Những trải nghiệm ngọt ngào

(ANTĐ) - “...Không mở mắt, Duy biết M đã tỉnh dậy bên cạnh anh. M vẫn nằm im, hơi thở đều đều, nhưng nàng đã ở đây. Căn phòng dường như ấm lên mặc dù, bằng vào tiếng rít của gió bấc qua khoảng trống bên hông nhà, anh biết Hà Nội đang đi qua những ngày rét đậm...”

Những trải nghiệm ngọt ngào

(ANTĐ) - “...Không mở mắt, Duy biết M đã tỉnh dậy bên cạnh anh. M vẫn nằm im, hơi thở đều đều, nhưng nàng đã ở đây. Căn phòng dường như ấm lên mặc dù, bằng vào tiếng rít của gió bấc qua khoảng trống bên hông nhà, anh biết Hà Nội đang đi qua những ngày rét đậm...”

Đã có một khoảng thời gian nào đó họ đã tưởng, hay có vẻ đúng hơn là Duy đã tưởng, rằng họ đã hoàn toàn đủ cho nhau và không cần ai khác nữa. “...M đứng ngay ở đó, nắm tay anh. Thế là đủ. Bởi vì lúc ấy và lúc này, anh biết tất cả công việc, tiền bạc, chức vụ, bạn bè, du lịch, thậm chí cả cha mẹ anh em cộng lại cũng không bằng cái cảm giác biết chắc chắn có một người là M sẽ đi với anh đến cùng trời cuối đất…”. Cho đến khi xuất hiện một vết rạn đầu tiên trong hạnh phúc ngọt ngào đó, dưới hình hài một cô-gái-áo-đỏ. Một lúc nào đó hình ảnh M đột ngột lui vào một chỗ xa tít, thậm chí như biến mất khỏi cuộc đời Duy…“Ngay lúc này, anh có thể nói anh không yêu M. - Anh không yêu em - anh có thể nói thế. Và cảm thấy chính xác như thế. Và anh có thể bỏ ra đi mà không nhớ nhung, tiếc nuối gì cả. Chỉ vào lúc này thôi...”.

Thật ra, người-con-gái-áo-đỏ ấy cũng rất bình thường, bất chợt trở thành một ám ảnh lý tưởng. Chỉ có Duy tự ảo tưởng, huyễn hoặc mình, có chăng đó chính là hiện thân của mọi điều Duy khao khát, thầm ghen tị với địa vị, sự thành đạt của một người đàn ông khác. Chính xác hơn, Duy đâu có yêu cô ta. “Tiếng Người” kể về khoảng thời gian năm tháng trong cuộc đời Duy và M - một đôi vợ chồng trẻ thành đạt, cùng đi học ở nước ngoài về. Trong năm tháng đó họ vẫn rất yêu nhau, trong khi vẫn nghĩ đến những người khác theo cái lối mà người đời gọi là “ngoại tình trong tư tưởng”.

Có thể coi họ thuộc tầng lớp thượng lưu, trí thức, với lối sống, lối nghĩ hiện đại, cùng những cá tính riêng. Không gian của chuyện kéo dài từ New York tới Hà Nội, những bông tuyết đầu mùa ở phố La Salle và tiếng gió bấc trên những mái ngói xô nghiêng nơi phố cổ.

Những tách cà phê ấm nóng hay cốc trà bạc hà đêm giao thừa; lúc ồn ào bụi bặm cáu gắt trên con phố giờ tan tầm chiều hay lặng im đuổi theo những suy nghĩ bên khung cửa chan hòa nắng buổi sớm mai... Tất cả những chi tiết mà Phan Việt đưa vào tác phẩm đều rất thực, rất đời thường. Nó làm nên sự hấp dẫn của “Tiếng Người”, khiến người đọc có cảm giác sống lại cảm xúc của mình, vào một thời điểm có thực trong cuộc đời mà họ đã trải qua.

Phan Việt - tên thật là Nguyễn Ngọc Hường (SN 1978). Chị tốt nghiệp ĐH Ngoại thương Hà Nội, đã viết nhiều truyện ngắn và tiểu luận tiếng Anh cho báo Việt Nam News với mục đích tự học tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp, chị làm việc một thời gian ngắn tại ĐH Sư phạm trong dự án giáo dục đặc biệt cho trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Tiếp tục học Thạc sỹ tại Nebraska, Mỹ và hiện đang học tiếp chương trình Tiến sỹ tại ĐH Chicago chuyên ngành công tác xã hội. Để hoàn thành “Tiếng Người”, chị đã đọc nó hàng trăm lần trong quá trình hoàn thiện bản thảo, cho đến khi nó trở thành một cuốn sách thực sự cuốn hút độc giả. Và chính Phan Việt đã coi đây là tác phẩm có tính bản lề trong sự nghiệp văn chương của mình, để biết mình sẽ dành cả cuộc đời theo đuổi văn chương.

Hồng Hạnh