Những "tuyệt kỹ đoán ý trời" từ màu mây, sắc nước của ngư dân khi đi biển

ANTD.VN -  Đi biển nhiều năm, ngư dân sẽ tự trang bị cho mình kỹ năng quan sát thiên văn, nhìn màu mây, sắc nước để dự báo biến đối thời tiết. Kết hợp với việc theo dõi các phương tiện thông tin, ngư dân có thể kịp thời ứng phó với sự biến đổi của khí hậu, chủ động trong hoạt động đánh bắt thủy hải sản và phòng chống thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản của chính mình và các thuyền viên khác. 

Đi biển lâu năm vẫn không thể chủ quan

Bão là hiện tượng thời tiết nguy hiểm, thường có gió mạnh và mưa lớn, thậm chí xảy ra lốc xoáy. Nước ta nằm trong vùng nhiệt đới ẩm gió mùa, mỗi năm phải hứng chịu không ít cơn bão, gây ra những hậu quả nặng nề. Chỉ trong tháng 8 vừa qua, cơn bão số 3 Wipha và cơn bão số 4 Podul đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất của người dân, đặc biệt là ở những tỉnh ven biển như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị.... 

Hoạt động cứu hộ trên biển khi có tàu gặp nạn

Điển hình như hậu cơn bão số 4, tàu đánh cá mang số hiệu NA 93010 TS của ngư dân xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bị đánh chìm trên vùng biển Quảng Bình vào ngày 5-9-2019 khiến 7 thuyền viên mất tích. Theo báo Tiền Phong đưa tin, tính đến sáng ngày 6-9-2019, 5 thuyền viên đã được cứu sống, 1 thi thể đã được tìm thấy. Hiện, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đang phối hợp cùng người thân tích cực tìm kiếm  ngư dân còn lại.

Từ thực tế vụ chìm tàu cá ở Quảng Bình, cho thấy rằng: Dù có kinh nghiệm, lại sớm có thông tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, song chính vì thế mà nhiều chủ tàu và ngư dân rơi vào trạng thái chủ quan. Họ không triệt để tuân thủ các quy định về phòng chống bão, dẫn đến những hậu quả đau lòng khi “mẹ thiên nhiên” nổi giận.

Những "tuyệt kỹ" dự báo thời tiết 

Đối với ngư dân, bão là một thiên tai, nhưng cũng là "người bạn năm nào cũng đến" nên hơn ai hết, họ hiểu người "bạn" này và có những 'tuyệt kỹ" để nhận biết "khi nào bạn đến chơi nhà". 

Ngư dân có thể hiểu và "lắng nghe" biển cả

Theo những lão ngư có nhiều năm kinh nghiệm đi biển, quan sát thiên văn thường xuyên có thể dự báo thời tiết. Cứ vào sáng sớm, ngư dân thường nhìn về phía Đông - nơi mặt trời mọc, nếu thấy rạng mây (ngư dân thường gọi là "vẩy tê tê") di chuyển theo hướng Đông - Tây thì rất có thể trong vài ngày tới sẽ có bão, biển sẽ động mạnh, cần có những phương án phòng chống kịp thời.  

Trong kho tàng văn hóa người Việt cũng có câu “Ráng mỡ vàng, ai có nhà thì chống”, ý chỉ hiện tượng chân trời có ráng vàng như mỡ gà là sắp có mưa to hoặc dông bão. Ngoài ra, nếu bầu trời xuất hiện những “mống” mây đỏ, cong vòng như chiếc sừng trâu thì có lẽ trời sẽ đổ mưa.

Khi đang lênh đênh trên biển đánh cá, quan sát thấy gió nổi, thuyền lướt nhanh hơn, mặt biển đột ngột xuất hiện từng đợt sóng, bầu trời xuất hiện ráng đỏ, ngư dân nên chuyển hướng, tìm hướng đi đến bờ gần nhất để neo đậu tránh bão. Tuy nhiên, xác định phương hướng trên biển cũng cần có "tuyệt kỹ" như lấy sao Mai làm dấu đi về phía đông, lấy sao Cá Liệt làm dấu để đi về phía nam. 

Nước biển màu sậm tức là tàu đã ra xa khơi

Những ngư dân "lão luyện" lại "cao tay" hơn khi có thể xác định "chay" vị trí của tàu thuyền bằng cách quan sát lớp sóng và màu nước biển: nếu nước có màu bạc tức là tàu đang cách bờ từ 5 - 10 hải lý, nếu nước biển màu sậm tức là tàu đã ra xa khơi, cách bờ từ 30 - 50 hải lý. Đặc biệt, khi ngư dân kéo lưới lên, quan sát thấy nhiều rêu mắc, nước vẩn đục và đột ngột chảy xiết hơn là dấu hiệu thời tiết bất thường, có khả năng có bão. 

Ngược lại, ngư dân cũng có thể "lắng nghe biển" để chọn thời điểm ra khơi buông lưới cho cá về đầy khoang. Ấy chính là lúc con nước lăn tăn rải đều trên mặt biển, về đêm có đàn đom đóm lập lòe bay lượn, gió gợn nhẹ, báo hiệu thời tiết đẹp cho một chuyến tàu thuận buồm xuôi gió.  

Tàu thuyền về bến tránh thiên tai

Thiết nghĩ, xa xưa, khi không có các phương tiện định hướng, các kênh truyền tin, ông cha ta đã dựa vào những kinh nghiệm quan sát thiên văn cũng có thể dự báo tiết trời, đề phòng bất trắc, hạn chế rủi ro và thiệt hại do thiên tai mang đến. Ngày nay, khi ngư dân đã được trang bị đầy đủ các phương tiện thông tin liên lạc ngay cả khi cách bờ hàng trăm hải lý, được dự báo trước thiên tai. Vì vậy, ngư dân cần kết hợp giữa kinh nghiệm dân gian và tiến bộ khoa học để có thể ứng phó kịp thời với sự biến đổi của khí hậu, thời thiết, chủ động trong hoạt động đánh bắt thủy hải và giúp ích trong hoạt động phòng chống thiên tai, đặc biệt là bảo vệ tính mạng và tài sản của chính mình.