Những “trận chiến” giữ bình yên cho Thủ đô vượt qua đại dịch (bài 2): Hạ “sốt” chợ thiết bị y tế, chặn hàng giả, hàng nhái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hiện tượng găm hàng tại chợ thuốc Hapulico; các đầu mối buôn lậu khẩu trang, hay thu gom số lượng lớn để tìm cách chuyển ra nước ngoài... Tất cả đã bị lực lượng Công an Hà Nội phối hợp cùng cơ quan Quản lý thị trường phát hiện, ngăn chặn sớm, giúp bình ổn thị trường, tránh tâm lý hoang mang cho người dân.
Lực lượng công an kiểm tra lô hàng khẩu trang không nguồn gốc tại một cơ sở

Lực lượng công an kiểm tra lô hàng khẩu trang không nguồn gốc tại một cơ sở

Công an Hà Nội cũng đã xác lập những chuyên án lật tẩy hành vi sản xuất, mua bán hàng giả là thiết bị y tế liên quan đến phòng chống dịch. Nỗ lực và chiến công ấy, được lãnh đạo Bộ Công an, Thành phố và nhân dân ghi nhận, biểu dương.

Đón đầu, chặn “sóng” ở “điểm nóng”

Nhớ lại thời điểm đầu tháng 2-2020, khi những tín hiệu đầu tiên của “giặc” Covid-19 manh nha hình thành, cũng là lúc xuất hiện những đợt “sóng ngầm” tại chợ thuốc Hapulico - trung tâm kinh doanh tân dược lớn nhất miền Bắc - nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Trung tá Bùi Quang Hưng - Đội trưởng Đội An ninh CAQ Thanh Xuân kể: “Cuộc họp đầu tiên ở thời điểm ấy khi nhận định, phân tích và phân công những phần việc cụ thể phòng chống dịch bệnh, đồng chí Trưởng Công an quận đã chỉ rõ, phải nắm bắt kịp thời và không để phát sinh phức tạp liên quan đến hoạt động của chợ thuốc”. Tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ huy Công an quận là từng đơn vị, mỗi cá nhân, khi nhận diện, xác định nguy cơ tiềm ẩn phức tạp liên quan đến dịch bệnh Covid-19 mà không nỗ lực giải quyết triệt để, sẽ là có lỗi với nhân dân.

Sự chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo đã giúp hình thành, xây dựng những kế hoạch phối hợp liên hoàn xoay quanh các trục: Công an quận với phòng nghiệp vụ CATP; Công an quận với cơ quan Quản lý thị trường; Công an quận với các phòng, ban của quận, các phường trên địa bàn quận; và đặc biệt, là vai trò - sức mạnh của phong trào quần chúng.

Tại chợ thuốc Hapulico, lực lượng An ninh, Cảnh sát kinh tế và Quản lý thị trường đã làm việc với Ban Quản lý chợ thuốc phát các thông báo liên quan đến dịch viêm phổi cấp do virus Corona, tuyên truyền đến các chủ hiệu thuốc bán đúng giá niêm yết. Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường tổ chức ứng trực, chốt để trực tiếp giám sát đối với các hiệu thuốc khi có hoạt động nhập khẩu trang, sẽ yêu cầu bán ngay cho người dân để đảm bảo nhu cầu sử dụng và bình ổn thị trường.

Đối với những cơ sở kinh doanh có hành vi “găm hàng”, lực lượng chức năng xử lý, đồng thời trực tiếp phối hợp với hiệu thuốc phát phiếu cho người dân xếp hàng mua khẩu trang đúng giá niêm yết…

Hơn 2 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4-2020) với hàng chục vụ việc bị phát hiện, xử lý liên quan đến những dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh của nhiều tổ chức, cá nhân ở tại đây và xung quanh khu vực chợ thuốc Hapulico. Từ đầu cơ tích trữ thiết bị, vật tư y tế; nâng giá bán khẩu trang y tế; chào bán thẻ kháng virus nhập lậu; đến mua bán trôi nổi khẩu trang, thiết bị y tế không rõ nguồn gốc...

Công an quận cũng đã phối hợp tuyên truyền phòng dịch đến 282.807 lượt tổ chức, công dân; đề nghị trên 30.000 cơ sở kinh doanh tạm dừng hoạt động để phòng ngừa dịch bệnh theo chỉ đạo của các cấp lãnh đạo; tuyên truyền 500 quầy thuốc tại chợ thuốc Hapulico, 12 chợ dân sinh và các cửa hàng kinh doanh mặt hàng thiết yếu thực hiện niêm yết bán đúng giá và chấp hành phòng dịch (không tập trung đông người, đeo khẩu trang, tẩy trùng, giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp...).

Những vi phạm đầu tiên bị phát hiện, xử lý tại “chợ thuốc” Hapulico đã là căn cứ, là tiền đề để nhiều địa bàn, các lực lượng chức năng khác thực hiện quyết liệt, tạo sự đồng bộ trên toàn thành phố. Không chỉ chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm để đảm bảo sự bình ổn thị trường, tránh tâm lý hoang mang cho nhân dân; Công an quận Thanh Xuân còn chủ động phát hiện, ngăn chặn những thông tin trái chiều trên mạng xã hội, liên quan đến “chợ thuốc” và dịch bệnh; như hiện tượng một số tiểu thương rủ nhau treo biển hết hàng; việc thổi phồng, nói quá công hiệu những sản phẩm y tế, nhằm tăng giá, tạo sự khan hiếm; hay đăng thông tin thất thiệt trên Facebook cá nhân...

Nhìn nhận lại khoảng thời gian vừa qua, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định: “Nếu không có sự chủ động vào cuộc quyết liệt của Công an Hà Nội và Công an quận Thanh Xuân, những tiềm ẩn ở chợ thuốc Hapulico nói riêng sẽ trở nên phức tạp”.

Công an Hà Nội khám xét Công ty Đức Anh

Công an Hà Nội khám xét Công ty Đức Anh

Thể hiện rõ trách nhiệm với cộng đồng

“Tâm” dịch Covid-19, Công an Hà Nội đã xác lập, phá thành công chuyên án tạo được sự cảnh báo, răn đe, phòng ngừa mạnh mẽ đối với các đối tượng có ý định thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đó là vụ án liên quan đến Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ y tế Đức Anh (viết tắt là Công ty Đức Anh, địa điểm kinh doanh số 5, ngõ 178, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội).

Bốn đối tượng trong vụ án đến thời điểm này đã bị pháp luật xử lý về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, theo Điều 192 – BLHS năm 2015, gồm: Trương Thị Bình (SN 1982, Phó Giám đốc Công ty Đức Anh); La Văn Thi (SN 1982, Giám đốc kinh doanh Công ty Đức Anh); Nguyễn Đức Việt Anh (SN 1987, nhân viên kinh doanh của Công ty Đức Anh) và Hoàng Văn Tới (SN 1989, nhân viên Khoa Khám bệnh của một bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội).

Án kinh tế, gian lận thương mại để phát hiện, khởi tố điều tra vốn dĩ đã khó. Và độ khó càng tăng trong bối cảnh dịch bệnh, thời điểm giãn cách xã hội theo chủ trương của Chính phủ và thành phố Hà Nội. Thế nhưng, Công an Hà Nội, cụ thể ở đây là lực lượng Cảnh sát kinh tế, đã làm được việc khó đó.

Sau thời gian xác lập chuyên án, ngày 8-4, Cơ quan cảnh sát điều tra - CATP Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế đối với Công ty Đức Anh.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, doanh nghiệp này đang đóng gói trang phục phòng dịch có dấu hiệu làm giả trang phục phòng dịch của Công ty CP Dược và thiết bị y tế Phúc Hà (viết tắt là Công ty Phúc Hà, địa chỉ tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Công ty TNHH In và dịch vụ thương mại Quang Trung (viết tắt là Công ty Quang Trung, địa chỉ tại Khu đô thị Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Qua xác minh cơ quan chức năng xác định, mặc dù biết rõ Nhà nước nghiêm cấm việc sản xuất, buôn bán, lưu thông trên thị trường Việt Nam những hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chất lượng của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh đã đăng ký bản quyền và được bảo hộ tại Việt Nam nhưng do hám lợi, từ tháng 1-2020 đến ngày 8-4-2020, Trương Thị Bình cùng đồng phạm đã có hành vi mua các bộ trang phục bảo hộ rời, in tem nhãn mác giả các nhãn hiệu của Công ty Phúc Hà và Công ty Quang Trung.

Sau đó, Bình chỉ đạo nhân viên đóng gói, dán tem thành bộ trang phục bảo hộ hoàn chỉnh, đem bán thu lời bất chính. Tổng số hàng hóa Trương Thị Bình làm giả là 14.587 bộ trang phục phòng dịch giả, tương đương với hàng thật trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Trong đó, hàng giả nhãn mác Công ty Phúc Hà là 4.285 bộ (tương đương hàng thật trị giá gần 720 triệu đồng), hàng giả nhãn mác Công ty Quang Trung là 10.302 bộ (tương đương hàng thật trị giá 365 triệu đồng). Trong số 4.285 bộ trang phục phòng dịch giả mạo nhãn hiệu của Công ty Phúc Hà, Bình cùng đồng phạm đã bán 2.970 bộ trang phục giả cho 7 cá nhân, tổ chức. Còn lại 1.315 bộ chưa kịp tiêu thụ thì bị phát hiện thu giữ như trên...

Thời gian ngắn sau đó, đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Bộ Công an, khi về dự hội nghị tại Công an Hà Nội, ghi nhận, đánh giá cao Công an Thủ đô đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó kiểm soát chặt chẽ ngay tại khu vực sân bay và lập các chốt tại các cửa ngõ từ các tỉnh lân cận vào trung tâm thành phố. Công tác đảm bảo ANTT, phòng chống tội phạm luôn được CATP quyết liệt triển khai và có hiệu quả.

Nói về chuyên án do Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Cục QLTT Hà Nội triệt phá thành công, đồng chí Thứ trưởng khẳng định, đây không chỉ là vụ án đơn thuần, mà cho thấy trách nhiệm của lực lượng Công an đối với xã hội, với người dân. Bởi nếu số lượng thiết bị y tế kém chất lượng ấy bị bán ra thị trường, hậu quả sẽ khôn lường…

Cấp ủy từng đơn vị chịu trách nhiệm về hiệu quả công tác phòng chống Covid-19

Phương châm mà Đảng ủy - Ban chỉ huy Công an quận thống nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, là bám sát chỉ đạo của Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP, của Quận ủy - UBND quận; từ đó, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Công an phường, đội nghiệp vụ và đối với từng đồng chí trong ban chỉ huy Công an quận. Tinh thần phải thống nhất, là không chủ quan, lơ là, nhưng cũng không quá hoang mang, lo sợ trước dịch bệnh Covid-19. Từng đơn vị, mỗi cá nhân, khi nhận diện, xác định nguy cơ tiềm ẩn phức tạp liên quan đến dịch bệnh Covid-19 mà không nỗ lực giải quyết triệt để, sẽ là có lỗi với nhân dân. Ở đây, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị sẽ phải nêu gương trong chỉ đạo, thực hiện, để đạt kết quả tốt nhất”.

Trung tá Đinh Tuấn Thành (Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an quận Thanh Xuân)

(Còn tiếp)

Bài 3: Những cuộc chạy đua tính bằng giây