- Các công ty an ninh tư nhân “nở rộ” ở châu Phi
- Nga xúc tiến xây dựng một loạt căn cứ quân sự ở 6 nước châu Phi
Sân bay quốc tế Roberts của Liberia có lượng hành khách thấp do cơ sở hạ tầng trên mặt đất kém |
Máy bay bay vòng vì sân bay mất điện
Vào lúc 2h ngày 11-4, một chiếc máy bay của hãng Royal Air Maroc bay đến gần sân bay quốc tế Roberts của Liberia thì đột nhiên đường băng và đèn của tháp điều khiển tối om. Toàn bộ khu vực này mất điện. Các kỹ thuật viên đã mất 1 giờ để vận hành máy phát điện trong khi máy bay lượn vòng trên trời. Mặc dù đã sử dụng hệ thống định vị, nhưng máy bay đã không thể hạ cánh khi đã thử vài lần. Không thể chờ đợi thêm nữa, nó hướng đến Sierra Leone khiến nhiều hành khách “khóc dở mếu dở”. Đây là lần thứ hai đường băng và tháp điều khiển rơi vào tình trạng mất điện hoàn toàn.
Trước đó, ngày 28-3, Tổng thống Liberia George Weah và các quan chức chính phủ sau khi dự Hội chợ triển lãm Dubai ở Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) đã phải đáp xuống một sân bay tối đen. Một ngày sau, các du khách lại chìm trong bóng đêm ở sân bay, buộc họ phải sử dụng đèn pin điện thoại di động trong khi chờ chuyến bay khởi hành. Các hãng hàng không đã phản ứng bằng cách hủy bỏ hoặc giảm quy mô chuyến bay. Nguồn điện không ổn định tại phi trường đã khiến các hãng hàng không lớn phải chuyển hướng các chuyến bay sang những nước láng giềng, bao gồm Sierra Leone, Guinea và Bờ Biển Ngà. Hành khách đã phải chi thêm tiền để di chuyển từ các quốc gia lân cận tới đích đến của họ.
Trong một diễn biến khác, hãng hàng không Air France (Pháp) vào ngày 11-3 thông báo ngừng các chuyến bay đến Liberia từ cuối tháng 4-2022. Lý do là bởi lợi nhuận kém và tình hình địa chính trị hiện tại. Thực tế, Air France cũng như nhiều hãng hàng không khác đã trải qua những khoảng thời gian đầy biến động khi bay đến Liberia. Vào năm 2012, hãng hàng không này đã phải gánh chịu thiệt hại gần 500.000USD do tình trạng tồi tàn của đường băng và đã được yêu cầu rời đi. Họ quay trở lại từ năm 2020 sau khi chính phủ Liberia nâng cấp đường băng. Nhưng đoạn video cận cảnh về đường băng của sân bay do hãng tin DW (Đức) quay vào ngày 16-3-2022 cho thấy mọi thứ đang xấu trở lại.
Cần đầu tư thích đáng
Giới phân tích chỉ ra rằng, nhiều quốc gia châu Phi cần đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở hạ tầng mặt đất của các sân bay để có thể hoạt động đúng chức năng, đặc biệt là để phục vụ máy bay thân rộng. Ở một số vùng của châu Phi, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay còn ít - lý do khiến một số quốc gia liên tục lọt vào danh sách “sân bay tồi tệ nhất”. Vào năm 2021, sân bay quốc tế Khartoum (Sudan), sân bay quốc tế Kinshasa N'djili (Congo), sân bay quốc tế Tripoli (Libya), sân bay quốc tế Julius Nyerere (Tanzania) được coi là tồi tệ nhất trong khu vực. Suốt 6 năm qua, sân bay N'djili lọt vào danh sách những sân bay “kinh khủng nhất” ở châu Phi. Nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể đủ tiền trang trải những thứ xa xỉ như vậy trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt trong 3 năm qua. Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở khuôn khổ pháp lý hay chính sách ưu tiên của mỗi chính phủ.
Hiệp hội sân bay quốc tế - một cơ quan quản lý hàng không toàn cầu lớn với mục tiêu thúc đẩy chất lượng trong ngành hàng không - cho biết, thông số để đánh giá các sân bay không đơn thuần là cơ sở hạ tầng trên mặt đất. Các yếu tố con người như thái độ của nhân viên sân bay, dịch vụ khách hàng và quy trình vận hành cũng là những yếu tố được xem xét chính trong việc xếp hạng các sân bay. Đó là lý do tại sao Ai Cập, mặc dù có nhà ga đẹp và cơ sở hạ tầng mặt đất tốt lại được xếp vào danh sách “sân bay tồi tệ nhất châu Phi” trong các cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2016, 2018 và 2021. Họ bị trừ điểm “không thân thiện với khách hàng” do các nhân viên không quan tâm, hỗ trợ hành khách, thậm chí thô lỗ. Hay các sân bay Lagos - MM1 và MM2 của Nigeria liên tục lọt vào danh sách “sân bay tồi tệ nhất” trong 5 năm qua do các vấn đề kết nối giữa cả 2 nhà ga. Các du khách trong các cuộc khảo sát khác nhau đã phàn nàn rằng, sau khi trải qua tất cả các quy trình tại sân bay Nigeria, họ bị kiệt sức về mặt cảm xúc, tinh thần và thể chất vì mất 2-3 tiếng mới xong thủ tục lên máy bay.
Bên cạnh đó, hàng loạt sân bay khác như OR Tambo International Airportin Johannesburg (Nam Phi), sân bay quốc tế Jomo Kenyatta (Kenya), sân bay quốc tế Murtala Muhammed (Nigeria) và sân bay quốc tế Port Harcourt… còn nổi tiếng với các vấn đề liên quan đến giả mạo hành lý và ăn cắp vặt. Hôm 31-12- 2018, Christoph Groenen viết trên tài khoản Twitter về việc hành lý bị “rút ruột” tại sân bay Tambo: “Đồ đạc bị đánh cắp trong toa xe kéo trên đường đến máy bay hoặc trong hầm hàng khi lên máy bay. Tôi rời Joburg trong một trận mưa lớn. Khi nhận hành lý, túi của tôi bị hỏng và đồ bên trong ướt đẫm”.