Những trang viết khổ đau, hạnh phúc của một người đồng tính

ANTĐ - “Khiêu vũ cùng mẹ” - tôi nghĩ đây là một cuốn sách đặc biệt. Nó đặc biệt đối với tác giả của nó, đặc biệt với tôi và có lẽ cả với bạn đọc. 
Những trang viết khổ đau, hạnh phúc của một người đồng tính ảnh 1

Mùa hè năm 2007 có một nhóm khách du lịch đến từ Hoa Kỳ muốn tiếp xúc với tôi, tôi đã đồng ý và đón tiếp họ tại căn nhà nhỏ của mình. Họ gồm 4 người, 2 đàn ông và 2 phụ nữ. Hai người đàn ông tự giới thiệu về mình, một người là kiến trúc sư và một người là nhà tâm lý. Câu chuyện của họ với tôi chỉ xoay quanh công việc của một nhà văn. Một người đàn ông (sau này tôi biết tên ông là Peter) đã nói với tôi:

Khi tôi có ý muốn đi du lịch đến Việt Nam, một người bạn của tôi, là người Việt Nam đã khuyên tôi rằng hãy đến gặp bạn. Và bây giờ chúng ta đang ngồi cùng nhau. Tôi muốn hỏi bạn một câu, bạn có thuộc tuýp đàn bà ghét đàn ông không? Tại sao tôi lại hỏi bạn như thế vì ở nước Mỹ có một nhà văn nữ cũng thường viết về những vấn đề như bạn và cô ấy rất ghét đàn ông.

Tôi trả lời:

Tôi có chồng và con trai. Tôi rất yêu họ. Tôi không ghét đàn ông. Có lẽ vì quá yêu đàn ông mà tôi đòi hỏi ở họ nhiều hơn nên thường soi mói để chỉ ra cái xấu của họ chăng?

Sau đó tôi và ông Peter có trao đổi thư từ qua email. Vì vậy mà tôi được biết ông đã từng là thầy tế trong nhà thờ tân giáo và là một người đồng tính.

Ông Peter đã gửi cho tôi bản thảo của cuốn tiểu thuyết Khiêu vũ cùng mẹ. Bằng bản năng của một người viết tôi đã ngửi ra mùi hấp dẫn của cuốn sách. Tôi đã thuyết phục Nguyễn Kim Thi, bạn của con gái dịch cuốn sách. Tôi hứa với Thi sẽ hiệu đính và xuất bản cuốn sách cho cô. Sau lời hứa tôi bỗng lo toát mồ hôi hột, một cuốn sách của tác giả lần đầu và dịch giả lần đầu, việc xuất bản sẽ như... mò kim đáy bể. Những trang đầu tiên Thi gửi cho tôi, tôi đọc với tâm trạng hồi hộp và lo lắng. Mười trang rồi hai mươi trang, sự hồi hộp và căng thẳng vỡ òa ra thành sự sung sướng. Bản năng của tôi đã đúng, một tác phẩm hay đây rồi và một dịch giả giỏi đây rồi.

...Cậu bé Peter được sinh ra bởi một bà mẹ xinh đẹp nhưng vô cùng cứng rắn. Bà luôn dạy con cái theo cách riêng của bà, mà bà cho là đúng. Ví như khi không vừa lòng với những câu nói của bọn trẻ bà đã lấy bàn chải cọ sàn để “rửa mồm” bọn trẻ đến tóe máu hoặc bắt uống một loại thuốc tẩy để nôn hết những câu nói đó ra… Kết quả, một cậu bé đáng yêu lớn lên thành một thanh niên nhút nhát. Sự nhút nhát tiềm ẩn một sự nổi loạn. Vì sự nổi loạn đó mà người mẹ đã đẩy Peter ra khỏi cuộc đời bà, để lúc khó khăn nhất trong cuộc đời mình Peter cũng không hề nhận được sự giúp đỡ từ cha mẹ. Peter đã giận mẹ rất lâu. Khi bà hấp hối Peter đã không thể vượt qua được cơn giận đó để đến bên bà cầm tay bà và nói: con yêu mẹ, mặc dù trong tim người đàn ông đã từng trải Peter luôn ngân vọng ba từ đó. Chỉ khi bà chết Peter đã nhận ra ông yêu mẹ biết nhường nào, ông đã tha thứ cho bà tất cả và ông muốn khiêu vũ với mẹ một lần nữa.

Khiêu vũ cùng mẹ là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc đời của chính tác giả. Peter đã viết những trang đầy trung thực về các mối tình đồng tính, hạnh phúc, đau khổ, ghen tuông và tiền bạc nhưng không sa đà vào sự mổ xẻ chi tiết.

Một sự hấp dẫn khác làm nên giá trị của cuốn sách chính là những trang viết về công việc thầy tế trong nhà thờ của tác giả. Mà điểm nhấn đáng chú ý nhất, cũng là một dấu ấn lịch sử, vào ngày 8-12-1974 khi lần đầu tiên thầy tế Peter đã để cho một phụ nữ làm chủ tế. Việc làm này bị coi là đi ngược lại ý Chúa, một vị Giám mục đã kiện Peter ra tòa…

Người ta thường nói cuộc đời như một cuốn tiểu thuyết chứ chưa ai nói cuốn tiểu thuyết như một cuộc đời. Nhưng bây giờ tôi sẽ nói điều này cuốn tiểu thuyết Khiêu vũ cùng mẹ là một cuốn sách cuộc đời. Tôi hi vọng ở cái kết có hậu, khi nó được nằm trên tay bạn đọc Việt Nam.

Tôi không thể không nói về dịch giả Kim-Anne.

Tên thật là Nguyễn Kim Thi, SN 1992 tại Hà Nội, hiện đang học thạc sỹ chuyên ngành Maketing quốc tế tại trường Đại học Paris Ouest Nanterre La Défense (Paris, Pháp). Nguyễn Kim Thi là cựu học sinh chuyên Anh trường THPT Chu Văn An, năm 2009 cô đã đoạt giải nhì môn tiếng Anh kỳ thi học sinh giỏi thành phố Hà Nội. Năm 2011 cô được nhận sang Pháp học đại học chỉ sau 6 tháng học tiếng Pháp. Cũng trong khoảng thời gian này, cô bắt tay vào dịch cuốn tiểu thuyết Khiêu vũ cùng mẹ từ tiếng Anh sang tiếng Việt và hoàn thành tác phẩm vào đầu năm 2013. Đây có thể nói là một bản dịch hay, ngôn từ phong phú, trong sáng, mềm mại và hấp dẫn. 

Tôi hy vọng bạn đọc sẽ tìm thấy những điều bất ngờ từ tác phẩm của một tác viết lần đầu và của một dịch giả cũng dịch sách lần đầu tiên.