Những trận dịch bệnh lớn từng càn quét qua Thăng Long - Hà Nội

ANTD.VN - Xa xưa, nỗi lo sợ lớn nhất đối với dân chúng ở kinh đô Thăng Long và nước Đại Việt là bệnh tật và dịch. Có những bệnh ngày nay chỉ uống vài viên thuốc là khỏi, nhưng ngày xưa lại là nan y không thể chữa trị được. Ám ảnh lớn nhất với họ là bệnh đậu mùa và tả bùng phát thành dịch. 

Những trận dịch bệnh lớn từng càn quét qua Thăng Long - Hà Nội ảnh 1Bệnh viện René Robin (Bệnh viện Bạch Mai ngày nay) trong đồ án quy hoạch của người Pháp

Dịch bùng phát do mất vệ sinh

Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tỷ lệ tăng dân số hàng năm ở Hà Nội luôn ở mức 2-3%, tuy nhiên dân số tăng lại không phụ thuộc vào tỷ lệ sinh tự nhiên mà phụ thuộc vào tăng dân số cơ học vì tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi bị chết luôn ở mức 50% (trong khi tỷ lệ này ở Pháp là 10%). Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tử vong cao là do mắc các bệnh nan y, vượt qua khả năng chữa trị của các thầy lang. Nguyên nhân thứ 2 là vào mùa bệnh dịch từ tháng 7-9 hàng năm đã cướp  đi nhiều sinh mạng ở Hà Nội. 

Lịch sử ghi nhận ở Hà Nội đã xảy ra nhiều trận dịch khủng khiếp. Năm 1888, dịch tả lây lan hầu hết các khu dân cư, đâu đâu cũng thấy những bộ mặt lo lắng và hốc hác. Để chống dịch, chính quyền thành phố đã áp dụng các biện pháp như: phát phèn chua cho các hộ dân để họ làm sạch nước, cho đào giếng thơi đồng thời cấm dân chúng rửa rau, vo gạo ở các hồ ao tù. Với những người bị bệnh, chính quyền đã phát thuốc uống và huy động các bác sỹ quân y trong quân đội Pháp hỗ trợ dập dịch, nhưng phải 3 tháng mới dập tắt được.

Nguyên nhân gây ra dịch tả do điều kiện sống ở khu dân cư không đảm bảo, họ lại dùng  nước ao tù mất vệ sinh để tắm rửa, vo gạo hàng ngày. Một nguyên nhân khác là vào mùa hè khí hậu Hà Nội nóng bức làm thức ăn ôi thiu và có người vì tiếc rẻ đã ăn thức ăn này. Trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” của Hocrquad - một bác sỹ trong quân đội Pháp - đã mô tả hồ Gươm năm 1883: “Xung quanh hồ, dân các làng làm nhà sát mép nước, hàng ngày họ rửa rau, vo gạo, tắm giặt và xả cả nước thải xuống hồ, việc ấy diễn ra trong nhiều năm liền”.

Những trận dịch bệnh lớn từng càn quét qua Thăng Long - Hà Nội ảnh 2

Khó khống chế vì nhận thức kém

Năm 1902, dân chúng Hà Nội bị một phen hoảng loạn khi thành phố xuất hiện dịch hạch, người ta đồn đại là do các phu người Hoa sang làm đường  sắt  gây ra. Để phòng dịch, chính quyền thành phố đã đưa tất cả số lao động này vào cách ly trong Văn Miếu. Thế nhưng dịch hạch thông qua chuột nên vẫn lây lan, vì thế chính quyền bắt đầu tổ chức diệt chuột.

Một chiến dịch mua đuôi chuột đã được nhà chức trách đưa ra với lý lẽ đầy thuyết phục “chỉ cần họ nộp cái đuôi thì chính quyền sẽ không phải giải quyết cái xác chuột”. Nhưng đáng buồn, đây lại là cơ hội kiếm tiền của nhiều kẻ vô lương, bọn họ nuôi chuột ở ngoại ô, mua ở các tỉnh rồi giết để lấy đuôi nộp cho cảnh sát lĩnh tiền. Song như thế vẫn còn tử tế vì có bọn còn tệ hơn khi chỉ cắt lấy đuôi rồi thả ra, và vì chuột rất mắn đẻ nên chẳng bao lâu bọn họ lại có cái đuôi nộp cho cảnh sát. 

Chính quyền tiến hành các biện pháp chống dịch, nhưng một bộ phận dân chúng không đồng tình, họ không cho nhân viên y tế vào nhà kiểm tra hay phun thuốc diệt khuẩn, phản đối tiêm phòng và phản ứng quyết liệt khi chính quyền phóng hỏa đốt những căn nhà có người chết vì dịch.

Họ còn làm đơn khiếu nại và cho rằng: “Cách mà chính quyền đang làm chỉ phù hợp với thể trạng của châu Âu, còn người Annam chỉ cần đốt pháo cũng chặn được dịch”. Một số khác giấu người thân bị chết trong nhà, rồi lén lút mang xác về quê chôn khiến dịch hạch lan từ thành phố về một số vùng nông thôn.  Sang năm 1903, Hà Nội dịch hạch lại tái diễn nhưng chính quyền thành phố kiên quyết áp dụng các biện pháp hành chính cứng rắn cùng với các giải pháp y tế nên dịch đã được  khống chế.

Những trận dịch bệnh lớn từng càn quét qua Thăng Long - Hà Nội ảnh 3

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Chống dịch phải như chống giặc

Thập niên đầu của thế kỷ 20, Hà Nội đã xảy ra 2 trận dịch tả lớn, đó là  năm 1910 và năm 1914. Các phố hoang vắng vì dân lao động các tỉnh sợ dịch kiên quyết không ra thành phố làm việc, nhiều gia đình  có điều kiện đã đưa con cái sơ tán về các vùng quê. Trong cuốn “Lịch sử Hà Nội”, tác giả Philippe Papin đã đưa ra những nhận định  khủng khiếp: “Mỗi năm  dịch tả, dịch hạch đã cướp đi từ 600 - 800 người sống ở Hà Nội”. Cũng theo Philippe Papin, “từ năm 1885-1920 vì dịch tả và dịch hạch nên tuổi thọ trung bình của viên chức người Việt trong chính quyền Pháp chỉ là 30 năm 6 tháng”, đó là tầng lớp khá giả, còn với dân nghèo thì tuổi thọ trung bình còn  thấp hơn nhiều.

Sang  thập niên 30 nhờ có nhiều loại vaccine, bên cạnh đó là Bệnh viện René Robin (nay là Bệnh viện Bạch Mai) đã xây xong và có khoa truyền nhiễm đã hỗ trợ rất lớn trong chữa và điều trị các bệnh dịch. Sự hợp tác của dân chúng ngày càng tốt hơn đi cùng với sự phát triển của y tế nên dịch tả và dịch hạch không còn là nỗi lo của xã hội. Tuy nhiên ở các vùng quê, bệnh đậu mùa vẫn là nỗi sợ hãi của nhiều gia đình, và con cái họ tuy không chết nhưng cũng mang bộ mặt rỗ suốt đời.