bắc không còn xa đối với miền xuôi cũng bởi những vòng xòe không tuổi như thế. Lần trở về Lai Châu ven trời Tây Bắc này, tôi có ghé qua quán nhỏ ven suối Mường So. Đó là hiệu may váo áo cóm cuối cùng trên mảnh đất Phong Thổ, nơi được mệnh danh là cái nôi của những điệu xòe. Câu chuyện về điệu xòe ngày xuân nó vui và khác với những điệu xòe được mùa hay gieo hạt ra sao, đã được người con gái đất xòe Mường So nói thật tỉ mỉ. “Chẳng ai mang xòe du xuân để vui vào ngày được mùa, cũng chẳng ai xòe lên nương vào mùa xuân đang tràn ngập”- chị Lò Thị Còi- người thợ may áo váy cóm Mường So bộc bạch trong niềm vui.  

Người dệt hồn cho những đêm xòe man điệu.

Quả là không sai khi ai đó nói rằng ven trời Tây Bắc chỉ được dành riêng điệu múa. Nói đến Tây Bắc là người ta nghĩ về vùng đất của xòe. Xòe là văn hóa. Xòe là cuộc sống tinh thần của đồng bào nơi đây. Xòe làm nên váy áo cóm của đồng bào Thái hay áo váy cóm làm nên những điệu xòe làm lòng người nghiêng ngả?

Chị Lò Thị Còi, dân tộc Thái là chủ quán may bên suối Mường So

Điều này ngay cả người được mệnh danh là “pá so”- người con gái xòe- như chị Lò Thị Còi cũng không tách bạch được. Chị Còi bảo: “Tôi làm may váy áo cóm là do mẹ tôi dạy lại. Bà từng là người xòe nức tiếng Lai Châu nhưng cũng không biết được rõ điều đó. Ngày xưa, tôi chỉ nghe bà nói múa xòe thì không thể thiếu váy áo cóm, nếu là người Thái”.

Hiệu may váy áo cóm ở cuối trời Tây Bắc

Áo váy cóm như trang phục thêu dệt lên phần hồn cho nhịp xòe. Người mặc áo váy cóm mà xòe thì vòng xòe mới đẹp, người nhìn mới mê. Mà áo váy cóm đã mang vào mình cô gái Thái thì, trao ôi, thân thể mới rõ là một “pá so” của núi rừng. Áo váy cóm không chỉ làm đẹp trong những đêm xòe, mà nó tôn vẻ đẹp người phụ nữ Thái đến say lòng. Cửa hàng may của chị Còi không sang trọng như hiệu may thời trang ở miền xuôi. Khách đến may cũng không lộng lẫy son phấn, thơm nức nước hoa ở nơi thị thành. Mà chỉ là những người mộc mạc như những đóa hoa rừng. May váy áo cóm, là để cho người ta thấy sự trân trọng điệu xòe làm nên họ, chứ không phải để làm đỏng dáng ở nơi đông người. Mỗi mùa xuân sắp tới, hiệu may của chị chộn rộn với khách may váy áo cóm để cho những điệu xòe nồng say vào mùa xuân để người ta biết đến ven trời Tây Bắc có điệu xòe nồng say.
(Còn nữa)