Những vị đạo diễn “khuyết danh”

ANTĐ - Là cầu nối giúp nghệ sỹ đưa tác phẩm đến với công chúng, curator (giám tuyển) có một vai trò quan trọng và thậm chí trở thành người “quyền lực” trong giới nghệ thuật quốc tế. Ở Việt Nam, curator vẫn còn chưa được đề cao và trọng dụng. 

Curator đưa tác phẩm của nghệ sỹ đến gần với công chúng

“Đỡ đầu” cho nghệ thuật

Bấy lâu nay nghề curator không còn xa lạ trong giới nghệ thuật và công chúng đam mê thưởng thức nghệ thuật. Để có một chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp và thu hút, không thể thiếu bàn tay curator. Thường được gọi là giám tuyển - nhưng trên thực tế công việc của curator đa năng và nặng nề hơn chức danh “giám sát” và “tuyển chọn” rất nhiều. Từ việc thiết kế tổ chức triển lãm, tư vấn chuyên môn cho nghệ sỹ cho đến “phát ngôn viên” của dự án… có thể nói curator chính là cầu nối đưa tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng. 

Trên thế giới, vai trò của curator là không thể phủ nhận, nói không ngoa, họ chính là người “đỡ đầu” và chịu trách nhiệm cho sự thành bại của mỗi dự án nghệ thuật. Có thể lấy dẫn chứng từ Singapore Biennale, triển lãm lớn nhất về nghệ thuật đương đại ở khu vực Đông Nam Á, cũng như ở châu Á. Năm 2013, Singapore     Biennale chứng kiến một điều kỳ lạ khi không cần giám đốc nghệ thuật, thay vào đó một hội đồng giám tuyển (co-curatorship) gồm những curator đến từ Phillippines, Indonesia, Malaysia, Lào, Việt Nam…  trực tiếp đứng ra tuyển chọn nghệ sỹ và các tác phẩm tham dự. Sự có mặt của curator trong thế giới nghệ thuật dần được cho là đương nhiên và không cần bàn cãi. “Có thể hình dung thế này, trong buổi họp báo, đối tượng được phóng viên “bám lấy” để khai thác thông tin chính là các curator. Sau đó, chính các curator lại có nghĩa vụ tổ chức các buổi nói chuyện nhỏ để trao đổi chuyên môn. Còn nghệ sỹ, họ có thể tự do mà… đi chơi” - nhà nghiên cứu mỹ thuật - curator Nguyễn Anh Tuấn, người đã tham dự Singapore Biennale 2013 và nhiều sự kiện về nghệ thuật đương đại trên thế giới chia sẻ.  

Singapore Biennale 2013 là ngày hội của các curator

Nghệ sỹ không thể “ba đầu sáu tay”

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật đương đại Việt Nam, nhất là trong một vài năm trở lại đây, curator cũng đã bắt đầu được hình thành và biết đến với những nghệ sỹ tiên phong và giàu kinh nghiệm như Trần Lương, Lê Thiết Cương… Tuy nhiên, việc nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò của curator vẫn còn tương đối mù mờ. Thế mới có chuyện khi được hỏi, một họa sỹ có tiếng ở Việt Nam đã thẳng thắn cho rằng, một triển lãm cá nhân không cần đến  curator, curator chỉ thực sự quan trọng đối với các dự án quy mô.

Quan điểm trên khá sai lầm khi curator chính là người đưa ra đánh giá khách quan đối với thành quả lao động của nghệ sỹ, thay họ truyền tải những điều họ không thể nói tới công chúng, tránh đi cái gọi là “tự khen mình”. Và quả thực, nghệ sỹ cũng không thể “ba đầu sáu tay”, vừa sáng tác, vừa sắp xếp, tổ chức, lại vừa “lăng-xê” tác phẩm của mình tới người xem. Chưa được coi là một nghề và nếu có làm cũng gần như là làm không lương, hầu như các curator ở Việt Nam đều xuất phát là các nghệ sỹ, hoặc những nhà nghiên cứu nghệ thuật. Các bạn trẻ muốn theo nghiệp curator thì thường ra nước ngoài học hoặc tham gia các hội thảo của những nghệ sỹ/curator có kinh nghiệm, vì ở Việt Nam vẫn chưa có chương trình đào tạo dành riêng cho curator. Con đường trở thành một curator chuyên nghiệp khá chênh vênh khi phần lớn các curator vẫn nhờ vào một số mối quan hệ với một vài đồng nghiệp, rồi phải mất vài năm, thậm chí là hơn thế, họ mới định hình được tên tuổi và có tiếng tăm. 

Tuy vậy, sự có mặt của curator trong các dự án dù là cá nhân hay tập thể, đã giúp cho đời sống nghệ thuật đương đại sôi nổi và chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Suy cho cùng, nghệ sỹ cần curator để tác phẩm của mình đến với công chúng theo một cách thức hoàn hảo nhất, còn curator cũng cần có những hoạt động nghề nghiệp để được trưởng thành, nâng cao nghiệp vụ và hơn hết là được công chúng và giới chuyên môn ghi nhận.