Những ước mơ xa vời

ANTĐ - Bây giờ, khi đã ngồi giữa Hà Nội, tôi vẫn bị ám ảnh bởi những hình hài vẹo vọ ấy ở Hà Giang. Những đứa trẻ nhem nhuốc, lang thang nơi chái bếp, xó nhà khóc đến sủi bong bóng mũi vì đau đớn, tật bệnh mà chẳng có một bàn tay chăm sóc vỗ về. Bởi ngay cả cha mẹ các cháu lúc này cũng còn đang tối mặt trên nương hay vạt rừng để kiếm cái ăn.

Cánh tay của bé Đặng Thị Tâm bị tật vẹo cứng cử động rất khó khăn

Ông bạn y tá công tác tại Khoa phẫu thuật chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức để “hở” cho tôi một thông tin sốt dẻo, cuối tháng này có lẽ bọn mình sẽ lên Hà Giang để tiến hành phẫu thuật cho một số các cháu nhỏ bị khuyết tật cơ vận động có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Khá nhiều bác sỹ xung phong đi, nhưng… Tôi lập tức “đón lõng” bằng một cú điện thoại tới Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Hà Giang.

Đáp lại từ đầu dây bên kia, Bác sỹ Tống Khánh Hải - Giám đốc trung tâm ngập ngừng xác nhận: “Đúng là kế hoạch thì có như vậy. Chỉ có điều, đến bây giờ chúng tôi còn “mắc” một thứ nên chưa có thời gian cụ thể. Nếu báo chí các anh gỡ giúp cho cái nút “mắc” kia thì tốt biết mấy”. Nghe ông bac sỹ úp mở thế, dù chẳng biết cái nút mắc kia là cái gì, cũng chẳng biết mình có gỡ nổi không, nhưng nghe nói đến giúp trẻ em khuyết tật, tôi đi ngay. Thế nhưng đến nơi mới hay, việc ông bác sỹ nhờ, với tôi bỗng trở nên quá sức…

Nỗi đau con trẻ

Những ước mơ xa vời  ảnh 2
Đôi bàn tay của bé Đặng Thị Duyên
bị dính lại với nhau vì vết bỏng từ bé

Nhà Sùng Seo Mang nghèo lắm. Không chỉ người Mông ở cái bản Nà Béng này mà ngay cả người đi chợ dưới Nà Khương (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) ai cũng biết điều đó. Gia cảnh của Mang có thể gói gọn trong 4 chữ: Không thể nghèo hơn. Sẽ an ủi phần nào nếu như bất hạnh không đổ xuống đầu hai vợ chồng Mang bởi bé Pàng, đứa con gái út mắc tật vẹo cổ chân từ khi còn nhỏ. Mỗi khi trái gió trở trời, bé Pàng lại vật vã với những cơn đau, vợ chồng Mang chỉ còn cách nhìn nhau ứa nước mắt. Pàng năm nay 6 tuổi, nhưng cháu không thể đi lại bình thường như những đứa trẻ khác. Chân bên phải của cháu bị vẹo quặt, không đi lại được.

Tôi đến nhà Mang đúng lúc nhập nhoạng chiều. Nhà vắng hoe, bếp lạnh ngắt, Mang vẫn chưa đi nương về. Chỉ có bé Pàng nằm ru rú trên chiếc giường tăm tối rên hừ hừ như mèo hen. Trưởng bản Hầu Văn Lở vắn tắt về bệnh tình bé: “Nó bị bệnh lâu rồi, không chữa được đâu. Cái chân nó không đứng được. Cứ đi 3 bước lại ngã. Đầu chỉ toàn u với cục do đập đầu vào cột. Muốn không ngã thì chỉ còn cách bò. Chống hai tay thì vững hơn, nhưng như thế thì giống con bò. Bạn bè trêu suốt nên nó chẳng dám đi học nữa”.

Bé Pàng nên cơ sự này cũng chỉ vì bố em không có tiền. Ngày bé Pàng bị ngã què chân, vợ chồng Mang đang đi làm thợ mộc thuê mãi tận Lai Châu bỏ con lại cho ông nội trông nom. Nhưng cụ Sùng Seo Sấn già quá rồi. Thấy cái chân Pàng sưng to, ông Sấn chỉ biết cúng Giàng. Cúng hết mấy con gà mà Pàng vẫn chẳng khỏi. Lúc Mang về thì chân con đã thành tật. Mang thở dài: “Mình thương nó lắm, nhưng bệnh viện thì xa, không có tiền đi chữa nên đành để vậy chứ biết làm sao?”. Chỉ tội bé Pàng, nó thèm được đi học, nhưng sợ chúng bạn cười nên chẳng dám đến lớp với cái chân bị tật. Và mỗi lúc trở trời, cái chân lại đau nhức, nó chỉ biết bò vào giường nằm rên hừ hừ. Lúc đó, Mang chỉ biết bất lực bỏ ra cửa đứng một mình để mặc vợ ôm con trong bóng tối.

Chung cảnh ngộ với Pàng là bé Đặng Thị Duyên người dân tộc Tày, ở thôn Thượng Mỹ, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang. Lọt lòng mẹ được 2 tháng thì cha em bỏ đi mất. Đói cái ăn, lại thiếu sữa nên chị Vương Thị Giang đành gửi đứa con đỏ hỏn lại cho bà cụ hàng xóm rồi đi làm thuê. Ai dè trong lúc ngọ nguậy khóc đòi vú mẹ nên bé Duyên đạp trúng chiếc phích nước sôi, nước tràn lên đôi tay bé bỏng.

Nghe tiếng khóc thét của bé, bà cụ vội vàng chạy về, khi chiếc áo len được cởi vội ra thì mảng da tay bị lột theo chiếc áo. Mấy bài thuốc lá của bà lang chỉ giúp để đắp cho đôi tay của bé Duyên khỏi nhiễm trùng, nhưng vết bỏng đã khiến cả 2 bàn tay co quắp dính lại với nhau như màng chân vịt. “Em nghèo quá nên chỉ dám chữa cho con đến thế thôi” - chị Giang bần thần cầm đôi tay của con mình mà không nghĩ ra cách gì khi tôi hỏi về tương lai của bé.

Mà cũng chẳng cần chị Giang kể khổ, chỉ nhìn căn nhà mẹ con chị đang ở cũng đủ thấy cái nghèo nó hiển hiện đến mức nào. Gọi là nhà chứ thực tế nó là một túp lều tranh đúng nghĩa bởi mái lợp bằng lá cọ, còn vách đan bằng nan tre. Ngồi trong nhà, dù đóng cửa thì bên ngoài vẫn nhìn rõ mồn một. Tôi vào bếp “kiểm tra” bữa trưa, chỉ thấy duy nhất xoong cơm nguội dở và gói bột canh làm thức ăn. Đó là tất cả những gì mà gia đình này đang có.

Bài toán khó giải

Những ước mơ xa vời  ảnh 3
Bé Sùng Thị Pàng với đôi chân co quắp, nên luôn phải lấy chiếc giường làm bạn

Bé Pàng, bé Duyên chỉ là những ví dụ trong số 22 trẻ em tật nguyền cần được phẫu thuật của tỉnh Hà Giang trong dịp này vẫn phải chờ vì thiếu kinh phí. Bác sỹ Tống Khánh Hải - Giám đốc Trung tâm Cứu trợ trẻ em khuyết tật tỉnh Hà Giang bày ra trước mắt tôi một tập kế hoạch dày kèm theo bản danh sách dài tên những trẻ em khuyết tật: “Toàn bộ các em nhỏ cần phẫu thuật này đều là con em đồng bào dân tộc. Phần lớn các em bị như vậy là do sự hiểu biết của cha mẹ còn rất hạn chế và do quá nghèo nên đã không chữa trị kịp thời khi bị tai nạn.  Chính vì để quá lâu nên chi vận động của các em đã thành dị tật. Việc xử lý trả lại cho các em hình hài nguyên vẹn như ban đầu không khó về mặt y học. Tuy nhiên, kinh phí thì chúng tôi chỉ hỗ trợ được phần nào. Dù trung tâm đã vận động các gia đình đưa con em về tỉnh để phẫu thuật, nhưng xem ra để họ cùng tham gia đóng góp cho một ca mổ là quá khó khăn. Khó tới mức hầu hết họ đành phải chấp nhận tật nguyền suốt đời chứ không góp nổi 1 triệu đồng tiền viện phí”. Nén thở dài, bác sỹ Hải tiếp: “Chúng tôi chỉ mơ ước là có đủ kinh phí lúc này để có thể phẫu thuật giúp các em lành lặn trở lại”.

Hiện nay, các bác sỹ đã sẵn sàng bỏ công sức phẫu thuật miễn phí nhưng lo kinh phí thuốc men, hậu phẫu, bồi dưỡng cho các em là rất khó. Dù rằng, biết con mình sẽ được đi chữa bệnh không mất tiền, nhưng kể từ khi nhận được tin này, chị Nguyễn Thị Tuyến, người dân tộc Dao, ở bản Khuổi Phạt, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang vẫn lo ngay ngáy. Chị Tuyến góa chồng đã 5 năm nay, một mình nuôi 4 đứa con lốc nhốc trứng gà trứng vịt.

Đầu tắt mặt tối với mấy sào ruộng và hái chè thuê nuôi con còn bữa đói bữa no, thế nên nghe tới chuyện phải bỏ việc tới 15 ngày đưa con đi phẫu thuật là chị phát sốt phát rét. Chị Tuyến lo là phải, bởi 15 ngày ra viện trông bé Đặng Thị Tâm phẫu thuật cái tay bị vẹo cứng đồng nghĩa với việc 3 đứa còn lại ở nhà sẽ chẳng có gì bỏ vào mồm. Thêm nữa, 2 mẹ con ở viện cũng không thể không ăn trong chừng ấy ngày. Đi vay tiền thì chị chịu chết bởi cùng cảnh nhà nông chẳng mấy ai dư dả. Hơn nữa chị còn đang canh cánh số tiền hơn 10 triệu đồng chị vay để chữa bệnh và lo ma cho chồng suốt 5 năm nay vẫn chưa trả nổi. Thế nên chị bảo: “Có lẽ em phải để cháu Tâm ở nhà thôi. Tay nó bị tật thì đành chịu vậy chứ em không dám để 3 đứa còn lại ở nhà nhịn đói”. Gia cảnh như nhà chị Tuyến cũng chỉ là một ví dụ trong số những gia cảnh cùng quẫn này. 

Chúng tôi không muốn viết thêm một em bé tật nguyền nào nữa, cũng không muốn “cận cảnh” thêm về những cái nghèo của các gia đình. Nhưng có lẽ các bạn - cũng như chính bản thân chúng tôi - chúng ta sẽ cùng nhau mang lại niềm vui cho 22 số phận thoát khỏi hình hài tàn tật. Việc đầu tiên khi bài báo này lên khuôn, Ban biên tập, cán bộ, phóng viên Báo ANTĐ đã quyết định dành toàn bộ số tiền các cơ quan, đơn vị tặng Báo ANTĐ nhân 35 năm Ngày phát hành số báo đầu tiên 15-8-1976/15-8-2011 để góp phần mổ chỉnh hình cho các cháu.

Mọi sự giúp đỡ để 22 em bé được phẫu thuật, xin gửi về Báo An ninh Thủ đô, số 82 phố Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội, số điện thoại 39396838.