Những triển lãm nghệ thuật gây "sốc" đấu tranh cho nữ quyền

ANTD.VN - Ngày nay, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân của xâm hại, bạo lực tình dục đang có dấu hiệu gia tăng một cách đáng báo động. Vì những rào cản tâm lý mà rất nhiều nạn nhân đã không lựa chọn việc tìm đến các dịch vụ hỗ trợ từ cộng đồng, nhiều người đã phải chịu đựng nỗi đau và sự cô đơn trong bóng tối. Điều đó dẫn tới việc công tác ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân và truy tố tội phạm gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, nhiều cuộc triển lãm nghệ thuật mở ra với mục đích vừa thay mặt họ tố cáo tội ác, vừa giúp nhiều nạn nhân vượt qua những ám ảnh tâm lý để đứng lên đòi lại sự công bằng vốn thuộc về mình.

Câu chuyện đằng sau bức tường giày ở Thổ Nhĩ Kỳ

Ở một số vùng của Thổ Nhĩ Kỳ, người ta thường để giày của người qua đời bên ngoài bức tường nhà họ.

Với ý tưởng tương tự, tháng 9-2019, Vahit Tuna - nghệ sĩ kiêm nhà thiết kế đồ họa đã sáng tạo ra bức tường giày với 440 đôi giày cao gót được gắn xung quanh tòa nhà thuộc trung tâm thủ đô Instanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tác phẩm nghệ thuật được ví như "nghĩa trang giày" của những nạn nhân xấu số đã tử vong do bạo hành gia đình

Mỗi đôi giày là tượng trưng cho một số phận của phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ đã tử vong năm 2018 do bị chồng đánh đập.

Vahit chia sẻ, lựa chọn những đôi giày cao gót vì đây là biểu tượng của sắc đẹp và quyền lực phái nữ, chúng đại diện cho một cuộc đời độc lập mà phụ nữ đáng được hưởng.

Hàng trăm đôi giày cao gót màu đen được xếp ngay ngắn, thẳng hàng trên hai bức tường như lời tố cáo đanh thép cho tội ác mà bạo lực gia đình gây ra. Đồng thời, tác phẩm nghệ thuật còn là lời cảnh tỉnh con người về sự nguy hiểm của tội ác này.

Cách sắp xếp bố cục khiến người xem cảm thấy ám ánh như chính câu chuyện của chủ nhân từng đôi giày

  Nhằm tăng hiệu ứng truyền thông, triển lãm nghệ thuật độc đáo này sẽ được  trong trưng bày trong vòng 6 tháng. 

“Có phải lỗi của tôi?” – Triển lãm trang phục của nạn nhân bị tấn công tình dục

Theo thống kê của Mỹ, cứ 98 giây lại có một người phụ nữ bị tấn công tình dục, tuy nhiên chỉ có 1 trong 3 vụ được trình báo. 

Theo một cuộc thăm dò ý kiến về những vụ tấn công tình dục ở các trường đại học Hoa Kỳ vào năm 2015, 6 trong 10 người tiếp nhận phỏng vấn nghĩ rằng việc phụ nữ mặc gì chính là lý do họ bị tấn công.

Tuy nhiên, ngày 8-1-2018, một triển lãm về chủ đề tội phạm tấn công tình dục được tổ chức tại Trung tâm Cộng đồng Hàng hải (thành phố Sint-Jans-Molenbeek, Brussel, Bỉ) với tên gọi "Có phải lỗi của tôi?" đã đưa ra những bằng chứng sắc bén để bác bỏ ý kiến trên.

Bên trong buổi triển lãm "Có phải lỗi của tôi?"

Các sản phẩm trưng bày là những trang phục của nạn nhân bị tấn công tình dục được các nhà tổ chức mượn lại, như: T-shirt, quần Jeans, váy, đồ bơi, đầm trẻ em, quân phục... Từng thứ đều là những câu trả lời câm lặng cho cùng một câu hỏi "Có phải lỗi cuả tôi?" để cầu khẩn người xem nhận thức rằng trang phục họ mặc không phải lý do để họ bị cưỡng hiếp.

"Tôi mặc quân phục và đem theo một khẩu súng. Quá đủ để ngăn cản bất cứ thứ gì", thế nhưng chủ nhân của trang phục trên vẫn bị tấn công tình dục

Triển lãm ngoài mục đích loại bỏ yếu tố đổ lỗi của cộng đồng đối với nạn nhân bị xâm hại tình dục thì còn khích lệ họ báo cáo, nhận dạng hung thủ và tăng sức mạnh cho họ khôi phục tâm, sinh lý sau biến cố.

Triển lãm nghệ thuật "1001 chân dung nữ thần" khuyến khích nạn nhân bị bạo lực tình dục lên tiếng

Triển lãm nghệ thuật phá bỏ rào cản im lặng của nạn nhân bị bạo lực tình dục

Ngày 1-12-2017, tại Bảo tàng Phụ nữ (Hà Nội) đã diễn ra buổi triển lãm với tên gọi "1001 chân dung nữ thần" của họa sĩ người Úc, Hiratsuka Niki.

Tại đây, trưng bày 16 bức chân dung của 16 người phụ nữ đến từ Việt Nam và các quốc gia khác đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục. Nhưng bằng sức mạnh và nghị lực phi thường, họ đã vượt qua mọi nỗi đau và vươn lên trong cuộc sống. Mỗi bức tranh là một câu chuyện lắng đọng, ý nghĩa về cuộc đời họ.

Hiratsuka Niki - hoạ sĩ của những tác phẩm trên cũng từng là nạn nhân của bạo lực tình dục khi bị chính cha đẻ của mình xâm hại.

Năm 2015, Niki tham gia một lớp trị liệu bằng hội họa và phát hiện ra khả năng phục hồi của nghệ thuật.

Cô nhận ra khi chia sẻ câu chuyện của mình bằng những nét vẽ, không những tổn thương trong cô được chữa lành, mà câu chuyện đó còn mang lại niềm an ủi vô cùng lớn với những người khác, giúp họ có động lực để chia sẻ câu chuyện của mình.

Vì thế dự án "1001 chân dung nữ thần" ra đời nhằm khuyến khích nạn nhân của bạo lực tình dục lên tiếng, đồng thời để xã hội có cái nhìn cởi mở hơn và có những hành động phòng chống vấn nạn này.

Những triển lãm nghệ thuật gây "sốc" đấu tranh cho nữ quyền ảnh 6Họa sĩ Hiratsuka Niki và bức chân dung tự họa về mình  

Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm hưởng ứng "Chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái của Liên hợp quốc" và "Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực giới" diễn ra tại Việt Nam.

Đến nay, Niki vẫn tiếp tục dự án với nhiều bức chân dung đến từ các quốc gia khác.

Đừng để nạn nhân phải chịu nỗi đau trong bóng tối

Ngày nay, các cuộc đấu tranh nữ quyền vẫn diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt và đạt được nhiều thành quả.

Tuy nhiên, có một sự thật là khi chúng ta vẫn đang bàn về bình đẳng giới, nghĩa là phụ nữ vẫn chưa hoàn toàn được thừa hưởng những quyền lợi, cơ hội xứng đáng với năng lực của mình.

Tình trạng nhiều phụ nữ, trẻ em gái hằng ngày phải gánh chịu những tác động tiêu cực của tình trạng phân biệt đối xử, bạo lực, bất bình đẳng giới... vẫn diễn ra một cách phổ biến. 

Nguyên nhân là khi phụ nữ đứng lên đưa câu chuyện của mình ra ánh sáng thì công bằng chưa hẳn đã đứng về phía họ.

Trường hợp này liên quan tới các nước như Việt Nam, khi chúng ta vẫn còn những chế tài chưa đủ sức nặng.

Điển hình như vấn đề quấy rối tình dục, luật pháp Việt Nam vẫn chưa làm rõ được khái niệm này. Pháp luật hình sự của chúng ta đã có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm. Khung hình phạt dành cho những tội này có thể lên tới chung thân hoặc tử hình (trường hợp nạn nhân dưới 16 tuổi). Tuy nhiên, đối với những hành vi ở mức độ sờ mó, lời lẽ khiếm nhã… mà không có tính chất giao cấu thì Bộ luật Hình sự Việt Nam chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính.

Điều này gây ra nhiều câu chuyện bi hài như vụ xử phạt 200.000 VNĐ cho đối tượng quấy rối trong thang máy ở Hà Nội xảy ra vào hồi tháng 3-2019. 

Như vậy, để mọi nỗ lực của việc đấu tranh cho các nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục không trở lên vô nghĩa thì cần một chế tài hoàn thiện, đủ sức ngăn chặn các hành vi tội ác. Cũng như để khi nữ giới cất tiếng tố cáo là xuất phát sự tin tưởng về quyền lợi của bản thân được luật pháp bảo vệ.